Đìu hiu chợ lao động cuối năm

15/12/2009 20:23 GMT+7

Khác với mọi năm, dịp cuối năm này, "chợ" lao động thời vụ ở Hà Nội đang rơi vào cảnh có "người bán" mà chẳng có "người mua".

Ngay từ sáng sớm trên dọc các con đường Nguyễn Trãi, Bưởi, Ngã Tư Sở, vườn hoa Hà Đông, chợ Long Biên, cầu Văn Điển... đã có hàng trăm người lao động, chủ yếu là người ngoại tỉnh về tụ tập chờ việc làm.

Tại "chợ" trên đường Nguyễn Trãi (đoạn gần Học viện Y dược học cổ truyền), khi chúng tôi có mặt mới hơn 6 giờ sáng nhưng đã có hàng chục người với những chiếc xe đạp thồ, xẻng, thúng... sẵn sàng đợi việc.

Thấy chúng tôi đi lại, nhiều người tưởng có người thuê ùa ra hỏi: “Cần người làm gì anh, đàn ông hay đàn bà, việc gì chúng tôi cũng làm được hết...”.

Nhưng khi biết chúng tôi đến đây để tìm hiểu viết bài thì nhiều người thở dài than vãn: “Chán lắm, mọi năm, dịp này nhiều việc lắm, nhưng năm nay đến giờ vẫn “ngồi mốc” cả ra với nhau đây này”.

Anh Nguyễn Văn Toàn (quê Giao Thủy, Nam Định), một người đã có 5 năm gắn bó với chợ lao động vỉa hè tâm sự: “Năm nay dưới quê mất mùa, nên sau khi thu hoạch xong ít hôm, tôi ra Hà Nội ngay, mong kiếm ít tiền chuẩn bị cho dịp Tết tới, nhưng chán quá.

Như mấy năm trước với sức của tôi, kiếm 200.000 - 300.000 đồng/ngày là chuyện thường, nhiều khi còn được chọn việc mà làm, còn hiện giờ cho dù cứ có việc là làm, không phân biệt việc gì nhưng cả ngày không kiếm được nổi 100.000 đồng”.

Chị Trần Thị Huyền (Tiền Hải, Thái Bình) và nhiều người phụ nữ khác cũng đang ngồi túm tụm tám chuyện trên vỉa hè, chờ người đến gọi việc.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Huyền với vẻ mặt buồn rầu, nhớ lại: “Mấy năm về trước từ tầm giữa tháng 11 dương là nhiều việc lắm rồi, tính ra với phụ nữ bọn tôi cứ chịu khó cũng kiếm được 2 - 3 triệu đồng/tháng. Còn như hiện nay ngày có việc, ngày không, người hên lắm cũng chỉ kiếm được 1 - 1,5 triệu đồng/tháng, đa phần là đến đây rồi về không".

Lý giải về tình trạng đìu hiu ở các chợ lao động vỉa hè này, anh Đinh Văn Cửu (Thanh Hóa), một người có thâm niên hơn chục năm làm lao động thời vụ ở Hà Nội bảo: “Năm nay do kinh tế vẫn còn khó khăn, các gia đình hạn chế việc sửa sang nhà cửa. Hơn nữa, giờ có nhiều công ty được thành lập để chuyên nhận làm các việc phổ thông mà trước đây là "đặc quyền" của cánh cửu vạn bọn tôi nên việc càng ít đi".

Một lý do nữa, theo anh Cửu là do lượng lao động ở các tỉnh ra Hà Nội tìm việc vào mùa cuối năm ngày càng nhiều, khiến tình trạng ế ẩm ở các chợ lao động vỉa hè thêm trầm trọng.

Việc ít, người đông, thu nhập ngày càng giảm, mà số tiền bỏ ra cho việc thuê trọ và ăn uống lại ngày một đắt đỏ đã khiến cho nhiều lao động phải lo xoay xở đối phó.

“Trước ở hai người một phòng, nhưng giờ phải ở 3 - 4 người một phòng để giảm tiền nhà. Ăn uống cũng phải chắt chiu hơn, giờ chẳng dám ăn quán nữa mà thường phải góp gạo thổi cơm cho nó tiết kiệm”, chị Phạm Thị Lĩnh (quê Nam Định) bảo.

Tuy vậy, tâm trạng chung của những lao động này là họ vẫn phải bám trụ, đợi chờ công việc đến với mình để mong có chút tiền trang trải cho dịp Tết sắp đến.

“Ở quê giờ ít ruộng, nghề phụ không có, về bây giờ cũng chỉ ăn không ngồi rồi, lại suốt ngày phải đi đám xứ thì tiền đâu ra. Thôi thì đành ở đây, tuy năm nay ít việc, thu nhập không bằng mọi khi nhưng vẫn còn có chút để chi tiêu, dành dụm lo cho con cái ở nhà và cái Tết sắp tới”, chị Phan Thị Hương (quê Hưng Yên) đang chờ việc ở chân cầu Long Biên chia sẻ.

Thành Chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.