Biến rác thành tiền

01/08/2009 11:29 GMT+7

Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, ông đã biến phế phẩm thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu...

Vừa bước vào cửa Công ty Thủ công mỹ nghệ Kim Bôi (87 Ter Trần Đình Xu, quận 1-TPHCM), tôi choáng ngợp trước hàng trăm sản phẩm được chế biến từ vỏ dừa, gáo dừa như đèn ngủ, bình hoa, chén bát, thảm, chiếu và những đồ mỹ nghệ khác... Dưới nền gạch ngổn ngang những thùng đựng tấm lọc sơn, lọc nước, lưới xơ dừa được đóng gói cẩn thận chờ xuất đi Hàn Quốc, Đài Loan. Lên lầu 2, tôi lại bắt gặp những giỏ hoa, chén, đĩa, tấm lót nồi và những vật dụng trang trí như chuột, khỉ, búp bê... cũng được đóng gói chờ xuất đi Nhật, Mỹ. Ở cuối phòng, ông Đặng Quốc Hùng, giám đốc công ty, đang loay hoay với những sản phẩm mới.

Trăn trở từ cây dừa

Ông Đặng Quốc Hùng cho biết: Trong tương lai, ông sẽ thành lập làng nghề Kim Bôi ở Hóc Môn- TPHCM, tập hợp nhiều doanh nghiệp để tận dụng cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị. Với mô hình này, các doanh nghiệp sẽ điều tiết được nguồn lao động, giảm chi phí sản xuất và tạo sức hút với các khách hàng tiềm năng.

Chỉ tôi xem bức tranh vừa được thiết kế, ông Đặng Quốc Hùng cho biết sắp tới, dòng tranh xơ dừa mang phong cách Việt sẽ được tung ra thị trường. “Nếu như trước đây, dân làng Đông Hồ dùng giấy dó làm nguyên liệu cho tranh thì nay tôi dùng xơ dừa để làm tranh như một cách để làm phong phú thêm hồn dân tộc”- ông nói.

Ông Hùng đến với nghề thủ công mỹ nghệ đã ngót nghét 15 năm. Trước khi gắn bó với cây dừa, ông đã làm rất nhiều nghề. Trong quá trình kinh doanh, ông nhận thấy hầu hết các sản phẩm Việt khi sản xuất thường phải nhập nguyên liệu, nguồn hàng không ổn định, giá cả tăng cao. Trong khi đó, ông biết ở Bến Tre có rất nhiều dừa và có cả nguồn lao động tại chỗ. “Lúc đó, tôi mơ ước làm thế nào tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở miền Nam để tạo lợi thế cạnh tranh, biến những phế phẩm từ dừa thành những dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ”. Đem suy nghĩ của mình trình bày với bạn bè, người thân, ông được họ hưởng ứng nhiệt tình. Nhưng khi ấy, ông cũng chưa nghĩ đến sẽ làm sản phẩm gì từ dừa. Qua thăm dò, tiếp xúc với nhiều khách hàng Đài Loan, ông thấy chỉ xơ dừa đang được họ ưa chuộng. Thế là, ông quyết định làm chỉ xơ dừa xuất khẩu. 
 
Năm 1995, ông về Bến Tre tìm mua vỏ dừa, sản xuất chỉ. Bước đầu, công việc gặp nhiều khó khăn ở cả đầu vào lẫn đầu ra. Tình cờ, ông đưa một vị khách Đài Loan về tham quan vùng dừa ở Bến Tre. Thấy nguồn tài nguyên dừa phong phú, vị khách nảy sinh ý định làm thảm xơ dừa theo hướng công nghiệp. Ý tưởng lớn gặp nhau, hai bên quyết định hợp tác sản xuất chỉ, thảm xơ dừa. Ông Hùng nhớ lại: “Kinh doanh hơn  3 năm thì vị khách Đài Loan tìm được thị trường ở Trung Quốc nên bán lại dây chuyền sản xuất cho tôi với giá rẻ và cho trả góp. Thế là năm 1999, tôi chính thức làm chủ”.

Trong quá trình sản xuất thảm, thấy những miếng thảm thừa bị cắt bỏ, ông tiếc và nảy ý định tận dụng để làm những sản phẩm như miếng lót nồi, bình hoa, đèn ngủ... Riêng bụi xơ dừa, ông tận dụng làm đất sạch. Không ngờ sản phẩm được thị trường đón nhận nhiệt tình. Từ đó, ông chính thức bước vào ngành thủ công mỹ nghệ với những sản phẩm tận dụng từ vỏ dừa, xơ dừa.

Cái tâm của người làm kinh doanh 

Ông nói vui: “Nghề của tôi là biến rác cùng một ít sáng tạo thành tiền”. Chứng minh cho lời nói của mình, ông chỉ cho tôi xem hơn 400 sản phẩm, trong đó có gần 100 mặt hàng xuất khẩu. Không chỉ chú trọng đến mặt hàng thủ công mỹ nghệ, ông còn sản xuất các mặt hàng phục vụ xây dựng và dân dụng như lưới xơ dừa, tấm lọc sơn, lọc nước, nệm, chiếu, gạch... Để phát huy thế mạnh cũng như tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, ông đã xây dựng Công ty Dừa Việt tại huyện Mỏ Cày, Bến Tre và đặt hàng, mở rộng vùng nguyên liệu sang Tiền Giang, Khánh Hòa. Riêng tại TPHCM,  ông đã mở xưởng sản xuất tại huyện Hóc Môn, giải quyết việc làm cho gần 50 lao động với thu nhập trên 2 triệu đồng/người/tháng.

“Không chỉ yêu nghề, không ngừng sáng tạo mà ông Hùng còn thương người, nhất là những người nghèo khó. Dù biết những lao động mà ông đào tạo sẽ mở cơ sở sản xuất cạnh tranh nhưng ông vẫn  tận tình truyền nghề để họ có cuộc sống ổn định”- anh Trương Ngọc Tài, người đã gắn bó lâu năm với công ty, nhận xét về ông như vậy.

Huỳnh Nga (Người Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.