Đừng biến của công thành... của ông: Chớ có nhập nhằng!

05/01/2017 10:32 GMT+7

Bài viết Đừng biến của công thành... của ông! trên Thanh Niên số phát hành ngày 4.1 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

Phân biệt đối xử
Vô bệnh viện (BV) có khám dịch vụ và khám thường sẽ thấy rõ sự phân hóa giàu nghèo, phân biệt đối xử. Tôi từng thử khám dịch vụ và khám thường ở một BV tại Q.3 (TP.HCM), thấy chất lượng cũng như nhau, chỉ khác chăng là khám dịch vụ phải đóng tiền cao hơn, nhanh hơn khám thường. Nên chăng, đã là BV công thì đừng có dịch vụ, có xã hội hóa… Ai giàu thì đến BV tư, BV xã hội hóa, ai ít tiền thì đến BV công. Ở BV công, ai cũng được đối xử như nhau, bình đẳng, không phân biệt người ít tiền và người nhiều tiền. Như vậy có lẽ sẽ tốt đẹp hơn.
Trịnh Thu Thảo
(Q.Tân Phú, TP.HCM)
Ai được lợi ?
BV công phải tuân thủ những quy định về mua sắm trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, như bài viết phản ánh, vẫn còn tồn tại nhiều BV cho đặt thiết bị, máy móc y tế hiện đại không có đề án và BV phải chi trả những khoản tiền lớn cho việc vận hành máy móc, thiết bị này. Ai sẽ có lợi trong việc này? Bệnh nhân hay một nhóm lợi ích nào đó? Rõ ràng, ở đây có sự cấu kết giữa lãnh đạo BV với đơn vị cung cấp trang thiết bị hiện đại. Bệnh nhân muốn sử dụng trang thiết bị hiện đại đó phải trả phí cao, trong khi BV vẫn lấy ngân sách để trả cho việc vận hành máy móc, thiết bị. Tiền chỉ chảy vào túi một nhóm người. Phải ngăn chặn, xử phạt hành vi này.
Vũ Tuấn Hải
(Q.7, TP.HCM)
Bệnh viện cần lưu tâm
Vào các BV ở TP.HCM hiện nay, người bệnh, thân nhân được phục vụ tốt hơn ở khâu giữ xe và căn tin. Lý do là BV đã cho tư nhân đấu thầu các dịch vụ này. Được phục vụ tốt đồng nghĩa với việc người được phục vụ phải móc hầu bao nhiều hơn cho các dịch vụ ấy. Và tất nhiên, với người nghèo, gia cảnh còn khó khăn thì vào BV sẽ khó khăn thêm. Đó cũng là lý do mà người nghèo ở BV luôn mong chờ các phần cơm, cháo từ thiện của các tổ chức thiện nguyện để đỡ một phần chi tiêu. Đây là một trong những vấn đề mà các BV nên lưu tâm khi xã hội hóa nhà giữ xe, căn tin cùng các dịch vụ khác.
Huỳnh Thanh Điền
(Q.7, TP.HCM)
Tách bạch công tư
BV công do nhà nước bỏ kinh phí để đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất. Tiền của nhà nước là tiền của dân. Mục đích của BV công là phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.
Vì thế, không thể có chuyện dịch vụ trong BV công được. Các BV muốn tổ chức khám chữa bệnh theo yêu cầu, có phòng, khoa dịch vụ thì tự bỏ vốn, thuê đất của BV để hình thành khu vực riêng. Đừng nhập nhằng công tư, lấy của công để tư lợi cho bản thân hay của một nhóm người có chức vụ, quyền hạn trong BV.
Trần Trọng Vĩnh
(TP.Châu Đốc, An Giang)
Huỳnh Duy Hiệu
BV cho đầu tư thiết bị máy móc, sau đó vẫn cứ chia cho nhà đầu tư. Kiểu làm ăn có lợi cho nhà đầu tư này thực chất là có lợi cho một nhóm người trong BV chứ không phải mọi cán bộ, nhân viên của BV được hưởng lợi. Đây là điều khá nguy hiểm. Tồn tại một nhóm lợi ích trong BV sẽ khiến không chỉ bệnh nhân chịu thiệt mà cán bộ, công nhân viên của BV cũng bức xúc, ảnh hưởng đến chất lượng công việc của họ trong khám, chữa bệnh cho người dân.
Huỳnh Duy Hiệu 
(Q.8, TP.HCM)
Nguyễn Khánh Dũng
Bộ Y tế cần có quy định nhằm tách bạch công - tư trong các BV công. BV công là công, BV tư là tư, không có chuyện tư trong công. Đây là điều mà nhiều bệnh nhân và báo chí phản ánh, yêu cầu nên chấm dứt sớm. Bảo hiểm y tế có lẽ cũng nên tham gia tích cực trong việc bảo vệ những bệnh nhân khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại các BV công nhằm bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân, khi BV có dấu hiệu đẩy bệnh nhân sang khám, chữa bệnh dịch vụ.
Nguyễn Khánh Dũng 
(Q.6, TP.HCM)
T.T - Duy Khang
 (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.