Đừng 'kiếm ăn' từ gia đình chính sách

19/07/2016 09:02 GMT+7

Gần đến ngày Thương binh liệt sĩ (27.7), một số đơn vị đã bày vẽ nhiều cách để “kiếm ăn” từ gia đình chính sách và người có công với cách mạng.

Phát biểu tại buổi họp do UBND tỉnh Long An tổ chức chiều 15.7, ông Hoa Thanh Niên, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Long An, thừa nhận Sở đã có sai sót khi giới thiệu Công ty TNHH phát triển công nghệ ảnh kỹ thuật số Ngọc Mai (Công ty Ngọc Mai - ở P.Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội) xuống các xã để làm bảng vàng “Mãi mãi ghi danh người có công với cách mạng”.
Theo ông Niên, mặc dù hiện nay việc làm này đã tạm dừng nhưng lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu phải tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Trước đó, Công ty Ngọc Mai được giới thiệu về các địa phương để “phối hợp” với chính quyền mời gia đình có công và đối tượng chính sách tới trụ sở xã, phường, thị trấn để làm “sổ vàng tri ân”. Theo đó, công ty này sẽ làm cho mỗi xã, phường… một album miễn phí để lưu giữ hình ảnh và thông tin về mẹ VN anh hùng, người có công với cách mạng trên địa bàn.
Nhưng rồi người có công còn được gợi ý làm thêm bảng vàng “Mãi mãi ghi danh người có công với cách mạng” với nội dung: “Người có công với cách mạng là vốn quý của đất nước, là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội”, với giá 250.000 đồng và 350.000 đồng, tùy kích thước khung nhỏ hoặc lớn. Điều đáng nói, đây là mẫu do công ty trên tự đặt ra và không có cơ quan nào chứng nhận, ký tên, đóng dấu.
Đến nay, Sở LĐ-TB-XH Long An đã tổ chức xác minh được 453 trường hợp tại 47 xã thuộc 5 huyện đã làm bảng vàng ghi danh, việc xác minh vẫn còn đang tiếp tục.
Tương tự, tại Tiền Giang, ngày 2.7 vừa qua, UBND H.Châu Thành cũng đã ký công văn khẩn yêu cầu “tạm ngưng tặng quà và lập sổ vàng truyền thống vinh danh mẹ VN anh hùng trên địa bàn huyện”.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất gia công may mặc Tường Vy (gọi tắt Công ty Tường Vy, ở P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM) ký văn bản gửi Phòng LĐ-TB-XH và UBND H.Châu Thành, xin “gửi tặng mỗi bà mẹ VN anh hùng trên địa bàn huyện một phần quà trị giá 500.000 đồng”, đồng thời “xin làm tặng sổ truyền thống vinh danh mẹ VN anh hùng, liệt sĩ và người có công tặng cho mỗi xã, thị trấn một cuốn để lưu lại hình ảnh người có công với đất nước VN ta”.
Ngày 20.6, ông Lý Hoàng Chiêu, Phó chủ tịch UBND huyện ký văn bản “chấp thuận” rồi Phòng LĐ-TB-XH huyện có văn bản gửi đến 23 xã, phường, thị trấn yêu cầu “phối hợp, phân công cán bộ hỗ trợ, tạo điều kiện để Công ty Tường Vy hoàn thành nhiệm vụ”.
Vẫn chưa yên tâm với các văn bản “chỉ đạo” nói trên, Công ty Tường Vy còn thảo sẵn mẫu “giấy xác nhận hoàn thành tốt việc chụp hình làm sổ vinh danh người có công” để trưởng ấp ký tên xác nhận: “Trong quá trình làm việc tại ấp không xảy ra bất cứ vấn đề gì sai trái. Việc đăng ký làm bức hình riêng làm kỷ niệm là hoàn toàn tự nguyện của từng đối tượng”.
Thế là chỉ riêng tại xã Kim Sơn đã có 615 người hưởng chính sách, bao gồm gia đình có mẹ VN anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh, người có công giúp đỡ cách mạng, người được thưởng huân, huy chương… được mời tới trụ sở các ấp để “dự hội nghị chụp ảnh, lập sổ vàng”. Thư mời này còn lưu ý: “Cá nhân có nhu cầu in ấn, phục chế ảnh cũ, công ty phục vụ trên tinh thần tự nguyện, giá thỏa thuận”. Nhưng khi tới “dự hội nghị chụp ảnh”, Công ty Tường Vy gợi ý làm bảng “Mãi mãi ghi danh người có công với cách mạng”, “Mãi mãi ghi danh gia đình liệt sĩ” và “Mãi mãi ghi danh anh hùng, liệt sĩ” (mẫu giống như ở Long An) với giá từ 250.000 - 350.000 đồng. Bị người dân phản ứng, UBND huyện mới ra văn bản khẩn yêu cầu “tạm ngưng” như đã nói trên.
Chiều 17.7, PV Thanh Niên đến số 33 Trần Hưng Đạo (tổ 4, KP.2, P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM) - nơi Công ty Tường Vy đăng ký trên giấy tờ pháp lý, thì thấy đây chỉ là căn nhà cấp 4, hằng ngày nhận giữ xe máy cho những người đi mua thức ăn tại chợ Kiến Thiết. Theo bà N.T.H (chủ căn nhà trên), cách đây 2 năm, ông Nguyễn Văn Dần (người quen cùng quê Hải Phòng với bà H.) xin mượn địa chỉ nhà bà để đăng ký Công ty Tường Vy.
Thời gian đầu, ông Dần cũng nhận may mặc trang phục cho các cựu chiến binh, do làm ăn thua lỗ thời gian gần đây nên chuyển sang làm ảnh cho người có công với cách mạng tại nhiều tỉnh, thành. Bà H. cho biết: “Dần mượn địa chỉ nhà tôi để đăng ký công ty chứ không hoạt động ở đây, nó đi chụp, chỉnh sửa ảnh ở các tỉnh miền Tây chứ không về đây. Gia đình tôi cũng nhiều lần nói nó dời địa chỉ công ty đi nơi khác chứ có nhiều người gọi điện đến phiền phức lắm”.
Tại Hà Nội, khi chúng tôi tìm đến trụ sở Công ty TNHH phát triển công nghệ ảnh kỹ thuật số Ngọc Mai thì vẫn thấy treo bảng hiệu công ty, nhưng cửa ngôi nhà này khóa, không có ai để tiếp xúc.
Công Nguyên - Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.