"Công ty" xe thồ mù

28/07/2005 22:52 GMT+7

Ở xóm Chùa, xã Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh có một "công ty" xe thồ gồm 6 thành viên. Với số vốn ban đầu vỏn vẹn 500.000đ, "công ty" được điều hành bởi "3 ông giám đốc" mù. Từ bao năm nay, lực lượng xe thồ ấy đã chuyên chở hàng ngàn tấn vật liệu xây dựng cho bà con khắp trong làng, ngoài xóm...

Nỗi đau mù lòa

"A, xe thồ mù kìa tụi bay ơi!".
Lũ trẻ xóm Chùa đang đùa nghịch trên bãi cát đầu làng bỗng nhảy phắt về phía trước và chạy ùa ra đường. Thấp thoáng đằng xa bóng 3 chiếc xe thồ lăn từng bước nặng nề trên con đường làng bụi bặm. 3 người vợ sáng mắt cầm lái đi trước, ba người chồng mù theo sau, ra sức đẩy. Hơn một chục đứa trẻ líu ríu bám theo từng vệt bánh xe thồ in hằn lên mặt đất.

Chỉ một loáng, đội xe thồ mù đã tiếp cận điểm tập kết. Những thúng cát sỏi được nhanh chóng chất thành đống. 3 người đàn ông mù lưng áo thấm đẫm mồ hôi chậm chạp bê từng chồng gạch xếp thành hàng ngay ngắn. Đây là chuyến cuối cùng trong ngày của đội xe thồ mù. Xong việc, 6 con người tay thồ, tay quang gánh lững thững bước về phía cuối làng.

Gọi là xe thồ mù vì 3 người đàn ông đẩy thồ vốn là 3 anh em ruột bị khiếm thị từ thuở mới lọt lòng. Người anh cả tên là Luân, còn hai cậu em thứ là Thanh và Hiền. Ý tưởng thành lập một "đội quân" bốc vác, chở thuê xuất phát từ anh Luân. Đến tận bây giờ, anh Luân cũng chẳng nhớ nổi mình mua xe thồ từ lúc nào mà chỉ nhớ mang máng là hồi đó gia đình đói kém lắm.

Nhà anh Luân có 9 người thì tới 4 người khiếm thị. Bà Thảo, mẹ anh Luân đã ngoài 70 tuổi. Bà bị mù hai mắt từ hồi trẻ. Không hiểu do di truyền hay nguyên nhân nào khác mà các con bà cũng mắc căn bệnh như vậy. Ba anh em trai Luân, Hiền, Thanh cứ vừa sinh ra được vài năm thì mắt mũi kém dần rồi mù hẳn. "Hồi đó, mấy anh em còn bé nên cũng chẳng biết gì. Đến lúc lớn lên mới thấy mình thật vô dụng. Mắt mũi thế này thì làm gì được để nuôi sống gia đình bây giờ? Nhiều hôm mấy mẹ con cứ ngồi ôm nhau mà khóc...", anh Luân xót xa.

Mặc dù đã lên huyện, xuống tỉnh, tìm thầy thuốc khắp nơi nhờ chẩn trị nhưng căn bệnh vẫn vô phương cứu chữa. Đã có lúc tuyệt vọng 3 anh em quay về nhà trong tâm trạng chờ đợi cái chết. May mắn, đúng lúc ấy có người hàng xóm mai mối cho mấy anh em lấy vợ. Làng Tiên Du bên cạnh có một cô gái thanh niên xung phong tên Hào hơn anh Luân 3 tuổi. Đi lại một thời gian thì chị Hào đồng ý cưới. Sau đó lần lượt cả hai anh Thanh và Hiền cũng lập gia đình. Điều đặc biệt là 3 cô vợ đều ngoan hiền và khỏe mạnh. Người dân xóm Chùa vẫn gọi đó là câu chuyện cổ tích về tình yêu thời hiện đại.

Đoạn trường mưu sinh

Lập gia đình rồi thì lấy gì mà sống? Ba anh em vẫn tự dằn vặt nhau như vậy. Họ chẳng có nghề ngỗng gì trong tay. 6 con người chỉ biết bó gối ngồi nhà trông chờ vào mấy sào ruộng khoán. Cảnh túng bấn, bần hàn cứ thế hành hạ họ. Anh Luân kể, lúc đó mấy anh em bị hàng xóm khinh miệt lắm. Cũng có người thông cảm thỉnh thoảng đem cho bát cơm, bát canh nhưng cũng chỉ được dăm ba bữa.

"Không thể sống mãi thế này được. Mình hỏng mắt nhưng còn tay chân, tại sao lại không làm được gì chứ?". Ý nghĩ đó đã thôi thúc ba anh em quyết tâm làm một điều gì đó để nuôi gia đình. Nhưng biết làm gì bây giờ? Ruộng nương người ta chẳng thèm thuê thằng mù làm. Hay là làm cửu vạn, xe thồ nhỉ? Cái nghề ấy đang phất vì trong thôn ngoài xóm, bà con xây dựng nhiều công trình lắm. Nghĩ thế, anh Luân bèn bàn với vợ và hai chú em góp vốn mua xe thồ.

Cả cơ nghiệp bán đi cũng chỉ đủ vài trăm nghìn bạc. Ba anh em phải xoay xở mọi cách mới gom góp được 500.000đ mua xe. Trong làng ngoài xã hễ cứ nhà ai động thổ, xây dựng công trình là đội xe thồ mù lại có mặt để chở cát sỏi, gạch đá. Ban đầu nhìn cảnh này bà con ai cũng ngại. Nhưng được một thời gian người ta mới thấy 3 cặp vợ chồng làm việc khá chăm chỉ, gọn gàng. Đội xe thồ vợ lái, chồng đẩy cứ thể rong ruổi khắp làng trên xóm dưới...

Vợ sáng dắt chồng mù.... Ảnh L.T.T.H

Ban đầu người thuê trả công bằng gạo, sau quy đổi ra tiền. Ngày bình thường mỗi xe cũng kiếm được 40.000đ - 50.000đ. Tiền kiếm được ngoài việc trang trải cho cuộc sống gia đình, còn lại các anh đưa vợ dành dụm cho những lúc trái gió trở trời. 8 năm lam lũ vật lộn với cuộc sống cuối cùng 3 anh em cũng xây cất được ngôi nhà 2 tầng khang trang trên mảnh đất tổ tiên để lại. Cuộc sống gia đình cũng khá giả hơn. Cô con gái lớn của anh Luân đến tuổi trưởng thành và sớm lập gia đình. Còn con của anh Thanh, anh Hiền đều ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Nhưng điều đặc biệt hơn là "thương hiệu" xe thồ mù cứ thế lan truyền và nổi tiếng không chỉ ở Tân Hồng, Từ Sơn.

"Công ty" xe thồ mù

Đấy là cách gọi dí dỏm của bà con lối xóm về đội xe thồ gia đình ba anh em khiếm thị. Những người chủ công trình xây dựng còn "phong" cho ba anh em là "3 ông giám đốc". Anh Luân, anh Hiền, anh Thanh mừng lắm. Mừng vì người ta đã coi trọng công sức và khả năng lao động của mình. Mừng vì xe thồ mù bắt đầu gây dựng được tiếng tăm. "Anh em tôi luôn tâm niệm mình khuyết tật thì phải cố gắng làm hơn người bình thường thì khách hàng họ mới để ý và tìm đến".

Được khoảng 5 năm "công ty" xe thồ mù trở thành lực lượng thồ duy nhất ở Tân Hồng. Cũng có nhiều nhóm bốc vác mua xe về để làm ăn nhưng "thương hiệu" xe thồ mù vẫn là sự lựa chọn số 1. Thấy mấy anh em làm ăn khá, có hàng xóm còn sang tận nhà khuyên bảo mấy anh em nên lấy giá cao hơn để phù hợp với công sức mình bỏ ra. Nhưng anh Luân vẫn cương quyết giữ nguyên mức 20.000đ/1.000 gạch và 50.000đ/ô tô cát. "Bà con tin tưởng mới thuê mình, làm sao tự tiện tăng giá được. Mình kiếm được miếng ăn thì cũng phải để người khác kiếm ăn nữa chứ...", mấy anh em tâm niệm.

Sau những giờ lao động mệt nhọc, thời gian còn lại cả 3 anh em Luân, Hiền, Thanh lại đến lớp học chữ nổi do Hội Người mù Từ Sơn tổ chức. Anh Luân bảo, có đi học mới biết mình còn kém người ta nhiều quá. Mình vốn chỉ biết tay thồ, tay đẩy chứ cái chữ thì chưa từng đọc bao giờ. Bây giờ có kinh tế vững, gia đình đường hoàng thì việc học chữ là nhiệm vụ quan trọng của ba anh em. "Học chữ để sáng mắt hơn, để con cái mình sau này đỡ vất vả như cha mẹ nó...".

Thanh Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.