Cân nhắc việc cho người nước ngoài thuê mặt nước biển

21/06/2017 08:02 GMT+7

Theo dự thảo luật, thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản không quá 20 năm.

Ngày 20.6, thảo luận luật Thủy sản (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lo ngại về tình hình khai thác thủy sản tận diệt, mất an ninh trên biển, đồng thời cân nhắc việc giao và cho thuê mặt nước biển đối với người nước ngoài.
Trước đó, khi thẩm tra dự thảo luật này, Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của QH cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc việc giao UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển.

tin liên quan

Quy định mới về bồi thường tái định cư tại Hà Nội
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành quy định các nội dung về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn, có hiệu lực từ ngày 8.4 tới, thay thế các quyết định trước đó về lĩnh vực này.
Đồng thời đề nghị quy định thẩm quyền giao, cho thuê đối với những trường hợp này cho Chính phủ, Bộ và quy định chi tiết trách nhiệm của từng cơ quan trước khi giao, cho thuê mặt nước. Theo dự thảo luật, thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản không quá 20 năm.
Tuy nhiên theo các ĐB, cần cân nhắc kỹ vấn đề này. ĐB Vương Văn Sáng (Lào Cai) đề nghị: “Không quy định cá nhân, tổ chức VN chuyển nhượng, cho thuê lại với tổ chức, cá nhân nước ngoài để tránh tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng”.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cũng đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương các cấp đối với các tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, cũng như các hoạt động thủy sản diễn ra tại địa phương.
“Đề nghị cần nghiên cứu trong luật để hạn chế giao mặt nước biển cho tổ chức, cá nhân là người VN nhưng trong quá trình sản xuất lại do các tổ chức, cá nhân nước ngoài đứng sau để chỉ đạo, điều hành, thao túng”, ĐB Hồng Hà nói.
Cho ý kiến về các nội dung khác, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nhất trí với phương án cần có kiểm ngư cấp tỉnh ở một số tỉnh ven biển và một số tỉnh biên giới có sông lớn chảy qua nhiều quốc gia. Theo ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu), bên cạnh lực lượng kiểm ngư T.Ư, tùy vào tính chất đặc thù của từng địa phương mà cần thiết thành lập kiểm ngư cấp tỉnh trên cơ sở cấu trúc lại lực lượng thanh tra chuyên ngành tại địa phương.
Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nước ta có 110.000 tàu thuyền trên biển với công suất 16 triệu mã lực, đủ để khai thác 3,5 triệu tấn thủy sản/năm với giá trị 3,5 tỉ USD.
Nếu chúng ta làm tốt, chuỗi giá trị còn tăng lên mặc dù sản lượng vẫn chừng đó. Chính lực lượng kiểm ngư sẽ làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát các hoạt động này. Do đó, bên cạnh lực lượng kiểm ngư T.Ư tại 5 vùng, 5 khu vực ngư trường lớn như hiện nay; 28 tỉnh, thành ven biển phải từng bước thành lập lực lượng kiểm ngư, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng không kiểm soát được.
Quy định về trách nhiệm tố giác thân chủ của luật sư
Ngày 20.6, QH đã thông qua 5 bộ luật. Về luật Hình sự sửa đổi, lần đầu tiên đã bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, bổ sung một số tội danh về vi phạm an toàn thực phẩm; có hiệu lực từ 1.1.2018.
Luật cũng quy định người bào chữa phải tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa. Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, luật giữ như dự thảo luật do Chính phủ trình.
Theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.
Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) có hiệu lực từ 1.7.2018 với 2 nội dung đáng chú ý: nhà nước sẽ chủ động phục hồi danh dự cho người bị oan và cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường. Các luật khác được QH thông qua gồm: luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực từ 1.1.2018; luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ có hiệu lực từ 1.7.2018; và luật Cảnh vệ có hiệu lực từ 1.7.2018.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.