Giải mã hành vi 'kỳ lạ' tên cướp trả lại giỏ xách cho nữ nạn nhân

14/12/2016 13:34 GMT+7

Chỉ vài phút sau khi giật giỏ xách của chị L., tên cướp đã quay lại và gửi nguyên túi xách không “mẻ một đồng” cho bảo vệ và kêu trả lại cho nạn nhân. Nhiều bạn đọc đánh giá trường hợp này rất kỳ lạ.

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 12.12 trong lúc từ chung cư ra xe ô tô để đưa con đi học, chị L. (37 tuổi, ngụ chung cư Bến Vân Đồn, P.1, Q.4, TP.HCM) bất ngờ bị một thanh niên đi xe máy ngược chiều giật giỏ xách.
Một lúc sau khi chị Linh rời đi, tên cướp quay lại đưa giỏ cho bảo vệ và thản nhiên nói: “Trả lại bảo vệ cái túi xách nè, đầy đủ hết, không mất gì cả”.
Trong câu chuyện của chị L., nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng có thể tên cướp đã nhận ra người quen nên trả lại hoặc có điều gì đó rất…kỳ lạ.
Tên cướp… "thực hành"
Trên fanpage Báo Thanh Niên, bạn đọc có nickname Van Ban Luu bình luận: “Có lẽ tay này đang… tập dượt thôi, chứ chưa có mần thiệt”. Bạn đọc Hạ Tử Bình cũng dí dỏm nói: “Chắc là thanh niên đang luyện tay nghề thôi hoặc giả là đi cướp vì đam mê chứ không có ham mấy thứ vật chất xa hoa”.
Khu vực trước chung cư 331 Bến Vân Đồn, nơi chị L. bị cướp Ảnh: N.L
Nhiều ý kiến khác cũng nhận định có thể do nhận ra là người quen nên tên cướp đã “tốt bụng” trả lại. Bạn đọc Phạm Hùng (ngụ quận Gò Vấp) cho rằng có thể xảy ra 4 trường hợp: nạn nhân là người quen biết với tên cướp, chê ít tiền, do cá cược hoặc tên cướp bị bệnh hoang tưởng.
Trong khi đó nhiều độc giả cũng suy nghĩ khách quan hơn rằng có thể do tên cướp giật giỏ xách của chị L. nhưng một “hiệp sĩ” nào đó tóm được và mang túi xách đến trả lại.
Cướp xong trả lại vẫn phạm tội
Luật sư (LS) Lê Ngọc Phụng (Đoàn LS TP.HCM) cho biết Cướp giật tài sản là hành vi công khai, nhanh chóng giật tài sản trong tay người khác hoặc đang trong sự quản lý của họ rồi tẩu thoát mà không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực.
Nhiều bạn đọc nêu ý kiến trên trang báo Thanh Niên Ảnh chụp màn hình
“Vậy ngay khi giật được tài sản thì tội phạm đã hoàn thành, trong trường hợp người phạm tội tự nguyện trả lại tài sản thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, việc trả lại tài sản chỉ là căn cứ để xem xét giảm nhẹ hình phạt”, LS Phụng nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP. Hà Nội) giải thích rằng tội cướp giật tài sản là tội cấu thành hình thức, nghĩa là thực hiện hành vi cướp giật đã cấu thành tội. Còn việc trả lại tài sản chỉ được xem như tình tiết giảm nhẹ và vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo LS Quynh, trường hợp này các cơ quan chức năng sẽ chứng minh tội phạm và xem xét có khởi tố hay không.
“Theo tôi tội cướp là phải khởi tố, không thể có chuyện cướp xong trả lại là xem như chưa có chuyện gì”, LS Quynh nói.
Điều 136. Tội cướp giật tài sản (BLHS năm 1999)
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
h) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.