Chan Chu một thập niên thảm họa: Những mái nhà không đàn ông

Khoảng thời gian 10 năm cho phép nhìn lại thảm họa Chanchu qua nhiều góc cạnh khác nhau, từ xáo trộn nho nhỏ trong đời sống riêng của mỗi gia đình cho đến những hệ lụy mà chẳng một ai muốn hứng chịu...

Ở xã vùng cát Bình Minh (H.Thăng Bình, Quảng Nam), có cảm giác gia đình nào cũng “dính líu” ít nhiều đến thảm họa Chanchu.
Ông chủ quán cơm Minh Cả ở mé đông tuyến đường thanh niên ven biển (thôn Hà Bình) hóa ra là em rể của ngư dân Võ Văn Quang, người tử nạn cùng với 2 con trai. Nhiều năm nay, người ta vẫn chưa thôi bàn tán về trí nhớ đặc biệt của người em rể này. Anh “phân tích” rõ những dấu vết riêng trên thi thể anh Quang, về ngón tay cái ngắn và to, móng tay chỉ “mọc” một nửa như tay rùa, chiếc răng khểnh bị gãy sứt… và trả đúng tên cho người nằm dưới mộ, lúc đó vốn đang bị nhận nhầm xác (như đã đề cập ở kỳ trước). Nhưng tất cả đã là quá khứ. Phía trước đang là nỗi lo lớn hơn nhiều.
Bà Võ Thị Hiến, vợ chủ quán cơm Minh Cả, em ruột của ngư dân Quang, ngồi “vẽ” cho PV Thanh Niên về nhánh gia phả toàn con gái.
“Kể từ đời ông nội, hiện giờ chỉ còn 3 bà cô. Đến đời thứ 2, cha tôi sinh được 3 chị em gái, mỗi anh Quang là con trai. Đến đời anh Quang, lại sinh được 2 trai 3 gái. Nhưng cả 3 cha con họ chết cả ngoài biển rồi. Nghĩ mà tội, tính ra gia đình lớn của tui 3 đời giờ chỉ còn 9 phụ nữ. Không người nối dõi!”.
Bà Hiến kể đã nhiều lần khuyên anh trai nên “tách” mấy đứa con mỗi khi đi biển. Ít nhất, lỡ tàu này trật (thu nhập ít) thì có tàu khác trúng, bù lại. Nhưng anh Quang gạt đi, bảo muốn mình kèm cặp thêm cho các con. Anh bảo chúng nó có sức khỏe và câu giỏi, nhưng lại thua sút mình về khả năng thức khuya để xẻ mực phơi…
Chan Chu một thập niên thảm họa: Những mái nhà không đàn ông
Ông Lê Huy Ngọ động viên một phụ nữ ở H.Thăng Bình có chồng mất tích ngoài biển hồi năm 2006 Ảnh: H.X.H
Mọi lo nghĩ cuối cùng đã tan theo bọt nước. Sau vụ Chanchu, người trong tộc thậm chí tìm cách cải táng để “dồn” mồ mả lại gần một chỗ cho đám đàn bà con gái tiện bề chăm sóc, hương khói. Mé bên trong, thôn Bình Tịnh có bà Võ Thị Chính mất cùng lúc chồng và 2 con trai.
Thôn Bình Tân, bà Nguyễn Thị Huệ chịu nỗi đau không kém. Vợ chồng bà Huệ sinh được 2 con trai, 4 con gái. Vậy mà ông trời nỡ cướp cùng lúc của gia đình họ 3 người đàn ông. Hôm chúng tôi ghé thăm nhà bà Huệ, nơi có tiệm tạp hóa cung cấp nhiều mặt hàng cho các chuyến câu mực hiện tại, thấy đứa con gái đầu đang ẵm cháu về thăm bà ngoại. Xung quanh, khách trong xóm đến chơi cũng toàn đàn bà con gái.
Chúng tôi nhớ mãi lần theo chân ông Lê Huy Ngọ, lúc đó là Trưởng ban Phòng chống lụt bão T.Ư, lội vào xóm cát nắng rát ở xã Bình Hải (H.Thăng Bình). Hồi đó, tin dữ truyền về rất nhanh khiến nhiều người thân của em Hà Minh Trí gục ngã. Họ cầu mong cả 3 người đàn ông họ Hà, trong đó có cha ruột của Trí, tai qua nạn khỏi. Nhìn những người phụ nữ gục đầu vào vai nhau ngồi kín gian giữa ngôi nhà thấp, không ai cầm lòng cho đặng. Ông Lê Huy Ngọ cầm tay cậu học trò tên Trí đang sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT căng thẳng, an ủi: “Biết đâu ngày mai ba cháu lại về...”. Nhưng cả người nói lẫn người nghe đều nghèn nghẹn, nước mắt ngân ngấn...
Vừa thoát nghèo đã… tái nghèo
Suốt một dải ven biển miền Trung, đã có những sự xáo trộn trong từng gia đình nhỏ như một thứ “mất mát vô hình” mà chỉ những người trong cuộc mới thấm thía hết. Nhẩm đếm, có hơn 10 phụ nữ góa bụa ở Bình Minh làm ăn xa. Một cán bộ xã kể, chỉ vài năm sau sự cố, một góa phụ 38 tuổi bỏ đi biệt xứ sau khi đã tiêu hết các khoản tiền cứu trợ…
Nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, đã đến lúc những góc khuất tế nhị kia nên để gió cuốn đi. Thậm chí có góa phụ trẻ được chính cha mẹ chồng chủ động đi mai mối để kiếm chỗ nương tựa về sau cho đứa con dâu bạc phận. Vết thương Chanchu đã dần lành miệng. Các câu chuyện kể cũng bớt u ám. Họ đã kịp “lấy lại sức” sau vài năm rơi tõm vào vòng xoáy nghèo khó vì mất nguồn lao động và chịu đựng cú sốc tâm lý dai dẳng. “Giờ thì họ thoát nghèo 90% rồi!”, Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh Trần Văn Tám thông báo ngắn gọn.
Ấy vậy mà đâu đó nơi những xóm biển, vẫn còn đó hoàn cảnh bi đát, như chuyện nhà bà Nguyễn Thị Điền (tổ 5, thôn Hà Bình, xã Bình Minh). Tai họa vẫn chưa chịu buông tha người đàn bà 55 tuổi này, kể từ khi chồng bỏ xác ngoài khơi phải một nách nuôi 4 con nhỏ. Vương Thị Thảo, đứa con gái thứ nhì học hết lớp 9 phải ngưng giữa chừng. Chính khoản thu nhập từ nghề may của cô gái 22 tuổi này đã đỡ đần rất nhiều cho mẹ.
Cuối năm 2014, bà Điền tự tin “rời” khỏi diện hộ nghèo. Đầu năm 2015, Thảo về quê ăn tết và lại dúi cho mẹ khoản tiền kha khá, hàng xóm nghe tin ai cũng mừng. Cũng lần đó, Thảo bị tai nạn giao thông ngay mùng 1 tết, nằm liệt giường 8 tháng rồi mới chập chững tập đi. Bao nhiêu khoản dành dụm trước đó đều đổ cả vào thuốc men, phía trước là những ngày bệnh tật dài dằng dặc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.