Cao tốc, quốc lộ rào xong dân lại phá: Phải dứt khoát xử lý nghiêm minh

13/07/2016 10:32 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc xoay quanh vấn đề mà Thanh Niên ngày 12.7 phản ảnh qua các bài viết Cao tốc, quốc lộ: Rào xong dân lại phá và Tai họa “nhà bám đường” .

Phải có luật để xử lý
Hệ thống giao thông ở nước ta ngày càng hoàn thiện, đường cao tốc ngày càng nhiều, vì vậy thiết nghĩ phải nghiên cứu ban hành luật (hoặc nghị định) về cao tốc và quốc lộ. Luật (hoặc nghị định) này sẽ tách riêng với luật An toàn giao thông, đó là điều chỉnh (hoặc xử phạt, xử lý hình sự) hành vi của những người cố tình gây mất an toàn trên cao tốc và quốc lộ, kể cả việc xây dựng nhà cửa, hành vi tham gia giao thông trên đường cao tốc, quốc lộ.
Trong đó, sẽ có biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với người phá hoại đường sá, phá dỡ hàng rào hoặc cố tình lấn chiếm hành lang an toàn... Đồng thời, quy định và ràng buộc trách nhiệm của cơ quan quản lý đường cao tốc, chính quyền địa phương có đường cao tốc hoặc quốc lộ đi qua.
Nguyễn Văn Sĩ
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Muốn hiện đại thì phải văn minh
Biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông, thảm cảnh chỉ vì phá hàng rào trên đường cao tốc hoặc băng qua dải phân cách. Không thể chấp nhận được việc đánh đổi sinh mạng chỉ vì cần một chút nhanh hơn, hoặc vì một chút quyền lợi riêng của mình khi cứ vươn ra sống cặp theo đường cao tốc, quốc lộ. Tư duy này cần phải thay đổi, vì muốn hiện đại thì phải học cách sống văn minh.
Nguyễn Hà
(Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Chả lẽ lại bó tay?
Với các trường hợp phá dỡ hàng rào trên cao tốc, phải xử lý hình sự để làm gương. Chúng ta đều thấy, sau khi xử hình sự một số vụ ném đá xe khách, rải đinh trên đường… thì nay không còn tái diễn cảnh này, hoặc diễn ra rất ít. Không thể để tình trạng chỉ trong một tháng mà có đến 87 vị trí hàng rào trên đường cao tốc bị phá. Cả một hệ thống quản lý nhà nước và cơ quan pháp luật chả lẽ lại bó tay trước tình trạng này?
Ngọc Thiên
(TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Coi sinh mạng rẻ quá!
Xây nhà bám đường quốc lộ, ngang nhiên băng qua dải phân cách… là những hành vi cho thấy nhiều người coi sinh mạng mình rẻ quá. Đường cao tốc và quốc lộ là nơi xe lưu thông với tốc độ cao, biết bao nhiêu tình huống có thể khiến xe chạy lạc vào vệ đường, tại sao lại liều mạng như thế? Để đảm bảo an toàn, phải có quy định nhà dân cách xa đường quốc lộ bao nhiêu mét, để có hành lang an toàn cho xe cộ lưu thông. Đồng thời, cần có biện pháp di dời nhà cửa trên những đoạn đường mà nhà dân quá sát với quốc lộ.
Trần Thọ
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Bùi Vũ Minh Trị
Người dân bất chấp nguy hiểm, bất chấp quy định của pháp luật để phá rào leo lên cao tốc nghĩa là ý thức pháp luật kém cộng với sự “lờn” luật. Vì vậy, phải có chế tài mạnh. Phương tiện giao thông nào vi phạm quy định trên đường cao tốc như đón khách dọc đường, đi xe máy trên cao tốc thì tịch thu phương tiện. Người dân phá rào trên cao tốc bị xử phạt khung cao nhất tội hủy hoại tài sản công... Như vậy thì chẳng ai còn dám vi phạm.
Bùi Vũ Minh Trị 
(H.Dĩ An, Bình Dương)
Nguyễn Thanh Phước
Thực tế, cao tốc đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng nhưng đường dân sinh lại chưa hoàn thành xong, đó là lý do người dân sinh sống dọc cao tốc buộc phải vi phạm luật, phá rào để lên cao tốc. Một khi đã có đường dân sinh, người dân không bị buộc phải sử dụng cao tốc để đi lại mà vẫn vi phạm thì phạt nặng là đương nhiên, và dân mới tâm phục khẩu phục.
Nguyễn Thanh Phước
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang 
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.