Chuyện trọng nam, khinh nữ vẫn còn thấp thoáng quanh đây

04/09/2016 14:02 GMT+7

Xưa nay chuyện lựa chọn giới tính thai nhi và sinh con trai hay con gái là một vấn đề lớn đối với xã hội cũng như nhiều gia đình.

Nhiều người nghĩ rằng xã hội tiến bộ sẽ đào thải những tư duy lạc hậu, nhường chỗ cho thế hệ tư tưởng văn minh. Thế nhưng, thật sự những tàn dư của chế độ phong kiến vẫn còn tồn tại trong nhiều nếp nhà và cả những cộng đồng người rộng lớn.
Con trai, con gái
Ảnh: Shutterstock
Người thím họ của tôi có con dâu đang mang thai, thím không ngại ngần khen một người khác ngay trước mặt con dâu rằng: “Thấy người ta sinh con trai mà ham, con dâu nhà này không biết đẻ nên sinh toàn con gái...”. Cô em chồng tôi cũng đã có 2 bé gái dễ thương, nhưng vẫn tuyên bố sẽ sinh nữa cho đến khi có được một thằng nhóc thì mới dừng.
Một lần ghé thăm nhà bác sui, là ba mẹ chồng của cô ấy, mới hiểu vì sao em chồng tôi bị áp lực sinh con trai nhiều đến vậy. Trong cuộc trò chuyện, ông bà cứ nhấn mạnh việc “nhất nam viết hữu...”. Khi tôi bảo thời buổi này sinh nhiều sẽ không chăm lo tốt được cho các cháu, và việc có con nào không quan trọng bằng việc nuôi dạy chúng nên người... thì ông bà bảo: “Biết thế, nhưng vẫn phải có thằng chống gậy mới được”.
Một người bạn của tôi là chuyên gia tư vấn pháp luật tại một trung tâm uy tín kể rằng, cô từng gặp nhiều trường hợp phân biệt giới tính khi phân chia tài sản trong các tranh chấp khi ly hôn hoặc những vụ án dân sự khác. Cô ấy nhận xét “người ta bảo giờ đây nam nữ đã bình quyền và không còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, nhưng theo tớ thấy cả trăm năm nữa có khi tư tưởng ấy vẫn tồn tại âm ỉ”.
Nhớ lại chuyện các tờ báo mạng, các diễn đàn và facebook dậy sóng với phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama (dịp ông viếng chùa Phước Hải, TP.HCM trong chuyến công du vừa qua tới VN) về việc ông có 2 cô con gái. Nước Mỹ là một trong những chiếc nôi văn minh của nhân loại và là nơi mà cách mạng nữ quyền đi tiên phong… Thế nhưng theo một nghiên cứu của các nhà xã hội học, ngay cả nhiều gia đình người Mỹ cũng được cho là hạnh phúc hơn khi có cả con trai và con gái, hoặc chỉ có con trai chứ không phải toàn là “vịt trời”.
Người bạn thân của tôi kể, khi cô mang thai đứa con đầu tiên, chồng cô bảo “con nào cũng là con, con nào cũng quý như nhau cả”. Thế nhưng khi siêu âm biết đó sẽ là một bé trai, anh mới “tự thú” rằng: “Thật ra anh vẫn muốn có con trai hơn”. Cô tự hỏi, vì đâu mà chồng cô có sự “hai mặt” này, phải chăng muôn đời tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn len lỏi trong những nếp nhà?
Tôi vẫn nhớ sự hân hoan vui sướng của ông nội tôi ngày chào đón em trai út của tôi ra đời, sau khi ba mẹ tôi sinh được ba cô con gái. Ông tưng tiu đứa cháu đích tôn như báu vật và bênh vực bằng mọi giá dù đúng hay sai. Mỗi lần đứa em gái nhỏ nhất của tôi có tranh cãi gì với em trai út là ông nội lại bênh vực thằng cháu, la mắng cháu gái bằng cái câu muôn thuở: “Nó là cháu đích tôn của tao, tụi bây phải nhường nhịn nó”. Hồi nhỏ, em gái tôi rất tủi thân vì câu nói đó và không biết đã bao lần khóc tức tưởi vì oan ức.
Dù khoa học từ lâu đã công bố nghiên cứu về cặp nhiễm sắc thể thứ 23 ở người và xác định yếu tố quyết định giới tính một em bé là do người đàn ông, nhưng dường như lối suy nghĩ cố hữu rằng việc sinh con trai hay con gái là do nơi người phụ nữ đã ăn sâu vào nhận thức của nhiều người và không có cách gì xóa được. Có lẽ, ngày nào người ta còn đặt nặng khái niệm “đích tôn” hay “con nối dõi”, ngày ấy vẫn còn tồn tại những thân phận phụ nữ thiệt thòi...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.