CGV bị tố chèn ép phim Việt: Cạnh tranh phải lành mạnh

20/08/2016 11:03 GMT+7

Nhiều bạn đọc gửi ý kiến xoay quanh câu chuyện CGV bị tố chèn ép phim Việt mà Thanh Niên ngày 19.8 đã thông tin.

Nên điều chỉnh lại
Điều hạnh phúc của một người quảng bá văn hóa là đem đến cho khán giả những sản phẩm văn hóa, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Mặt khác, ở khía cạnh kinh tế, nếu chiếu theo tỷ lệ mà CGV yêu cầu đối với đơn vị phát hành, cũng cho thấy cao hơn so với các cụm rạp khác. Do vậy, nên chăng CGV điều chỉnh lại cho hợp lý hơn. Không phải ngẫu nhiên mà 8 nhà sản xuất và phát hành đồng loạt phản ứng như thế.
Nguyễn Dũng
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Phải có “trọng tài”
Một khi đã có yếu tố chèn ép, lệch lạc so với nguyên lý cạnh tranh thông thường, thì theo tôi, Cục Quản lý cạnh tranh phải có tiếng nói, và đơn vị này phải là trọng tài phân xử. Tôi thấy sự bất thường, bởi việc đưa ra tỷ lệ ăn chia cao hơn của hệ thống rạp CGV sẽ làm cho công chúng khó tiếp cận hơn với phim Việt. Trong bối cảnh phim ngoại, mà đặc biệt là phim Hàn đang làm mưa làm gió trên thị trường điện ảnh, thì một hệ thống rạp của Hàn Quốc chèn ép phim Việt như vậy sẽ là nguy cơ triệt tiêu dòng phim Việt và nỗ lực của các nhà sản xuất, phát hành phim trong nước.
Văn Giảng
(Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Cần ưu tiên phát hành phim Việt
Sản xuất và kinh doanh sản phẩm gì cũng phải ưu tiên cho trong nước, huống chi là phim ảnh. Dòng phim nội đang rất cần sự hỗ trợ của các nhà phát hành và các ông chủ rạp lớn. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, nỗ lực của các nhà làm phim Việt, các hãng phim tư nhân là rất đáng quý. Có thể trình độ và kỹ xảo làm phim của ta không bằng các nước, nhưng đó là sản phẩm do chúng ta làm ra, và phù hợp với các vấn đề về tiêu chí, thuần phong mỹ tục của VN. Do vậy, theo tôi phải có sự phân xử, sao cho hài hòa lợi ích của các bên.
Nguyễn Thị Loan
(Q.1, TP.HCM)
Luật gia Nguyễn Thanh Lương
Trách nhiệm của Cục Quản lý cạnh tranh là điều tra, xử lý khiếu nại của các doanh nghiệp có đơn gửi đến. Nếu hồ sơ của doanh nghiệp gửi đến chưa đúng thì hướng dẫn làm cho đúng. Nếu đúng thì thụ lý. Sau khi thụ lý, nếu CGV không có dấu hiệu vi phạm thì doanh nghiệp khiếu nại bị trả phí xử lý vụ việc cạnh tranh. Nếu CGV có dấu hiệu vi phạm thì xử lý CGV theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Đây không chỉ là trách nhiệm đối với các doanh nghiệp khiếu nại mà còn đối với xã hội.
Luật gia Nguyễn Thanh Lương 
(Hội Luật gia TP.HCM)
Đạo diễn Lê Văn Thảo
Trong bối cảnh thị trường trong nước đang tiêu thụ phim nhập nhiều hơn phim tự sản xuất và các nhà làm phim trong nước đang có xu hướng sản xuất cầm chừng bởi nhập phim thường lợi nhuận cao hơn tổ chức đầu tư thì nhiều đạo diễn trong nước đang trong tình trạng “ở không”, chờ dự án. Khó khăn chứ không đơn giản. Hiếm hoi lắm mới có phim thắng ở rạp trong “rừng” phim nhập. Thiết nghĩ cần có sự hỗ trợ đồng hành giữa các nhà sản xuất và phát hành. Điều này rất quan trọng đối với các nhà sản xuất phim trong nước. Sau những cơn lốc phim Đài Loan, phim Trung Quốc từ cuối thế kỷ trước du nhập vào VN, rồi phim Hàn, nay là phim Ấn Độ... thị trường điện ảnh nước nhà khó sống và văn hóa VN hầu như bị “chìm” trong mớ văn hóa Hàn, Nhật, Ấn, Trung... lẫn lộn.
Đạo diễn Lê Văn Thảo
Đỗ Hương
CGV là cụm rạp lớn, có thể nói đang thống lĩnh hệ thống rạp tại VN. Bên cạnh đó, đây còn là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Vì thế, tôi cho rằng cách hành xử của CGV làm sao vừa bảo đảm cho doanh nghiệp có lãi, vừa phát triển được nền điện ảnh trong nước, thỏa mãn nhu cầu của khán giả trung thành với phim Việt đồng thời có lợi cho CGV. Nếu CGV chỉ chuộng chiếu phim Hàn, phân biệt đối xử với phim Việt trên chính đất nước VN thì liệu khán giả VN quay lưng với cụm rạp CGV thì CGV sẽ ra sao?
Đỗ Hương
(H.Hậu Lộc, Thanh Hóa)
An Phong - Duy Khang 
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.