Cô gái Ả Rập khoe cơ bắp...

08/05/2010 15:10 GMT+7

(TNTT>) Tháng 9 tới, một giải thi thể hình nghiệp dư sẽ được tổ chức tại Canada. Chẳng có gì đáng chú ý tại giải này nếu không có sự tham gia của một cô gái mang tên Farah Malhass. Cô là người phụ nữ Ả Rập đầu tiên tham gia một cuộc thi thể hình.

Vì trước đó, không một phụ nữ nào của Ả Rập dám chơi các môn thể thao vốn chỉ dành cho đàn ông và đặc biệt không bao giờ dám khoe cơ bắp trước mặt mọi người. Nhưng Farah Malhass dám làm điều đó.

Sự khẳng định bản thân

Phóng viên của AFP đã tìm gặp Farah Malhass trong một ngày tháng 4 tại thủ đô Aman, Jordan. Họ gặp Malhass trong phòng tập. Đó là một cô gái 26 tuổi rất xinh đẹp. Malhass có dáng người cao, đôi môi đỏ, mắt rộng và mái tóc dày, những nét quyến rũ đặc trưng của phụ nữ Ả Rập. Các phụ nữ Ả Rập bình thường khi tiếp xúc với người lạ luôn mặc trang phục “kín cổng cao tường” với áo không tay dài gọi là “abaya” cùng khăn che kín mặt gọi là “niqab”.

Nhưng Malhass thì khác. Cô xuất hiện tại phòng tập thể hình với chiếc áo thun bó sát khoe những đường cong nóng bỏng và điều ấn tượng là trên bắp tay của Malhass có một hình xăm khiến người ta liên tưởng đến nụ cười của quỷ satan.

Rất tự hào, Malhass khoe rằng “Hình xăm này là lẽ sống của tôi. Nó là biểu tượng cho tính cách của tôi và con đường mà tôi sẽ theo”. Malhass tiết lộ cô thường xuyên đến Beirut, thủ đô Li-băng để xăm hình. Cô nói rằng việc xăm hình khiến cô chịu nhiều đau đớn về thể xác nhưng nỗi đau lớn hơn là tinh thần vì mọi người đều lên án hành động của cô. Tại phương Tây, việc phụ nữ xăm hình là điều bình thường nhưng ở xã hội Ả Rập, xăm hình là điều khó chấp nhận, kể cả với nam giới.

Malhass sinh ra trong một gia đình không êm ấm. Cha mẹ cô là những người giàu có nhưng họ lại ly dị sau khi có hai đứa con gái. Người cha luôn bận việc kinh doanh còn bà mẹ thì đi du lịch nước ngoài liên tục. Malhass được gửi cho ông nội nuôi và được nuông chiều từ nhỏ. Năm 14 tuổi, Malhass đã mơ ước muốn trở thành người nổi tiếng.


Việc một cô gái như Malhass thường xuyên đến trung tâm thể hình luyện tập, khoe khoang cơ bắp là điều kỳ lạ đối với xã hội Ả Rập

Vượt qua sự ngăn cản

Năm 17 tuổi, thời điểm tính cách “nổi loạn” của Malhass bột phát mạnh mẽ nhất khi cô có hình xăm đầu tiên. Năm 20 tuổi, cô quyết định ra ở riêng cho tự do và bắt đầu nung nấu giấc mơ của mình là thành võ sĩ thể hình đẳng cấp thế giới.

Khi Malhass tuyên bố tập thể hình, mọi người trong gia đình đều phản đối quyết liệt. Họ không hiểu tại sao cô lại theo đuổi cái thứ “bóp méo thân hình và làm bản thân xấu xí hơn”. Lập tức, Malhass được gửi sang Anh theo học nghệ thuật tại trường Saint Martins ở London với hy vọng nghệ thuật sẽ giúp đầu óc cô mềm mại hơn. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, Malhass bỏ học vì không phù hợp với lý tưởng sống của cô.

Việc tập thể hình của Malhass không chỉ vấp phải sự phản ứng của gia đình mà của cả xã hội. Malhass tâm sự: “Tất cả đều chống lại tôi. Không ai hiểu tại sao tôi lại muốn trở thành ngôi sao thế giới trong lĩnh vực thể hình”. Dễ hiểu, dù Jordan không phải là quốc gia Ả Rập hà khắc như một số nước láng giềng, nhưng xã hội Jordan vẫn bị chi phối bởi các quy định Hồi giáo. Sự bất bình đẳng giới tính vẫn tồn tại ở Jordan. Chẳng hạn, ở đây chỉ có gần 1.300 nữ luật sư so với gần 7.000 đồng nghiệp nam giới, con số nữ thẩm phán chỉ là 35 so với 630 đồng nghiệp.

Malhass không cô đơn

Để tranh tài cho cuộc thi tại Canada tới rất tốn kém, Malhass sẽ cần phải có tiền để bồi bổ sức khỏe, mua thuốc, thức ăn, chi phí trả cho trung tâm tập luyện… Gia đình Malhass không ủng hộ cô khoe cơ bắp, đương nhiên sẽ không chi tiền.

Điều khôi hài là cả liên đoàn thể hình Jordan cũng không ủng hộ Malhass và khi được yêu cầu giúp đỡ, họ còn hỏi ngược lại cô: “Cô không thấy xấu hổ khi đứng trước thế giới trong trang phục bikini à?”. Đúng là thi thể hình thì các nữ vận động viên phải mặc bikini, trong khi chẳng quốc gia Hồi giáo nào khuyến khích phụ nữ mặc bikini. Một số nước có tư tưởng thoáng cũng chỉ cho phép phụ nữ tắm biển trong trang phục burkini, một dạng áo bơi che kín người.

Chỉ có một người ủng hộ Malhass là nam đồng nghiệp Zeid al-Far, người cùng cô chia phí tập luyện tại trung tâm thể hình. Họ cùng mở chiến dịch vận động tài trợ trong nước nhằm tìm kiếm sự ủng hộ Malhass nhưng chỉ được đáp lại bằng thái độ hờ hững. Nhưng cô gái này vẫn rất quyết tâm đến Canada vào tháng 9 tới bằng mọi giá để chứng minh cho mọi người thấy rằng phụ nữ Ả Rập cũng có thể hình đẹp chẳng kém ai.

Tuy nhiên, sau khi câu chuyện về Malhass được đưa lên báo, cô đã nhận được sự động viên mạnh mẽ tại nước ngoài, những nơi có tư tưởng thoáng hơn về bình đẳng giới. Một số tổ chức đấu tranh vì quyền phụ nữ tuyên bố sẽ mở cuộc quyên góp để giúp Malhass biến giấc mơ thành hiện thực...

Anh Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.