Bước vào thế giới trẻ thơ...

08/01/2005 15:49 GMT+7

Chíp là một địa chỉ quen thuộc nằm trên đường Mạc Đĩnh Chi, Q.1, TP.HCM. Đó là một thế giới tuổi thơ sống động với vô số đồ chơi xinh đẹp, dù không phải là những món đồ hiện đại mang tính "công nghệ" nhưng lại đặc biệt thu hút được trẻ em và nhiều bậc phụ huynh. Có lẽ ít ai biết rằng, thương hiệu Chíp này gắn liền với sự nghiệp làm mẹ của nữ chủ nhân Lê Phi Nga. Trò chuyện với chị về đồ chơi trẻ em lại mở ra cho chúng ta đôi điều suy ngẫm về việc giáo dục con cái.

Câu chuyện đằng sau một thương hiệu...

Người phụ nữ nhỏ nhắn có gương mặt thông minh và dịu dàng, đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về sự ra đời của thương hiệu Chíp mà theo chị là một sự tình cờ. Câu chuyện bắt đầu từ khi chị Nga cùng chồng là đạo diễn Phạm Hoàng Nam sống và học tập bên Nga, khi đó chị mang thai đứa con đầu tiên. Chị nhớ lại: "Thời kỳ đó rất khó khăn vì cả hai còn rất nghèo". Chị phải tự may lấy tất cả quần áo cho con. Với niềm hạnh phúc của người lần đầu sắp được làm mẹ, chị Nga còn tự mày mò làm cả đồ chơi cho con mình...

Nhà búp bê

Làm đồ chơi cho con là một quá trình khám phá thế giới trẻ thơ. Chị dần phát hiện ra cái đẹp trong mắt trẻ em cũng rất khác người lớn. Muốn khám phá thế giới của chúng người lớn cần nhìn thế giới bằng con mắt trẻ thơ. Những "tác phẩm" đầu tay là những búp bê đơn giản làm bằng vải cotton cắt từ quần áo cũ được chị tỉ mẩn thêu đính thêm mắt mũi, tóc, trông rất "ngô nghê". Từ đó, chị sáng tạo rất nhiều đồ chơi dạng có kéo khóa, dán dính, có tiếng kêu để con tự khám phá bằng mắt, bằng tay, bằng tai... Những món đồ chơi tí hon ấy được gửi gắm tất cả tâm hồn, tình yêu thương của người mẹ. Chị thậm chí đã bỏ việc để "đầu tư" vào con cái. Không ngờ chính từ hai "công trình" vĩ đại nhất của mình mà chị đã có một "vốn liếng" kha khá về nghề thiết kế đồ chơi cho trẻ nhỏ.

Chị tâm sự: "Lúc mới mở cửa hàng, mình cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi ngày mở mắt ra đã thấy mình mất đi biết bao nhiêu tiền: tiền thuê mặt bằng, tiền trả lương công nhân... Nếu thiếu lòng say mê, mình sẽ chẳng thể "nuôi không" cửa hàng trong 3 năm trời như vậy!". Sau 7 năm, đến nay chị đã có 2 cửa hàng ở Hà Nội và TP.HCM. Được biết hai cô con gái chị học rất giỏi, chăm ngoan, có trí tưởng tượng phong phú và nhờ đó đã giúp mẹ rất nhiều trong việc sáng tạo.

Chọn đồ chơi cho trẻ

Chị Nga bộc bạch: "Mình rất may là khi mang thai con đầu lại đang sống bên Nga, nên được đi học một lớp "làm mẹ" - đây là lớp học bắt buộc đối với mọi bà mẹ tương lai. Hơn nữa, mình được đọc rất nhiều sách báo nước ngoài về tâm sinh lý trẻ em. Nhờ đó mình có kiến thức nuôi con và sau này vận dụng trong việc sáng tạo đồ chơi".

"Có nhiều bậc phụ huynh băn khoăn không biết nên mua những đồ chơi gì cho con mà quên rằng quan trọng nhất vẫn là sự đồng cảm của cha mẹ với con trẻ. Nhiều em bé chỉ chơi với một chiếc mùi soa nhưng vẫn phát triển nhân cách tốt, trong khi nhiều em có cả một nhà đồ chơi lại phát triển tâm lý lệch lạc... Khi cha mẹ hiểu con, họ sẽ tự biết con mình cần gì để phát triển trí tuệ và nhân cách".

Đồ chơi của Chíp dành cho trẻ em từ sơ sinh đến 10 tuổi. Ngoài những đồ chơi tự sản xuất, chị nhập thêm một số đồ chơi giáo dục của nước ngoài. Chíp được đánh giá là đồ chơi mang tính giáo dục cao. Theo chị Nga, trẻ từ 1 đến 3 tuổi, các phụ huynh nên mua những đồ chơi giúp trẻ nhận biết thế giới, phát triển các giác quan. Phù hợp với trẻ ở tuổi này là những vật treo trên cao, những trò chơi xếp hình, tháo lắp... Lớn hơn chút nữa, các đồ chơi giáo dục phù hợp với trẻ: trò xếp chữ, xếp các hình khối đơn giản, hay nhà búp bê giúp trẻ mô tả sinh động về cuộc sống trong gia đình và ngoài xã hội...

Trẻ nhỏ mới chỉ tập trung quan sát theo khối, mảng miếng lớn vì vậy những đồ quá nhiều chi tiết là không cần thiết. Nên chọn những món đồ có tông màu nguyên. Chất liệu đồ chơi cho trẻ phải tốt nhất: vải cotton, bông loại dành riêng cho làm đồ chơi, gỗ ép màu và sơn không độc hại...

Theo chị Nga, đồ chơi cho trẻ không cần quá cầu kỳ, những đồ quá "hiện đại" chưa chắc đã tốt với trẻ. Nên mua cho trẻ những đồ chơi đơn giản và để tự trẻ khám phá. Có bé chỉ với một mẩu gỗ nhỏ song chúng tưởng tượng ra bất kỳ vật gì trong cuộc sống. Một chiếc xe bằng gỗ thay vì có động cơ để ấn nút có khi lại giúp trẻ sáng tạo ra nhiều cách chơi mà không bị nhàm chán...

Chị Nga cho rằng bố mẹ cần nhập cuộc với con chứ không chỉ đơn thuần là mua những đồ chơi về cho trẻ. Khi được người lớn chơi cùng, trẻ sẽ cảm thấy rất vui thích.

Trẻ "phản ánh" thế giới qua trò chơi

Ba mẹ con chị Nga trong gian hàng của mình

Thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, chị rút ra một nhận xét: các ông bố bà mẹ "tây" khi dắt con vào cửa hàng thường hỏi xem con thích gì còn các ông bố bà mẹ "ta" khi dẫn con đi mua đồ thường có thói quen khuyên con thích những gì họ cho là đẹp. Vô hình chung các phụ huynh đã làm con mất đi sự tự do trong ngay cả sở thích. Chị Nga kể, có một bà mẹ người Hà Lan có con 3 tuổi nhưng cô bé vẫn chưa bỏ được thói quen bú bình. Nhân sinh nhật cô bé, chị dẫn con đến cửa hàng Chíp và nói với con: "Bây giờ con đã 3 tuổi, mẹ cho phép con đổi bình sữa lấy bất cứ món đồ chơi nào mà con thích". Và cô bé đã từ bỏ bình sữa một cách vui vẻ và tự nguyện.

Nhà búp bê là một trò chơi được trẻ em trên thế giới ưa thích, giúp phát triển khả năng sáng tạo của trẻ trong việc sắp xếp đồ vật theo cuộc sống mà chúng thấy. "Nếu quan sát các em bé Việt Nam xếp nhà thì hầu hết theo mô hình: mẹ luôn luôn ở vị trí trong bếp trong khi đó ông bố luôn ở một trong hai vị trí: đọc báo hoặc xem ti vi". Có em bé chơi búp bê, giả làm cô giáo cho học sinh ăn: bé dõng dạc quát "Há miệng ra! Nhai! Nuốt!". Chị Nga trầm ngâm: "Những trò chơi của trẻ khiến chúng ta suy ngẫm. Đôi khi người lớn cũng cần nhìn vào đó để điều chỉnh lại chính mình".

Hồng Dung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.