CNN chỉ ra Việt Nam làm thế nào để 'ca tử vong vì Covid-19 là số 0?

31/05/2020 19:36 GMT+7

Theo CNN, hành động sớm, truy dấu liên hệ tỉ mỉ và truyền thông hiệu quả là những "chìa khóa vàng" giúp Việt Nam chống dịch Covid-19 hiệu quả.

“Khi cả thế giới nhìn vào châu Á để lấy ví dụ thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhiều sự chú ý và khen ngợi được dành cho Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông. Nhưng có một điển hình về thành công bị bỏ qua, đó là Việt Nam - đất nước với hơn 97 triệu dân và chưa báo cáo trường hợp nào tử vong vì Covid-19", đây là những lời mở đầu trong bài báo dài hơn 1.600 chữ được đăng tải trên CNN.com ngày 30.5 có tựa đề: "Việt Nam đã làm thế nào để giữ số ca tử vong vì virus corona ở con số 0?”

Ảnh chụp màn hình bài báo đăng tải trên CNN.com

Để lấy dẫn chứng cho công cuộc chống dịch Covid-19 hiệu quả ở Việt Nam, CNN chỉ ra dù là quốc gia gặp không ít thách thức khi có đường biên giới dài với Trung Quốc - nơi khởi nguồn dịch bệnh và là quốc gia có thu nhập trung bình cùng hệ thống y tế còn thua kém nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam đến nay vẫn chưa ghi nhận ca tử vong nào với chỉ 328 ca nhiễm tính đến ngày 30.5.
Đối với những người hoài nghi, con số chính thức của Việt Nam có vẻ là quá lạc quan để trở thành sự thật. Nhưng Guy Thwaites, một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm, làm việc tại một trong những bệnh viện chính được Chính phủ Việt Nam chỉ định điều trị cho bệnh nhân Covid-19, cho biết những con số này phù hợp với thực tế.

CNN ngợi ca, chỉ ra 3 “chìa khóa vàng” giúp Việt Nam chống dịch Covid-19 thành công

"Tôi đến các phường mỗi ngày. Tôi biết các trường hợp, tôi biết không có trường hợp tử vong", Thwaites, người đứng đầu đơn vị Nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại TP.HCM cho biết.
Và để trả lời cho câu hỏi, làm thế nào mà Việt Nam đi ngược lại với xu hướng dịch bệnh toàn cầu và thoát được thảm họa Covid-19, CNN đã chỉ ra 3 phương pháp quan trọng theo lý giải của các chuyên gia y tế cộng đồng.

1. Hành động sớm

Theo CNN, Việt Nam chuẩn bị cho đợt bùng phát Covid-19 nhiều tuần trước khi ca nhiễm đầu tiên xuất hiện. Vào thời điểm đó chính quyền Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều khẳng định "không có bằng chứng rõ ràng" về việc lây nhiễm từ người sang người. Nhưng Việt Nam không hề do dự.
Từ đầu tháng 1, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp chống dịch quyết liệt như kiểm tra thân nhiệt tất cả hành khách đến từ Vũ Hán, cách ly các hành khách bị sốt, tăng cường kiểm dịch ở cửa khẩu, sân bay, cảng biển.

Hơi thở và mồ hôi đọng thành hơi nước phủ kín kính bảo hộ của một cán bộ Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM trong lúc làm việc

Ngọc Dương

Ngày 23.1, Việt Nam xác nhận hai ca nhiễm Covid-19 đầu tiên là hai công dân Trung Quốc, một người sống ở Việt Nam và bố của người này từ Vũ Hán tới thăm con. Ngay sau đó, Việt Nam hủy mọi chuyến bay đến và đi Vũ Hán.
Trong tháng tiếp theo, các quyết định hạn chế đi lại, kiểm dịch hành khách và ngừng cấp visa được mở rộng phạm vi. Chính quyền cũng nhanh chóng thực hiện các biện pháp chủ động phong tỏa với những khu vực phát hiện nhiều bệnh nhân Covid-19. Các trường học và các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu được lệnh đóng cửa và sau đó là biện pháp cứng rắn hơn như cách ly xã hội
"Sau 3 tuần cách ly xã hội, Việt Nam đã dỡ bỏ giãn cách vào cuối tháng 4. Hơn 40 ngày vừa qua, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm nội địa nào. Trường học, doanh nghiệp đã mở trở lại và cuộc sống đang dần quay về như bình thường." - CNN viết. 

Virus corona tổng hợp tối 31.5: Thế giới vượt 6 triệu ca nhiễm, CNN ca ngợi cách Việt Nam chống dịch

2. Truy dấu liên hệ tỉ mỉ

Theo CNN, những hành động sớm mang tính quyết định của Việt Nam đã ngăn chặn hiệu quả việc lây nhiễm cộng đồng.
“Các nhà chức trách truy tìm nghiêm ngặt những người có liên quan đến các bệnh nhân nhiễm virus corona đã được xác nhận và đưa họ đi cách ly bắt buộc hai tuần.
Bệnh nhân phải cung cấp cho cơ quan y tế một danh sách đầy đủ tất cả những người đã gặp trong 14 ngày qua. Thông báo được đăng trên các tờ báo và được phát sóng trên truyền hình để thông báo cho công chúng biết thời gian và địa điểm mà một bệnh nhân Covid-19 đã đến.

Lực lượng chức năng làm việc tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh (Hà Nội)

Trần Cường

CNN cũng lấy ví dụ về Bệnh viện Bạch Mai - một trong những nơi từng là ổ dịch Covid-19 phức tạp ở Việt Nam.
CNN viết: “Khi bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, một trong những bệnh viện lớn nhất Việt Nam, trở thành điểm nóng Covid-19 với hàng chục ca nhiễm bệnh được xác định vào tháng 3, chính quyền đã cách ly bệnh viện và theo dõi gần 100.000 người liên quan đến bệnh viện, bao gồm cả nhân viên y tế, bệnh nhân, du khách và liên hệ chặt chẽ của họ”.

3. Truyền thông hiệu quả

CNN cũng dành lời khen cho công tác truyền thông về dịch bệnh của Việt Nam. CNN đánh giá: “Ngay từ đầu, chính phủ Việt Nam đã truyền đạt rõ ràng với công chúng về sự bùng phát của dịch bệnh. Các trang web, đường dây nóng điện thoại và ứng dụng điện thoại đã được thiết lập để cập nhật tới công chúng về các diễn biến mới nhất của dịch bệnh và tư vấn y tế. Bộ Y tế cũng thường xuyên gửi thông báo nhắc nhở tới người dân qua tin nhắn.

Người dân thực hiện xét nghiệm Covid-19 ở Hà Nội

Trần Cường

"Bộ máy tuyên truyền khổng lồ của đất nước cũng được huy động, nâng cao nhận thức về sự bùng phát thông qua loa, áp phích đường phố, báo chí và phương tiện truyền thông xã hội.
Vào cuối tháng 2, Bộ Y tế Việt Nam phát hành một video âm nhạc hấp dẫn dựa trên một bản hit để dạy mọi người cách rửa tay đúng cách và các biện pháp vệ sinh khác. Đến nay, MV mang tên "Ghen Cô Vy" này đã thu hút hơn 48 triệu lượt xem trên YouTube." CNN viết.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.