Cá tầm suối Đà Lạt

04/12/2015 07:00 GMT+7

Cá tầm được nuôi ở những dòng suối nước lạnh, cách xa địa bàn dân cư, ở những khu rừng nguyên sinh thuộc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (biểu tượng của Đà Lạt).

Cá tầm được nuôi ở những dòng suối nước lạnh, cách xa địa bàn dân cư, ở những khu rừng nguyên sinh thuộc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (biểu tượng của Đà Lạt).

Cá tầm Đà Lạt nuôi ở trang trại Ngọc Mai Trang - Ảnh: Lâm ViênCá tầm Đà Lạt nuôi ở trang trại Ngọc Mai Trang - Ảnh: Lâm Viên
Nước sạch - yếu tố quan trọng nhất
Trang trại nuôi cá tầm của Công ty Ngọc Mai Trang chỉ cách Trung tâm điều hành du lịch Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà khoảng 500 m. Đây là trang trại nuôi cá tầm lớn hiện nay ở Đà Lạt với 5 trại nuôi, mỗi trại có khoảng 30 hồ, được thiết kế theo dạng “bậc thang”, mục đích để nước chảy tự nhiên từ trên suối cao xuống liên tục 24/24, tăng cường nguồn ô xy cho cá thở và phát triển. Ông Nguyễn Đình An, chủ trang trại Ngọc Mai Trang, cho biết nguồn nước sạch là yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định thành công hay không trong nghề nuôi cá nước lạnh nói chung, cá tầm nói riêng. Các trại nuôi của Ngọc Mai Trang, Trường Toàn… đều tọa lạc bên dưới những khe suối nước trong lành. Thế nhưng, trước khi cho nước chảy vào hồ nuôi cá đều phải qua hệ thống lọc, lắng tạp chất…
Cá tầm suối Đà Lạt 2Nguồn nước sạch chảy liên tục vào hồ nuôi tăng cường ô xy cho cá
Nuôi cá như nuôi con mọn
Năm 2008, ông An bắt đầu bước vào nghề nuôi cá tầm, những năm đầu do thiếu kinh nghiệm nên thu không đủ chi. Sau nhiều lần qua Nga và một số nước châu Âu tham quan và học hỏi kinh nghiệm, đồng thời thuê kỹ sư Nga qua hướng dẫn kỹ thuật, ông An đã làm chủ được quy trình và kỹ thuật nuôi cá tầm. Ông An cho biết nuôi cá tầm như nuôi con mọn. Trứng cá tầm nhập khẩu từ Đức và Nga phải đưa về trang trại càng sớm càng tốt (khoảng 1 tuần sau khi thụ tinh). Trứng được ủ trong lồng, giữ nhiệt độ ổn định 15 - 16 độ C; đồng thời tạo nguồn nước đẩy vào lồng ấp, phun từ dưới lên gây áp lực liên tục thì cá mới nở. Cá “sơ sinh” được nuôi trong những hồ đặc biệt có mái che, ánh sáng rất ít; cứ 1 giờ cho ăn 1 lần (thức ăn nhập khẩu giá hơn 1 triệu đồng/kg); cá 10 ngày tuổi 2 giờ cho ăn 1 lần; 20 ngày tuổi 3 giờ cho ăn 1 lần… trên 90 ngày tuổi khi cá đạt trọng lượng từ 50 - 60 gr mới chia ra các hồ nuôi lớn. “Đây là giai đoạn gian nan nhất, dù đêm giá lạnh giữa rừng sâu vẫn phải chia ca túc trực bên hồ cho cá ăn 24/24”, ông An nói.
Cá nuôi trong hồ lớn cứ 6 giờ cho ăn 1 lần, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, nếu không tuân thủ đúng quy trình cá sẽ chậm phát triển. Sau 16 đến 18 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 1,8 - 2 kg/con có thể thu hoạch, đưa ra thị trường.
Ông Nguyễn Văn Toản, chủ trại cá tầm Trường Toàn (dưới chân núi Lang Biang, Đà Lạt), cũng là đầu mối tiêu thụ cá tầm cho trang trại cá tầm ở Đà Lạt, cho biết: “Cá tầm suối Đà Lạt thời gian nuôi dài hơn một số địa phương khác, nhưng chất lượng cá hơn hẳn về độ dai, độ ngọt, thịt chắc hơn”. Ông Toản cho biết thêm, nhiệt độ nước để nuôi cá tầm lý tưởng nhất từ 16 - 22 độ C, nhưng do các trại cá nằm trong rừng nguyên sinh nên nước các khe suối từ Vườn Bidoup - Núi Bà chảy ra chỉ ở mức 17 - 20 độ C, nên thời gian nuôi dài hơn.
Ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng, cho biết hiện nay toàn tỉnh có khoảng 30 đơn vị đăng ký nuôi cá nước lạnh, nhưng chỉ có 13 doanh nghiệp (DN) sản xuất mang tính chuyên nghiệp. Tuy số DN nuôi cá nước lạnh giảm, nhưng DN nào chú tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, con giống tốt thì vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Hào cho biết thêm: “Các DN Ngọc Mai Trang, Trường Toàn, Khánh Vân… đang chiếm khoảng 90% sản lượng cá tầm của Đà Lạt, với quy mô hiện nay mỗi năm có thể cung cấp cho thị trường trên 650 tấn cá tầm thương phẩm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.