Chủ nhân thực sự của của những khúc gỗ sưa bạc tỉ là ai?

24/01/2019 16:34 GMT+7

Theo giới buôn gỗ , tại Việt Nam, chưa hề có một thành phẩm nào được làm từ gỗ sưa và việc săn lùng gỗ sưa cũng không hề phục vụ nhu cầu trong nước. Vậy, gỗ sưa sẽ được chuyển đi đâu, làm gì?

Tại đình thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có 2 cây sưa hàng trăm năm tuổi, trong đó có 1 cây sưa đỏ quý hiếm. Thời điểm gỗ sưa đắt đỏ, cây sưa đỏ quý này được một thương lái trả giá tới hơn 100 tỉ đồng, nhưng không mua được.
Dự kiến trước tết Nguyên đán 2019, người dân tại đây sẽ khai thác, bảo quản 2 cây sưa quý này, đợi qua tết, người dân thôn Phụ Chính sẽ thành lập ban đấu giá, công khai đấu giá gỗ quý để lấy ngân sách xây dựng các công trình phúc lợi.
Anh Nguyễn Công Quang (34 tuổi, quê Vĩnh Phúc), gia đình có truyền thống 3 đời chế tác đồ gỗ mỹ nghệ, cũng là một người buôn gỗ lâu năm, cho biết cây sưa là loại cây lá nhỏ, có quả giống quả me, khi đốt lên có mùi rất khó ngửi, nên các cụ thường gọi là cây thối.
Khoảng gần 20 năm trở lại đây, nhiều tay buôn gỗ tại Việt Nam bắt đầu săn lùng, thu mua những cây sưa có tuổi đời lâu năm để xuất sang nước ngoài. Cho nên vào thời điểm đó, trong giới buôn gỗ Việt Nam hễ nhắc tới nơi đâu có gỗ sưa, bất kể là nam hay bắc, sẽ lập tức đến tận nơi kiểm tra, thẩm định và ngã giá.
Một nhánh của cây sưa đỏ từng giao dịch với giá hơn 31 tỉ đồng vào năm 2015 khiến dư luận xôn xao Ảnh Trần Cường
Theo anh Quang, gỗ sưa tại Việt Nam được chia làm 2 loại, theo màu gỗ là sưa đỏ và sưa vàng. Những thương lái đa phần ưa chuộng gỗ sưa đỏ, nên giá trị của gỗ sưa đỏ sẽ cao hơn khoảng 2 lần so với gỗ sưa vàng.
Làm nghề lâu năm, anh Quang cho biết, phần lớn những người thu mua gỗ sưa tại Việt Nam sau đó đều bán sang Trung Quốc, hoặc người bên Trung Quốc sẽ sang tận nơi để thẩm định và qua tay thương lái Việt để thu mua. Bởi vậy, nhiều khả năng 2 cây sưa tại thôn Phụ Chính sẽ được thương lái Trung Quốc thu mua.

Giá trị thực của gỗ sưa và “vòng tròn đỏ đen”

Ông Lê Quý Cường, nguyên kỹ sư Viện điều tra Quy hoạch rừng, cho biết cây sưa có 2 phần là phần lõi và phần rác. Trong đó, phần lõi có mùi thơm, không bị mối mọt là phần có giá trị nhất, còn phần rác thì người ta bỏ đi. Cây càng lâu năm thì lõi càng lớn và giá trị càng cao, nhưng khi cây sưa đến độ tuổi nhất định, phần lõi sẽ bị mục rỗng.
Theo ông Cường, phần lõi của cây sưa cứng, chắc nên được sử dụng làm đồ mỹ nghệ. Ngày xưa thì vua chúa thường dùng để đóng quan tài vì đặc tính cứng chắc của gỗ.
“Về giá trị y học, chưa có 1 sách nào ghi lại hoặc cho thấy gỗ sưa có tác dụng chữa bệnh, có ghi chép thì cũng chỉ nói gỗ sưa là một loại gỗ quý, chắc và có mùi thơm”, ông Cường nói.
Khúc gỗ sưa đỏ trọng lượng 8 lạng, được anh Quang mua với giá gần 1 triệu đồng Ảnh Trần Cường
Còn theo anh Nguyễn Công Quang, tất thảy những người buôn gỗ đều không biết giá trị thực của gỗ sưa, chưa hề thấy 1 sản phẩm nào làm từ gỗ sưa tại thị trường Việt Nam, cũng như Trung Quốc. Chỉ có 1 số nghệ nhân Việt Nam dùng gỗ sưa, tạc tượng cỡ nhỏ để trưng bày trong nhà.
Nói về giá trị của gỗ sưa, anh Quang cho biết, giá gỗ sưa cao hay thấp tùy thuộc vào thị trường và thương lái bên Trung Quốc, thời điểm gỗ sưa có giá, mỗi cân gỗ sưa đỏ lâu năm, nhiều lõi có giá khoảng trên 40 triệu đồng; còn loại gỗ sưa ít năm, nhiều “gỗ rác” có loại chỉ có giá vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng mỗi kg. Loại sưa vàng thì giá thấp hơn.
Anh Quang chia sẻ, thời gian gần đây, thị trường gỗ sưa có nhiều biến động, bởi cũng nhiều đại gia buôn gỗ sưa tán gia bại sản vì thương lái bên Trung Quốc “giở trò”. Đơn cử như một người bạn buôn của anh Quang, đã phá sản vì ôm gỗ sưa, tuy nhiên lúc bán sang Trung Quốc thì đúng lúc bên này các thương lái tung gỗ sưa ngược lại Việt Nam.
“Anh ấy ngày xưa buôn gỗ có tiếng tại Vĩnh Phúc, anh ấy vào nam ra bắc để săn lùng thu mua qua đường hàng không. Mấy năm gần đây, anh ấy gom tiền, cầm cố tài sản để om gỗ, lúc xuất bán thì loạn thị trường, dẫn đến vỡ nợ hơn chục tỉ đồng”, anh Quang nói.
3 bức tượng Phúc - Lộc - Thọ được tạc từ gỗ sưa đỏ của anh Quang Ảnh Trần Cường
Theo hiểu biết của anh Quang, buôn gỗ sưa đỏ - đen như chơi canh bạc, phụ thuộc nhiều vào người Trung Quốc. Người ta thổi giá, thu mua, sau đó một thời gian lại tìm cách xuất ngược lại Việt Nam để dân buôn Việt mua lại, rồi lại xuất sang Trung Quốc, cứ thế tạo thành một vòng tròn luẩn quẩn.
“Thấy nhiều người phá sản, bỏ nghề gỗ vì cây sưa, nên cũng không nhiều người còn mặn mà với gỗ sưa. Giờ buôn sưa, người buôn sẽ tìm, chụp hình và gửi sang cho người Trung Quốc định giá rồi mới giao dịch, ăn chênh lệch chứ ít người dám bỏ tiền ra ôm”, anh Quang nói.
Anh Nguyễn Văn Hùy, được mệnh danh là một đại gia gỗ Đồng Kỵ (quê tại phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), từng khiến dư luận quan tâm khi bỏ ra gần 26 tỉ đồng để mua cây sưa 200 năm tuổi ở đình Đông Cốc (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) vào năm 2016, thông tin nhanh cho Thanh Niên rằng anh đã bỏ nghề buôn gỗ và cũng không muốn nhắc lại, bình luận thêm về gỗ sưa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.