Đồng tiền mồ hôi nước mắt

19/06/2010 09:53 GMT+7

Thu nhập bình quân 20-30 triệu đồng/tháng, thậm chí được liệt cả vào hàng “đại gia” nhưng nhiều bậc cha mẹ dạy con chi tiêu đồng tiền hết sức dè sẻn. Họ bảo đó là giúp con cái biết giá trị của sức lao động, mồ hôi và nước mắt.

Không có giáo trình nào, họ chỉ dạy con bằng chính kinh nghiệm sống, những trải nghiệm từ cuộc đời mình.

Những bài học hay

Tuy có mức thu nhập cao nhưng chị Lê Thị Kim Sa, chủ cửa hàng hoa trên đường Thành Thái (Q.10, TP.HCM), vẫn rất chặt chẽ trong việc chi tiêu. Chị khoán tiền tiêu vặt khi các con bước vào lớp 9. Thay vì bỏ tiền mua xe cho con chị khuyến khích con để dành tiền tự mua. Nhờ vậy mà cậu con trai Nguyễn Quốc Thái Dương (học sinh Trường THPT Nguyễn Du) luôn trân trọng chiếc xe đạp tự tậu từ năm lớp 8.

Mặc dù thắt chặt chi tiêu nhưng chị lại “mở cửa sau” bằng cách treo giải thưởng nếu các con đạt thành tích cao trong học tập. Chị kể cuộc đua heo đất thú vị của gia đình: năm người nuôi năm con heo đất. Cuối năm ai tiết kiệm được nhiều tiền nhất sẽ được thưởng thêm... tiền. Đồng thời vợ chồng chị cũng dạy các con kiếm tiền. “Thay vì thuê người ngoài, vợ chồng tôi khuyến khích các con phụ việc cơ khí hoặc giao hoa ngày lễ tết và trả lương đàng hoàng. Vừa dạy con đồng tiền được đổi từ mồ hôi, nước mắt của mình, vừa để các con học thêm một nghề tay trái” - chị chia sẻ.

Không khuyến khích con kiếm tiền sớm nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Hương (Trung tâm Nghiên cứu nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh tại TP.HCM) vẫn có cách khéo léo dạy cô con gái cưng Trần Thương Thương biết trân trọng đồng tiền. Một trong những bài học đầu tiên là sự hi sinh. “Xa mẹ và con là thiệt thòi rất lớn với ba. Con thấy không, ba vất vả đi kiếm tiền ở xa, mỗi tuần chỉ được về với mẹ con mình một lần. Vậy nên mẹ con mình phải chi tiêu đúng mục đích” - chị thủ thỉ với con.

Chị tập cho Thương (lớp 11 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) xài tiền từ năm lớp 6. Thương phải tự xoay xở mọi chi tiêu cá nhân bằng khoản tiền mẹ khoán từ 20.000 đồng/tuần tăng dần lên đến 100.000 đồng/tháng. Sắp tới chị dự định khoán hẳn “lương” theo học kỳ hoặc năm học qua thẻ ATM đứng tên Thương, để con lập kế hoạch để dành và tự quản lý tài sản trong thời gian dài hơn.

Sống giản dị và biết chia sẻ

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Cơ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) bày tỏ: “Tôi quan niệm gia đình chỉ nên chu cấp đầy đủ nhu cầu thiết yếu chứ không để con cháu cầm một số tiền lớn trong tay. Tôi thường khuyên cháu mình bỏ ống heo toàn bộ tiền lì xì tết và tiền mừng sinh nhật để cuối năm gửi vào sổ tiết kiệm. Được gia đình định hướng, cô cháu lớn thỉnh thoảng làm từ thiện bằng các khoản tiết kiệm, chia sẻ phần nào may mắn của mình cho những người bất hạnh, thiếu thốn”.

Còn chị Hương, mẹ của Thương Thương, giãi bày: “Hầu như cha mẹ nào cũng muốn dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho con, nhưng nếu mình không cẩn thận thì đứa trẻ sẽ cảm thấy hiển nhiên có quyền được hưởng mọi đặc ân. Mặc dù vợ chồng tôi đủ khả năng để cho đứa con duy nhất mọi điều mà nó muốn, nhưng chúng tôi muốn để cháu sống giản dị và biết quý đồng tiền, chia sẻ những thứ mình có với những người khó khăn hơn”.

Chị thường dẫn con cùng đi siêu thị và phân tích, hướng dẫn con chọn các loại sản phẩm không quá đắt nhưng vẫn đạt chất lượng, bảo đảm sức khỏe. Dần dần Thương tỏ ra rất cân nhắc giữa chất lượng và giá cả khi chọn mua mọi thứ. Chị kể dù được đi nước ngoài nhiều lần nhưng Thương vẫn không bao giờ thèm... ngó các loại đồ hiệu đắt tiền. Và Thương cũng chưa từng xài hết số tiền ba mẹ đưa trước khi đi.

“Một trong những điều khiến chúng tôi thấy vui nhất là con không tự đặt mình vào tầng lớp giàu có, vẫn thoải mái khi ngồi quán cóc vỉa hè và tự tin leo lên chiếc xe cũ của ba... Bài học mà ngày nhỏ mẹ tôi đã răn dạy “một người biết lo bằng một kho người biết làm” vẫn theo tôi đến bây giờ” - chị nói.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.