Các siêu dự án nguy cơ gây ô nhiễm: Không thể bất chấp môi trường!

22/10/2016 19:06 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 21.10 đăng bài Các siêu dự án nguy cơ gây ô nhiễm .

Cẩn trọng
Việc xây dựng các công trình lớn để phát triển kinh tế là điều cần làm, nhưng phải xác định môi trường mới là quan trọng nhất. Các siêu dự án đó nghe qua đã thấy sợ rồi, nên nhà nước cần phải cẩn trọng xem xét kỹ trước khi quyết định cho phép thực hiện để tránh phải hối tiếc. Thậm chí, kể cả sau khi cho phép thực hiện rồi cũng phải có cơ chế giám sát gắt gao. Theo tôi, những dự án này không nhất thiết phải làm cho bằng được bởi nó ẩn chứa quá nhiều rủi ro. Nhiều bài học đắt giá mà chúng ta đang phải trả bằng sự hủy hoại môi trường, hậu quả hiện giờ người dân vẫn đang phải gánh chịu.
Trần Việt Dũng (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Không đánh đổi
Kinh tế có thể hôm nay không làm thì ngày mai làm, không làm bằng cách này thì làm bằng cách khác, còn môi trường một khi đã bị hủy hoại rồi thì không có cách nào để phục hồi nguyên trạng được. Nếu hôm nay chúng ta tính sai, thì con cháu của chúng ta sẽ phải trả giá. Bộ trưởng Bộ Công thương đã nói rất đúng, không thể đánh đổi môi trường để lấy dự án. Vì thế, dự án nào có nguy cơ đe dọa đến môi trường thì dù nhỏ cũng kiên quyết không cho thực hiện.
Nguyễn Hữu Bình (Q.12, TP.HCM)
Phải kiên quyết
Tôi rất tâm đắc phát biểu của Bộ trưởng Công thương khi khẳng định sẽ kiên quyết đóng cửa những nhà máy, dự án nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Mong rằng khẳng định này sẽ được thực hiện một cách kiên quyết và triệt để. Nhưng tốt hơn hết vẫn là đừng để bất cứ nhà máy, dự án nào có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh được xây dựng. Phải ngăn chặn ngay từ đầu chứ đừng để gây nguy hại đến môi trường rồi mới xử lý. Bên cạnh đó, cũng đừng tin lời cam kết của những chủ dự án rằng sẽ không gây ảnh hưởng môi trường để rồi cho họ thực hiện, bởi từng có nhiều dự án cam kết rồi nhưng vẫn gây ô nhiễm, lúc đó xử lý thì đã muộn.
Nguyễn Văn Thọ (H.Hóc Môn, TP.HCM)
Xử lý hình sự
Vấn đề môi trường hiện nay đã đến mức cấp bách, đã đến lúc cần những biện pháp ngăn chặn kiên quyết, nhất định không cấp phép cho các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dự án nào đã thực hiện thì đình chỉ hoạt động, đóng cửa nhà máy chứ không thể xử phạt rồi cho tồn tại. Pháp luật đã quy định hành vi xả thải ra môi trường, phá hủy môi trường là tội phạm thì cũng nhất quyết xử lý hình sự đối với những cá nhân, tổ chức gây hậu quả nghiêm trọng. Hãy xem sự sống của người dân là trên hết. Kinh tế có thể làm ra nhiều tiền bạc, của cải, nhưng không thể mua được môi trường và cuộc sống dân sinh.
Nguyễn Thị Thu Hiếu (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Cấp bách
Những năm qua, con người đang phải trả giá rất lớn cho sự phá hủy môi trường của mình. Rừng không còn nhiều nữa, biến đổi khí hậu, nước ngập, hạn hán, nước biển ô nhiễm, nguồn sống bị nhiễm độc, con người đối diện với đủ loại bệnh tật, ung thư… cho dù có rất nhiều tiền bạc cũng không thể khắc phục được. Vì vậy, đã đến lúc cấp bách rồi, cần phải làm ngay chứ đừng để tình trạng môi trường ngày càng thêm trầm trọng. Trong các biện pháp khắc phục môi trường thì việc không cho phép các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường được tồn tại là quan trọng. Đó chính là cuộc sống của chúng ta, chúng ta phải biết tự bảo vệ.
Lê Văn Vũ (Q.Bình Tân, TP.HCM)
       
Ở những nước phát triển, họ có nhiều dự án lớn nhưng tại sao môi trường của họ vẫn được bảo vệ. Do đó, VN cũng nên tìm hiểu, học tập các nước phát triển họ làm như thế nào. Phát triển kinh tế là cần thiết nhưng không phải chỉ có một cách duy nhất là xây dựng nhiều siêu dự án, bất chấp gây thiệt hại cho môi trường. Đừng vì cái lợi trước mắt mà phải trả giá đắt về lâu dài.     
Nguyễn Ngân Hà (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng)
       
Càng nhiều siêu dự án thì người dân càng lo lắng về môi trường sống. Đất nước không có các siêu dự án thì vẫn phát triển được bằng cách này hay cách khác, còn nếu môi trường bị hủy hoại thì người dân không thể nào sống được. Vì vậy, rất mong Chính phủ sáng suốt cân nhắc kỹ đừng để thiệt hại xảy ra rồi thì không thể cứu vãn được.  
 Nguyễn Văn Cường (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
T.T - Sơn Hải (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.