Bún mì 'đi' với ruốc khô sau Tết

08/03/2016 09:32 GMT+7

Sau tết, người cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ như nhớ cái gì. Vợ “bắt mạch”, nói anh nhớ... bún mì chớ gì? Mình nói đúng rồi em ơi, bún mì trộn ruốc.

Sau tết, người cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ như nhớ cái gì. Vợ “bắt mạch”, nói anh nhớ... bún mì chớ gì? Mình nói đúng rồi em ơi, bún mì trộn ruốc.

Mấy ngày tết “bao la” những món ăn với nhiều dầu nhiều mỡ. Những lọn bún mì (bún làm bằng nguyên liệu chính là củ mì), cái hũ sành đựng đầy ruốc khô nằm hẩm hiu trong góc bếp. Giờ là lúc chúng được hai vợ chồng bê ra, nhẹ nhàng vuốt ve như thể thay cho một lời xin lỗi...
Vốc một nắm ruốc ra tay nghe thơm ngọt quá chừng mùi nắng. Đó là mùi nắng năm ngoái, cái nắng dìu dịu của tháng chín, tháng mười. Những con ruốc đỏ hồng lúc đó được ướp nắng chỉ một ngày rồi ngủ đông trong hũ, mới mở nắp đã ùa dậy mùi thơm.
Bỏ vài nắm ruốc vào trã đất rang lên, hòn than chưa hửng hết thì ruốc đã tỏa hương ngào ngạt. Hình như làn hương vừa mỏng vừa nhẹ hay sao ấy, cứ lan ra đầu ngõ, len vào cả mấy nhà hàng xóm khiến có người la lên: “Thơm quá, thơm quá! Nhà ai rang ruốc”.
Bún mì ngâm nước âm ấm, vớt ra cắt thành từng đoạn ngắn rồi để ráo. Nói thì dễ nhưng làm phải quen tay vì cái anh bún mì quả hơi khó tính. Ngâm muộn một tí là ảnh nhũn ra. Vớt sớm một tí thì ảnh... đơ đơ. Nói chung là phải đúng độ mềm. Nhưng ai biết bún mềm bao nhiêu độ thì vớt?
Vợ nói dùng ngón trỏ đo “độ” nguội của nước, kết hợp với bấm thử cọng bún, nghe mềm là vớt. Dễ ợt mà anh cứ lăn tăn. Mình hay lăng xăng thực hiện khâu ngâm bún. Nhưng thời điểm vớt bún ra thì cứ nhờ vợ cho lành. Làm lanh là hay bị... truy cứu trách nhiệm lắm.
Đã làm món, dù là món đơn giản nhất thì các chất phụ gia cũng phải có chừng có đỗi, nghĩa là phải đúng liều mới ngon. Vợ hay nhấn nhá: “Đúng liều chớ hổng phải làm liều”. Vì đã làm chủ “liều lượng” nên vợ trút cái ào chén ruốc khô vào thau bún, rưới nhanh nửa chén nước mắm chua ngọt, thảy vào luôn mớ rau quế và hành tím đã xắt lát.
Tất cả được xới lên, trộn đều bằng đôi tay khéo léo của bà xã. Món bún mì trộn ruốc khô “ra đời” như thế. Mình vừa đặt chai vang đỏ lên bàn thì vợ đã nguýt, nói gì chớ rượu thì anh nhanh lắm. Chờ em nướng bánh tráng cái đã.
Bẻ miếng bánh tráng, gắp đũa bún “đính kèm” ruốc khô để lên trên rồi nhai chung. Chu cha! Bún mì dai dai thơm thơm, con ruốc ngòn ngọt đậm đà, thêm cái mặn mà, cay chua của gia vị ngon đến nỗi muốn thốt lên: “Bún mì đi với ruốc khô/Ngon từ đầu lưỡi ngon vô dạ dày”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.