Chàng trai nghèo giúp học sinh thoát khỏi bệnh tật, ham chơi

Mai Liên
Mai Liên
11/05/2018 10:40 GMT+7

Vì đam mê võ thuật, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Quang về quê dạy võ từ hai bàn tay trắng cho những học sinh ốm yếu, nghèo khó. Nhiều học sinh thoát khỏi bệnh tật, ham chơi và học tập tốt nhờ sự giúp đỡ của anh.

Đi lên từ nghèo khó
Sinh ra trong gia đình khốn khó, đông anh chị em, nhưng điều đó không làm dập tắt ước mơ học võ của anh Trương Văn Quang (27 tuổi, ở thôn Lê Xá, xã Lê Thanh, H. Mỹ Đức, Hà Nội).
Anh Quang bắt đầu biết đến võ thuật thông qua quá trình theo dõi các chương trình truyền hình về võ thuật trên chiếc ti vi đen trắng - món đồ giá trị nhất của gia đình anh khi đó. Từ đó, anh quyết tâm vượt qua chặng đường đèn sách gian khổ thi đỗ vào trường Đại học Thể dục Thể thao Hà Nội, chuyên sâu võ thuật. Biết tin anh đỗ, bố mẹ anh vui mừng, chạy vạy và gom góp tiền cho anh ăn học trong khi cái nghèo vẫn đang đeo đám.
Anh Quang trong giờ luyện tập cho học sinh
Khi anh Quang đang học năm thứ 2 cũng là lúc bố anh mắc bệnh tai biến mạch máu não, dẫn đến không nói được cho tới ngày hôm nay. Lúc đó anh vừa đi học, vừa đi làm thêm và vừa chăm sóc bố trên bệnh viện, đây là khoảng thời gian chông gai và khó khăn nhất với anh.

Anh Quang cho biết, tiền chữa bệnh cho bố và tiền đóng học cho anh, gia đình đã phải vay lên đến vài trăm triệu đồng, với số nợ này tưởng đâu đã khiến anh phải bỏ dở con đường học của mình để đi làm kiếm kiền phụ giúp gia đình trả nợ. Nhưng trong lúc khó khăn như vậy, anh lại nghĩ về bố mẹ, về lý do mà anh theo đuổi ước mơ để tự nhủ với mình phải cố gắng học tập thật tốt, rèn luyện thật tốt để tốt nghiệp ra trường.
Năm 2013, anh Quang tốt nghiệp ra trường, anh liền đi xin việc ở nội thành để có tiền trả nợ và thuốc thang cho bố. Được vài tháng sau, anh quyết định về quê lập nghiệp với tâm nguyện đưa phong trào võ thuật đi sâu vào đời sống người dân và anh có thể chăm sóc bố mẹ vì anh là con trai duy nhất của gia đình.
Bắt đầu từ hai bàn tay trắng, anh Quang về quê phụ giúp mẹ đi làm ruộng, buôn bán hoa quả, chăm sóc bố và dạy võ cho các em học sinh. Tới nay, anh đã cùng gia đình trả được hết nợ và tiếp tục được theo đuổi niềm say mê võ thuật của mình.
Gần 100 học sinh, anh đều coi các em như ngững người con của mình
Nhắc đến thời gian bắt đầu về quê mở lớp dạy võ, anh Quang kể: “Về quê mở lớp tôi gặp nhiều khó khăn về kinh phí mở lớp, địa điểm, số lượng học sinh. Đầu tiên tôi chỉ dạy 2 em, vì ở quê người dân vẫn chưa hiểu hết tác dụng của phong trào thể dục thể thao và phong trào võ thuật. Qua một thời gian người dân biết đến nhiều hơn thông qua các chương trình biểu diễn võ thuật vào dịp lễ hội, trung thu, đại hội… nên số lượng học sinh ngày một tăng lên”.
Giúp học sinh thoát khỏi bệnh tật, mê chơi
Vận dụng kiến thức chuyên môn và kết hợp những bài tập về xương khớp, anh Quang đã giúp nhiều học sinh thoát khỏi bệnh tật. Và với sự quan tâm đặc biệt học trò của mình, anh còn giúp nhiều bạn tránh xa được các trò chơi nguy hiểm như nghiện game.
Vợ chồng chị Trương Thị Vân (32 tuổi) và anh Nguyễn Văn Tiến (37 tuổi, ở thôn Lê Xá) suốt mấy năm chật vật nuôi đứa con đầu lòng - là em Nguyễn Văn Sỹ (11 tuổi) ốm yếu từ khi còn đỏ hỏn dẫn đến suy dinh dưỡng nặng.
Thuốc thang triền miên nhưng vợ chồng chị Vân không thấy sức khỏe con tiến triển, rồi xót xa trong vô vọng. Sau đó, nghe tin từ dân làng vợ chồng chị đã mang con đến nhờ sự giúp đỡ của anh Quang. “Từ khi con tôi đi học võ và được sự quan tâm giúp đỡ đặc biệt của thầy giáo, vợ chồng tôi thấy cháu khỏe hơn trước rất nhiều, mập hơn và từ đó không phải uống một viên thuốc nào vào trong người”, chị Vân tâm sự.
Ngoài thời gian dạy võ cho học sinh, anh Quang còn đi làm ruộng, buôn bán phụ giúp mẹ
Khi có các chương trình biểu diễn võ thuật ở thôn, xã, Sỹ luôn là học sinh được lớp học võ cử tham gia với màn biểu diễn xuất sắc. Năm 2017, em tham gia cuộc thi chạy ở huyện và đạt giải nhì. Đây cũng là lý do giúp vợ chồng chị Vân hiểu về lợi ích của võ thuật và cho con mình theo học anh Quang suốt 5 năm qua.
Dần dần, tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình có con ốm yếu đã đến theo học lớp võ của anh Quang. Anh Nguyễn Văn Cường (37 tuổi, ở thôn Lê Xá) cho con theo học võ được 2 năm, vì em yếu, còi cọc lại không may bị ngã, chân của em bị teo một bên nhỏ, một bên to.
“Theo dõi từng ngày con đi tập võ lớp của thầy Quang thì tôi thấy sức khỏe cháu hồi phục nhanh thật, ăn uống tốt hơn, hai bên chân thì đã đều nhau”, anh Cường chia sẻ.
Suốt 5 năm qua, vợ chồng chị Vân vui mừng vì sức khỏe con đã tốt, không phải uống một viên thuốc nào
Với mong muốn giúp con rèn luyện sức khỏe để bảo vệ bản thân và đặc biệt là thoát khỏi bệnh nghiện game nên ông Nguyễn Đức Thỉnh (42 tuổi, ở thôn Đức Thụ, xã Lê Thanh, H. Mỹ Đức, Hà Nội) - bố của em Đức Anh (16 tuổi) đã tìm hiểu và đến thực tế quan sát lớp học của anh Quang và quyết định cho con đi học.
Đức Anh kể, em nghiện game từ khi học lớp 7 đến khi vào lớp 10 vẫn chưa bỏ được, nhưng sau khi đi học võ được 4 tháng thì em đã không còn chơi game nữa và dành nhiều thời gian cho việc học tập và rèn luyện.
Theo học võ, nhưng Sỹ không bao giờ nhãng quên việc học, năm nào em cũng đạt học sinh giỏi
Coi học sinh như con của mình
Là một học sinh học theo học võ anh Quang được 3 năm, em Hoàng Văn Thọ ( 17 tuổi, ở thôn Áng Hạ, xã Lê Thanh) cho biết, anh Quang không chỉ là một người có chuyên môn về võ thuật giỏi mà còn là một thầy giáo mẫu mực, tốt bụng. Khi lên lớp anh xưng hô với học sinh là con và thầy. Anh bao bọc, chỉ bảo rèn luyện các em cả về sức khỏe lẫn đạo đức và ý chí phấn đấu vươn lên khi gặp phải khó khăn trong cuộc sống như những đứa con của mình.
Khi đến với lớp học, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đều được anh Quang miễn tiền học phí. Có những gia đình mang con đến giao cho anh dạy, cũng không nói là hoàn cảnh khó khăn, nhưng qua quá trình dạy anh tìm hiểu về hoàn cảnh của mỗi học sinh và chủ động đề nghị được giúp đỡ các em.
Chiều đi tập về mệt, nhưng cứ tối nào Sỹ cũng chăm chỉ học bài
Em Thọ chia sẻ thêm, trong quá trình học võ, thầy luôn dạy tôi và các bạn trong lớp những việc tốt cần làm trong cuộc sống, phải học thật giỏi. Thầy dạy chúng tôi từ lời ăn tiếng nói, biết quan tâm tới gia đình, phụ giúp bố mẹ khi có thời gian rảnh, không chơi bời, tránh xa những tệ nạn xã hội.
Nhắc đến những kỉ niệm đáng nhớ khi đi học võ, Thọ bộc bạch: “Kỉ niệm mà tôi đáng nhớ nhất là lần biểu diễn đồng diện võ thuật cho Đại hội thể dục thể thao xã Mỹ Thành. Lúc đó chân thầy Quang bị đau chạy tập tễnh, nhưng vẫn cố gắng chạy ra sân mưa đứng cùng chúng tôi tại sân vận động, sau màn biểu diễn thầy trò cùng ướt hết”.
Từ khi cho con đi học võ, anh Cường cảm thấy yên tâm khi sức khỏe của con đã được cải thiện
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.