Cá chết hàng loạt do ô nhiễm

03/10/2015 12:28 GMT+7

Những ngày vừa qua, khoảng 100 ha cá nuôi của nhiều hộ dân tại thôn Triều Thủy (xã Phú An, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) bị chết hàng loạt do việc điều tiết thủy lợi gây ô nhiễm nguồn nước.

Những ngày vừa qua, khoảng 100 ha cá nuôi của nhiều hộ dân tại thôn Triều Thủy (xã Phú An, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) bị chết hàng loạt do việc điều tiết thủy lợi gây ô nhiễm nguồn nước.

Sau hơn 1 tuần xả nước, cá vẫn tiếp tục chết - Ảnh: Tuyết KhoaSau hơn 1 tuần xả nước, cá vẫn tiếp tục chết - Ảnh: Tuyết Khoa
Tình trạng này khiến hàng chục hộ dân tại thôn Triều Thủy bức xúc. Ông Nguyễn Dưỡng, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá thôn Triều Thủy cho biết: “Hơn một tuần nay, nhiều hộ nuôi cá của thôn phải vớt một lượng cá lớn chết trong hồ đi đổ. Nhiều hộ phải thuê xe tải chở đi chôn. Nhà tui nuôi 4 ha thủy sản xen canh gồm tôm, cua, cá bỗng dưng chết hàng loạt, thiệt hại ít nhất phải 70 - 80 triệu đồng”.
Theo ông Dưỡng, từ ngày 22.9, chính quyền xã bất ngờ xả nước từ đồng ruộng qua cống Cửa Hói và Đập Con ra đầm. Hiện đầm có gần 100 hộ đang nuôi thủy sản xen canh với diện tích hơn 100 ha. Nước xả bất ngờ, không báo trước. Vì thế, chủ hồ không kịp ngăn nước bẩn vào hồ. Trong khi đó, nước xả từ ruộng chứa nhiều độc tố từ thuốc diệt cỏ, trừ sâu… khiến cá tôm chết hàng loạt. Nhiều nhất là những hộ dân có hồ cá gần cống.
Bà Đặng Thị Phải (trú thôn Triều Thủy) bức xúc: “Năm nay, thời tiết thuận lợi nên bà con tranh thủ thả cá nuôi trái vụ. Toàn là những loại có giá trị kinh tế cao như cá dìa, cá kình, tôm, cua.... Rứa mà, không mưa không lụt, tự nhiên xả nước làm chi khiến cá nuôi chết hết. Mà xả cũng chẳng thông báo. Gần 100 hộ ở đây thiệt hại ít nhất mỗi hộ phải 20 triệu đồng”.
Trước tình trạng cá chết hàng loạt, nhiều hộ dân tại đây đã mang cá chết và đơn kiến nghị đến UBND xã Phú An. Ông Nguyễn Đăng Bảy (trú thôn Triều Thủy) nói: “Nhà tui nuôi 1 ha, tính thiệt hại đợt này hơn 20 triệu. Hộ nuôi nhiều hơn thiệt hại nhiều. Hồ của tôi cận cống nên thuộc hộ có cá chết đầu tiên. Tui phải vớt đi đổ và thuê xe đi chôn. Rứa mà lên xã, họ chỉ nói xin lỗi. Ruộng trưa bữa ni đã thu hoạch và đang để hoang thì cớ làm sao lại xả nước khiến cá tôm chết”.
Giải thích về điều này, ông Đăng Anh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Phú An nói: “Sáng ngày 22.9, chính quyền xã đã tiến hành xả nước 1 ngày 1 đêm từ đồng ruộng ra đầm thông qua hai cống Cửa Hói và Đập Con với lưu lượng vừa phải. Lý do vì nhận thấy nước trong đồng ruộng bị nhiễm mặn do nước mặn từ đầm tràn vào sau những trận mưa lớn từ cơn bão số 3 vừa qua. Sau đó, bà con phản ánh cá chết. Về nguyên nhân cá chết thì cũng nhiều lý do nhưng một phần do xả nước ra từ đồng ruộng”.
Khi được hỏi, vì sao khi xả nước không thông báo trước cho người dân trong khi đó chính quyền xã đã cam kết với những hộ nuôi trồng thủy hải sản sẽ không xả nước đột ngột khi trong vụ nuôi trồng, ông Hùng cho biết: “Vì hệ thống loa bị đứt đoạn từ năm 2001 nên không thông báo rộng rãi đến được với bà con. Xã sẽ rút kinh nghiệm trong việc điều tiết xử lý nguồn nước hợp lý để không ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy hải sản của bà con”.
Đề xuất hỗ trợ người nuôi cá ở Đà Nẵng
Ngày 2.10, ông Hồ Tăng Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc cho hay đã báo cáo đề xuất UBND H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng xem xét hỗ trợ người dân thiệt hại hàng tấn cá nuôi sau bão số 3. 
Trước đó như Thanh Niên đã thông tin, bão gây mưa lớn và lũ khiến đoạn sông qua thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc đục ngầu vì mang theo bùn đất các công trình xây dựng trên thượng nguồn đổ về. Hậu quả, lòng sông bị yếm khí nên cá chết hàng loạt.
Ông Hồ Phú Sâm (63 tuổi) cho hay, ông bắt đầu nuôi cá diêu hồng trong lồng bè tại thôn Phò Nam vào năm ngoái, sau đợt mưa lũ 2014 có xuất hiện tình trạng cá chết nhưng với số lượng ít. Tuy nhiên vừa qua, 25 lồng cá 6 tháng tuổi chuẩn bị xuất bán của ông đồng loạt chết trắng, thiệt hại 800 triệu đồng. 8 người trong gia đình ông Sâm thay nhau vớt cá, thuê máy xúc đào hố chôn lấp hàng tấn cá trên bờ.
Ông Hồ Tăng Phúc, cho hay, trước mùa mưa bão, địa phương đã khuyến cáo các hộ nuôi cá di dời lồng bè vì mưa giông kết hợp lũ dễ làm chết cá, tuy nhiên năm nay cá chết với mật độ lớn cho thấy môi trường sống của dòng sông đã thay đổi. Chắc chắn sắp đến việc tái thả cá nuôi của người dân rất khó khăn, do đó địa phương đã đề xuất huyện hỗ trợ chuyển đổi mô hình nuôi cho người dân.
Tin, ảnh: Nguyễn Tú
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.