Đặc sản rau rừng Tây Bắc

19/06/2010 14:20 GMT+7

(TNO) Mấy năm gần đây, ở vùng cao Tây Bắc, đặc biệt là khu du lịch Sa Pa (Lào Cai), Điện Biên, Sơn La, Hà Giang... một số loại rau rừng đang trở thành món ăn đặc sản có giá.

Món đầu tiên được không ít người lựa chọn là các món ăn khá ngon được chế biến từ măng vầu, măng nứa, măng mai, măng trúc, măng sặt tươi mọc trong rừng tự nhiên.

Trong đó, món măng vầu đắng luộc chín chấm mẻ chua ăn kèm với “thịt lợn cắp nách” hoặc măng sặt tươi xào lòng cá chiên sông Hồng, sông Đà hay nấu canh cùng cổ cánh vịt bầu là món ẩm thực đặc sắc chỉ nếm một lần là nhớ mãi.

Măng tươi đầu vụ và cuối vụ giá tương đối đắt (10.000 - 15.000 đồng/kg), giữa vụ thường rẻ hơn nhưng cũng không có giá dưới 5.000 đồng/kg.

Măng tươi là món quà không thể thiếu của du khách sau khi đi thăm Tây Bắc trở về dưới xuôi.

Nơi có nhiều măng ngon và giá rẻ nhất là những quán lá của người Tày bày bán nông sản ven quốc lộ 70 từ thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên, Lào Cai) xuống Bảo Ái (Yên Bái).

Đã có không ít du khách miền xuôi lên nghỉ mát ở Sa Pa còn nhớ mãi món canh thịt lợn nạc băm nhỏ nấu cùng ngọn rau rừng mọc hoang dã trên độ cao gần 2.000m mang tên rau củ khởi.

Món canh rau củ khởi là một bài thuốc nam bồi bổ sức lực dành cho sản phụ người dân tộc ở vùng núi cao Sa Pa sau khi sinh đẻ.

Là rau rừng nhưng không phải dễ tìm mua làm quà vì cây củ khởi ngày càng hiếm hoi do bị người dân săn lùng nhiều để bán. Do đó đã có gia đình ở thị trấn Sa Pa tìm cách nhân giống trồng đại trà rau củ khởi phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn chế biến món ăn phục vụ du khách.

Rau củ khởi giá bán khá đắt tại chợ Sa Pa, từ 5.000 - 7.000 đồng/mớ mỏng chỉ đủ nấu một bát canh loại nhỏ.


Măng đắng là món đặc sản được nhiều người ưa thích

Vùng núi cao Tây Bắc còn có những loài rau rừng hiện nay đang được nhiều nhà hàng, khách sạn cao cấp coi là đặc sản mà trước đây người dân bản địa cho rằng đó là loại rau ăn của người nghèo như: hoa chuối rừng (làm nộm), rêu sông suối (xào với ruột cá suối hoặc làm món nộm tổng hợp), củ mài rừng (ninh xương lợn), rau dớn (làm nộm hoặc phơi tái để xào thịt), rau má (ăn sống hoặc dùng để ăn lẩu), rau tập tàng (nấu canh cua), quả sung non (muối dưa chua hoặc ăn sống)...

Những loại rau rừng, rau dại kể trên của Tây Bắc còn được coi là rau sạch vì mọc trong rừng tự nhiên hay mọc hoang dại ven suối chảy qua các làng bản. Tuy nhiên, nếu chỉ biết thu hái triệt để mà không có phương pháp bảo tồn, trồng lại thì sẽ có những loài rau rừng nhanh chóng bị tuyệt chủng như rêu đá, củ mài, rau củ khởi...

Bài, ảnh: Phạm Ngọc Triển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.