Cảnh sát biển: Bên anh, bên Tổ quốc - Kỳ 1: Anh vượt sóng, em vượt cạn

30/05/2014 14:10 GMT+7

(TNO) Đêm hay ngày, khi những cảnh sát biển Việt Nam vẫn đang dũng cảm tiến về giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) để đẩy đuổi mộng bá quyền, thì những người mẹ, người vợ, những đứa trẻ nơi hậu phương đang một mình đương đầu với cuộc sống cũng không kém 'bão giông'.

(TNO) Đêm hay ngày, khi những cảnh sát biển Việt Nam vẫn đang dũng cảm tiến về giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) để đẩy đuổi mộng bá quyền, thì những người mẹ, người vợ, những đứa trẻ nơi hậu phương đang một mình đương đầu với cuộc sống cũng không kém "bão giông".

>> Những hình ảnh nóng bỏng từ 'điểm nóng' Hoàng Sa

 Cảnh sát biển: Bên anh, bên Tổ Quốc – Kỳ 1: Anh vượt sóng, em vượt cạn 1
Chị Bùi Thị Thu Hiền bên album ảnh cưới của hai vợ chồng - Ảnh: Nguyễn Tú

"Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà vượt cạn mồ côi một mình", câu thơ dân gian càng thấm thía hơn đối với những người vợ cảnh sát biển (CSB) đang làm nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển Hoàng Sa.

Sau nhiều lần liên lạc, chúng tôi đã gặp được chị Bùi Thị Thu Hiền, 25 tuổi, vợ thượng úy Tạ Viết Cường (31 tuổi, Trưởng ngành cơ điện tàu CSB 2012) tại Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.Đà Nẵng, nơi chị mỗi ngày vẫn tất bật với công việc y tá khoa Phục hồi chức năng.

 

Ấy vậy mà có lần điện thoại chị Hiền hết pin, Bắp ở nhà nhờ người thân gọi điện nghe “ò í e” nên khóc ré, chị Hiền về dỗ mãi mới chịu nín. Hỏi đầu đuôi thì mới biết, Bắp nói Bắp sợ mẹ cũng đi biển như ba khiến chị ứa cả nước mắt.

Sợ mẹ đi biển như… ba

Tranh thủ giờ nghỉ trưa trò chuyện cùng chúng tôi, dáng vẻ chị trông càng mệt nhọc giữa cái nắng gắt miền Trung do đang mang trong mình giọt máu của anh Cường được hơn 3 tháng.

Chị kể hồi mang thai cu Bắp (tên thật là Tạ Bùi Gia Phúc, 3 tuổi) chị cũng tự mình xoay sở như vậy vì sau đám cưới năm 2010 anh Cường phải lên đường ra biển làm nhiệm vụ dài ngày.

Cho đến ngày sinh, chị vượt cạn một mình, mấy ngày sau mới gọi điện thoại vệ tinh trên tàu để báo tin vui mẹ tròn con vuông cho chồng, vì chị không muốn anh Cường lo lắng.

Với cu Bắp, có lẽ tuổi thơ của bé sẽ còn gắn liền với khoảng sân, hành lang Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng, đặc biệt là mỗi tuần hai đêm vì “hôm nay mẹ trực đêm”. Thương con, chị Hiền không thể để Bắp ở nhà trọ một mình, không ai chăm sóc.

“Mỗi lần con hỏi ba, tôi bấm máy để Bắp nói chuyện, mỗi lần điện thoại báo không liên lạc được, tôi giải thích là ba đi biển chưa về được, giải thích nhiều lần khiến Bắp mặc định suy nghĩ hễ gọi điện nghe tiếng “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được” là con nghĩ ba đang đi biển”, chị Hiền kể.

Ấy vậy mà có lần điện thoại chị Hiền hết pin, Bắp ở nhà nhờ người thân gọi điện nghe “ò í e” nên khóc ré, chị Hiền về dỗ mãi mới chịu nín. Hỏi đầu đuôi thì mới biết, Bắp nói Bắp sợ mẹ cũng đi biển như ba khiến chị ứa cả nước mắt.

“Dạo này nhờ báo chí thông tin thường xuyên tôi cũng nắm được tình hình tàu CSB 2012 nơi anh Cường công tác, chứ hồi trước, nhiều đêm tôi nằm mơ mà cứ sợ, nhưng tự dặn lòng phải mạnh mẽ vì anh”, chị Hiền tâm sự. 

 Cảnh sát biển: Bên anh, bên Tổ Quốc – Kỳ 1: Anh vượt sóng, em vượt cạn 2 Ảnh cưới anh Dương, chị Lực năm 2008 - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tên cu Bắp là Gia Phúc cũng chính như ước nguyện của hai vợ chồng về một mái ấm bình yên, bởi lẽ tuổi thơ anh chị cũng không được đủ đầy như mọi người bình thường khác.

Cả hai cùng hoàn cảnh mồ côi mẹ từ bé còn cha thì đi thêm bước nữa, anh Cường, chị Hiền phải tự lập rất sớm.

Năm 2008, chị Hiền vào TP.Đà Nẵng xin việc thì gặp anh Cường nhờ anh họ của chị là anh Bùi Xuân Ngọc công tác tại bộ phận hậu cần Vùng CSB 2, đồng đội của anh Cường, mai mối.

Chị Hiền kể những lúc khó khăn, chị đều nhớ đến lời chồng dặn ngay từ ngày mới yêu nhau, đó là muốn có gia đình sung túc thì trước hết anh phải làm nhiệm vụ Tổ quốc giao phó để đất nước được bình yên.

Chính vì vậy, nhờ sức mạnh này mà chị Hiền luôn vượt qua được những xa cách từ hồi yêu nhau khi đơn vị Vùng CSB 2 đóng tận Quảng Nam, cho đến khi vượt cạn cũng như vừa chăm con, vừa mang thai đứa thứ 2 cũng tự lo một mình.

Khi chúng tôi hỏi hiện chị và cháu đang khó khăn nhất điều gì để chuyển tải nguyện vọng đến bạn đọc giúp đỡ, thì chị Hiền từ chối, chị cho rằng còn nhiều người cha, người mẹ, người vợ của các cán bộ, chiến sĩ CSB đang lâm bệnh hiểm nghèo, khó khăn cần giúp đỡ hơn, còn mẹ con chị vẫn tự lo được. 

 Cảnh sát biển: Bên anh, bên Tổ Quốc – Kỳ 1: Anh vượt sóng, em vượt cạn 3
Gia đình của anh Dương, chị Lực - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mẹ con chăm nhau

Chiều 19.5, tàu CSB 2016 về đến Đà Nẵng, thuyền trưởng trung úy Quản Đình Dương (31 tuổi, quê quán Hải Phòng) sau khi thu xếp công việc trên tàu liền chạy về căn nhà thuê trên đường Nguyễn Gia Trí (P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) thăm con và người vợ bụng mang dạ chửa sắp sinh. 

 

“Nửa tháng tới mình sinh đứa thứ 2 cũng đã xác định sẽ vượt cạn một mình, mình quen rồi cũng giống như hồi sinh bé Quản Trà My thôi vì hồi đó anh Dương cũng đang làm nhiệm vụ trên biển, 15 ngày sau mới về đất liền thấy mặt con”, chị Hồ Thị Lực nói.

Vợ anh là chị Hồ Thị Lực (29 tuổi, quê quán xã Diễn Vạn, H.Diễn Châu, Nghệ An). Cũng giống như gia đình anh Tạ Viết Cường và chị Bùi Thị Thu Hiền, anh Dương và chị Lực đến với nhau cũng nhờ người thân mai mối.

Năm 2008 khi vừa học xong ngành mẫu giáo mầm non ĐH Sư phạm Đà Nẵng, Lực được người anh họ là đồng đội của anh Cường giới thiệu đôi lứa gặp nhau và hôn lễ cũng diễn ra trong năm.

Đến nay bé Quản Trà My con của anh chị đã được 4 tuổi nhưng rất ít khi gặp cha do anh Dương thường xuyên lênh đênh trên biển cả.

“Có những đợt anh Dương đi 3 - 4 tháng, 2 mẹ con ở nhà xoay sở kinh tế cũng khó khăn, nhưng cũng may có bạn bè nhiệt tình giúp đỡ nên cũng động viên mẹ con mình vượt qua được, đặc biệt là ban giám hiệu cũng như đồng nghiệp ở Trường mầm non Họa Mi, nơi mình công tác hiểu được hoàn cảnh gia đình nên tạo điều kiện rất nhiều”, chị Lực tâm sự.

Lần này tàu CSB 2016 về Đà Nẵng, anh Dương chỉ được nghỉ một đêm với gia đình, rồi lên đường trở lại Hoàng Sa.

Chị Lực kể, anh Dương động viên mẹ con chị cố gắng vì chuyến công tác lần này còn dài ngày hơn. Chị Lực đang lo bởi sắp sinh mà bà nội thì đang đau ốm, bà ngoại cũng mắc chăm cháu nhỏ ở quê nên khó có thể vào chăm sóc chị.

“Nửa tháng tới mình sinh đứa thứ 2 cũng đã xác định sẽ vượt cạn một mình, mình quen rồi cũng giống như hồi sinh bé Quản Trà My thôi vì hồi đó anh Dương cũng đang làm nhiệm vụ trên biển, 15 ngày sau mới về đất liền thấy mặt con”, chị Lực nói.

Nhiều lúc cả 2 mẹ con cùng đau ốm nằm viện, chị Lực cũng tủi thân vì chỉ có mẹ con nương tựa, chăm sóc nhau, nhưng chị vội nuốt nước mắt, vượt qua mọi chuyện bởi chị dặn lòng, chị có mạnh mẽ thì chồng mới yên tâm hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao.

“Khó khăn nhất là hồi cháu My mới hơn 1 tuổi bị sốt phát ban, mình cũng đau ốm đến rạc cả người, nhưng mình nghĩ so với vất vả chồng đang trải qua ngoài biển thì gian khổ của mình trong bờ có sá gì, vậy là mình nguôi ngoai”, người mẹ trẻ chia sẻ.

Nguyễn Tú

Kỳ 2: Ngưu lang, chức nữ

>> Phát động thi đua theo gương Cảnh sát biển
>> Trao huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho 2 thuyền trưởng Cảnh sát biển
>> Trên 500 triệu đồng hỗ trợ cảnh sát biển, kiểm ngư
>> Cảnh sát biển giải cứu tàu kiểm ngư bị Trung Quốc tấn công
>> Tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho hai cảnh sát biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.