Các bệnh viện đã làm gì để tránh trao nhầm bé sơ sinh?

Liên Châu
Liên Châu
14/07/2018 18:00 GMT+7

Bà Nhị Hà Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết đã yêu cầu Bệnh viện đa khoa Ba Vì khẩn trương hỗ trợ hai gia đình bị trao nhầm con

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên chiều nay, Bà Trần Thị Nhị Hà Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay trước mắt đã yêu cầu bệnh viện chịu toàn bộ chi phí đi lại, làm xét nghiệm ADN và một số chi phí khác liên quan đến việc giám định AND (chi phí 47.551.000 đồng), tiếp tục phối hợp cùng với hai gia đình anh Sơn và chị Hương hoà giải để thống nhất phương án giải quyết, với mục tiêu đưa các cháu đoàn tụ với bố mẹ đẻ.
Bệnh viện đa khoa Ba Vì đã có công văn gửi Toà án nhân dân huyện Ba Vì xem xét giải quyết vụ việc theo pháp luật, phối hợp với phòng tư pháp huyện trong việc hoàn thiện các quy trình thủ tục tư pháp cho 2 gia đình sau khi có kết luật của toà án. Về động thái trên của bệnh viện, Bà Nhị Hà cho rằng, trong quá trình hoà giải với hai bên gia đình có nhiều điểm chưa thống nhất, tuy nhiên "tôi đã đề nghị bệnh viện cần nghiêm túc xem xét có sự hỗ trợ tổn thất cho các gia đình", bà Hà nói.  
Quy trình lỏng lẻo sẽ gây nhầm lẫn
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến sự việc nhầm lẫn khi giao trẻ sơ sinh cho các gia đình được phát hiện như tại BV Ba Vì là hy hữu. Các quy định chung để tránh nhầm lẫn trong phẫu thuật hay trong sản khoa, sơ sinh đều đã có nhưng vấn đề thực hiện lại phụ thuộc vào việc người đứng đầu tổ chức thực hiện tại mỗi bệnh viện và nhân viên y tế có tuân thủ nghiêm túc hay không.
Thực hiện các quy định chặt chẽ trong bàn giao trẻ sơ sinh sẽ tránh nhầm lẫn Ảnh Ngọc Thắng

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em cho biết thêm, Bộ Y tế đã có các hướng dẫn, quy định khuyến cáo chung về việc chăm sóc bà mẹ và sơ sinh trong trường hợp đẻ thường cũng như mổ đẻ, hoặc trường hợp sức khỏe của mẹ và bé không đảm bảo phải nằm cách ly điều trị riêng. Trên cơ sở đó mỗi bệnh viện xây dựng các quy trình cụ thể, chi tiết phù hợp với điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất của mỗi đơn vị. Nhưng nếu việc này không được quan tâm, thực hiện lỏng lẻo chủ quan thì sẽ dẫn đến nhầm lẫn đáng tiếc.
Theo ông Khoa, tại các bệnh viện tổ chức chặt chẽ như khoa Sản Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản T.Ư…ngay khi em bé chào đời, hộ sinh lập tức thông báo cho cho người mẹ về giới tính, rồi đặt em bé còn chưa cắt dây rốn nằm úp trên bụng mẹ theo đúng quy trình cái ôm đầu tiên, da kề da, bé sẽ được trong vòng tay mẹ ngay từ những phút đầu tiên chào đời; mẹ và bé đều được đeo vòng đánh dấu ghi thống nhất thông tin mẹ con, giới tính con… do đó nếu làm nghiêm túc thì không thể xảy ra nhầm lẫn.
Tại Khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai cặp vòng tay mẹ - con được đeo cho mẹ và bé ngay sau khi em bé chào đời. Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Sản của Bệnh viện Bạch Mai cho biết chiếc vòng của mẹ - con cùng được ghi tên mẹ, mã bệnh án của mẹ (mã này được cấp khi mẹ nhập viện), ghi tên của bé. Chiếc vòng "nhận diện" được làm bằng chất liệu an toàn, không gây kích ứng cho da em bé còn non nớt, và cũng đảm bảo để không trôi, tuột. “Khi các điều dưỡng đón bé đi tắm cũng phải thực hiện đối chiếu mẹ - con, tránh nhầm lẫn. Với các trường hợp em bé có bệnh lý, phải xa mẹ do cần được chăm sóc riêng, vòng tay cũng chính là “cầu nối” mẹ và bé”, tiến sĩ Nha nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.