Chìm tàu trên sông Hàn: Chúng ta cần làm gì khi gặp nạn trên sông nước?

13/06/2016 10:02 GMT+7

Giữ an toàn là điều kiện tiên quyết khi gặp phải sự cố liên quan đến sông nước. Có bình tĩnh bạn mới xử lý được các tình huống tiếp theo.

Sau sự cố chìm tàu ở Đà Nẵng, nhiều câu hỏi được đặt ra về sự an toàn của các phương tiện vận tải đường thuỷ. Tuy nhiên, để an toàn hơn, hành khách đi tàu cũng nên cần trang bị những kỹ năng cần thiết để có thể tự ứng biến trong trường hợp xấu xảy ra.
Mặc áo phao hoặc để mắt vị trí áo phao
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Cứu nạn cứu hộ Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết, đa phần những tình huống xảy ra tai nạn khi đi tàu thuyền thường gặp là lốc xoáy, gió lớn gây lật tàu, máy tàu bị hư hỏng mất khả năng điều khiển và tàu di chuyển tự do mất phương hướng.
Khi tàu di chuyển trong đêm tối có thể va chạm vào nhau. Các sự cố trên sông biển xảy ra rất nhiều nhưng trường hợp xảy ra tai nạn thường rơi vào ban đêm hơn và gây nguy hiểm cho hành khách.
Tuy nhiên để ứng phó với trường hợp bất ngờ thì điều tiên quyết là phải giữ bình tĩnh và xử lý từng vấn đề cụ thể.
Qua đó người đi tàu thuyền cần chú ý quan sát chỗ để áo phao, phao cứu sinh và các vật liệu nổi, đồng thời nghe theo sự hướng dẫn của nhân viên về cách mặc áo phao và các hướng dẫn thoát nạn.
Nếu không thấy những vật dụng cứu sinh hãy cân nhắc trước khi đi. Khi tàu đang di chuyển hành khách nên tuân thủ đúng nội quy đã đặt ra.
Vụ chìm tàu du lịch ở Đà Nẵng đã cướp đi sinh mạng 3 người, trong đó có 2 trẻ em
Vụ chìm tàu du lịch ở Đà Nẵng đã cướp đi sinh mạng ba người, trong đó có hai trẻ em Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Tuấn thêm, đối với trường hợp chẳng may xảy ra sự cố bất ngờ như chìm hoặc lật tàu hành khách phải hết sức bình tĩnh và nghe theo sự hướng dẫn của nhân viên trên tàu. Hoảng loạn sẽ làm cho sự cố nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó hãy nhanh chóng tìm lấy vật liệu nổi như can nước, thùng nhựa, những vật có thể nổi trên mặt nước để bám vào và chờ người ứng cứu.
Về trường hợp khẩn cấp, người biết bơi nên cố gắng hỗ trợ người không biết bơi vì tâm lý những người biết bơi sẽ bình tĩnh hơn. Cố gắng giúp những người không biết bơi giữ bình tĩnh. Quan sát và nhanh chóng cứu người gần nhất để đưa vào nơi an toàn hoặc đưa họ giữ những vật liệu nổi và đến cứu những người khác. Nếu có thể nên đưa nạn nhân vào nơi an toàn trong thời gian nhanh nhất.
Đừng để trẻ tự do một mình 
Hãy nhớ đến phương thức xử trí trên máy bay, nhiều bố mẹ cứ lo cho con thái quá mà quên mất đến sự an toàn của mình. Bạn phải cứu bạn trước rồi mới bảo vệ được con.
Trẻ thích tắm sông suối nhưng không nên thả lỏng phải có sự giám sát của người lớn, trẻ không thể xử trí khi xảy ra đuối nước. Ngay từ bây giờ hãy cho con học bơi (nếu chưa biết bơi) hoặc các kỹ năng ứng cứu dưới nước.
Cách sơ cứu nạn nhân đuối nước

Sau khi đưa nạn nhân lên bờ, người dân hãy nhanh chóng gọi vào số 115 và làm hô hấp nhân tạo bằng phương pháp miệng qua miệng, vì đó là phương pháp hiệu quả nhất. Não người sẽ bị tổn thương hoặc chết nếu nạn nhân ngưng thở 4-6 phút.

Cách thức tiến hành là đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng, ngửa cổ nạn nhân ra sau, móc hết đàm và nhớt, dị vật trong miệng nạn nhân ra. Một tay đặt lên trán nạn nhân, bịt mũi bằng ngón trỏ và ngón cái, sau đó hít sâu, áp miệng người cấp cứu  và miệng nạn nhân thổi 2 hơi đầy. Để lòng ngực xẹp và thổi tiếp lần thứ hai. Thực hiện cho đến khi nạn nhân thở được hoặc có xe cấp cứu đến.

Nếu nạn nhân bị ngưng tim nên tiến hành ép tim bằng cách xác định vị trí trên chấn thuỷ, dùng hai tay ép chặt song song với hô hấp nhân tạo.

Không nên cố tìm cách cho nước trong phổi nạn nhân chảy hết ra ngoài bằng xốc nước (vác nạn nhân chạy lòng vòng cho nước chảy ra) vì như thế sẽ bỏ lỡ  thời gian vàng cho việc hồi sức cấp cứu tim phổi mà chỉ cần chậm trễ 4 phút là não nạn nhân có nguy cơ bị chết. Trong quá trình hồi sức cấp cứu ti phổi, nước trong phổi sẽ tự động thoát ra ngoài. Nếu là nước sông, hồ thì nước sẽ thấm vào hệ tuần hoàn rất nhanh  do hiện tượng thẩm thấu.   


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.