Kỳ vương 19 tuổi

08/01/2010 09:30 GMT+7

(TNTT>) Đầu năm 2010, làng cờ thế giới chấn động bởi việc kỳ thủ 19 tuổi Magnus Carlsen (Na Uy) đã lập kỷ lục mới: Anh là người trẻ nhất có elo cao nhất thế giới (2.810). Kinh ngạc hơn vì Magnus Carlsen chỉ vừa “bái sư” huyền thoại Garry Kasparov, người đang giữ kỷ lục thế giới với tư cách là VĐV có elo cao nhất mọi thời đại (2.849), vào ngày 7.9.2009.

Mozart của cờ vua

Carlsen sinh ngày 30.11.1990 tại Lommedalen, Bærum, gần thủ đô Oslo, Na Uy (theo cách tính ở nước ngoài – không tính tuổi mụ, Carlsen năm nay mới 19 tuổi). Carlsen được cha là một kỹ sư máy tính truyền cho cảm hứng chơi cờ từ năm lên 8 tuổi. Thời điểm đó, Carlsen được Đại kiện tướng quốc tế Simen Agdestein, kỳ thủ được xem là xuất sắc nhất làng cờ Na Uy, huấn luyện tại trường thể thao Na Uy và khởi đầu của Carlsen cũng không có gì xuất sắc.

Có một phát hiện thú vị: Carlsen bằng tuổi với kỳ thủ số 2 của Việt Nam Nguyễn Ngọc Trường Sơn. Năm 2000, Trường Sơn đã làm rạng danh Việt Nam với chức VĐ U.10 thế giới. Khi ấy, chẳng ai biết đến Carlsen. Lê Quang Liêm, kỳ thủ số 1 Việt Nam, kể lại một câu chuyện thú vị khác: Năm 2002, tại giải U.12 thế giới tổ chức ở Hy Lạp, Carlsen đứng vị trí thứ 2. Lần đó, nhiều người ngạc nhiên và đặt câu hỏi “thằng nhóc” này ở đâu “chui ra”? Bởi ở giải đó, trong mấy ván đầu, Carlsen đánh không tốt, lặn ngụp ở nhóm dưới...

Thế mà ngày 26.4.2004, lúc mới 13 tuổi 4 tháng 27 ngày; Carlsen đã được phong danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế trẻ thứ 3 trong lịch sử. Cùng năm này, Carlsen đã gây chấn động bằng việc thủ hòa Kasparov trong 1 ván đấu cờ nhanh. Đến năm 2006, cựu VĐTG Viswanathan Anand tiếp tục là bại tướng dưới tay  Carlsen. Bởi những chiến công “kinh hoàng” ấy, Washington Post đã gọi Carlsen là “Mozart của cờ vua”. Nhờ đó, Microsoft  bắt đầu chú ý Carlsen và quyết tâm tài trợ chàng trai này thành công.

Carlsen (trái) điềm đạm trong một ván đấu
Carlsen (trái) điềm đạm trong một ván đấu

Bái sư Kasparov

Ngày 27.9.2009, Kasparov chính thức trở thành “sư phụ” của Carlsen theo hợp đồng kéo dài đến hết năm 2010; mục tiêu là Carlsen phải trở thành kỳ thủ số 1 thế giới. Việc “thiên tài” phải đi học hỏi “huyền thoại” cũng có nhiều điều khác người thường: Carlsen ví  “sư phụ” mình là “chiếc máy laptop nổi tiếng nhất” với phương pháp làm việc cởi mở và phản biện liên tục. Những ngày đầu, năng lượng làm việc đặc biệt của Kasparov đã làm Carlsen choáng váng: “Tôi không thể không kiệt sức vào cuối các buổi làm việc cùng ông”.

Cuộc phỏng vấn của Time dành cho Carlsen đã chứng minh hai điều: Carlsen chọn lối đánh thực dụng và đã đạt đến đẳng cấp đi nước cờ bằng sự phán đoán và linh cảm. Huyền thoại Kasparov phải khen ngợi: “Carlsen làm biến đổi cờ vua vốn đang cằn cỏi vì tuổi tác”. Nhiều người đặt thẳng câu hỏi cho Carlsen: “Kasparov đến với anh có phải vì tiền không?”. Carlsen điềm đạm trả lời: “Cứ hỏi thẳng ông ta câu này. Nhưng có một động lực khác mà tôi hiểu: “Ông muốn tạo ra di sản kế thừa cho cờ vua hiện đại, tạo ra một nhà vô địch như ông chẳng hạn”.

Và ở tuổi 19, Carlsen đang nỗ lực để chứng minh cho cái động lực “muốn tạo ra di sản kế thừa cho cờ vua hiện đại” của “sư phụ” mình. Chắc làng cờ thế giới sẽ không phải chờ đợi lâu. 

Cuộc phỏng vấn đặc biệt của Time

Ngay khi Carlsen bước lên đỉnh vinh quang, tạp chí TIME đã thực hiện một cuộc phỏng vấn anh. Hãy xem bản lĩnh Carlsen qua cuộc đối thoại đặc biệt này:

Khi đã là số 1 thế giới, anh có cảm thấy kiêu hãnh với việc thông minh hơn 40.000 người khác không? (40.000 là số lượng kỳ thủ có hệ số elo do LĐ cờ vua thế giới – FIDE chứng nhận).

Tôi cố gắng cho mọi người biết tôi cũng như họ. Tôi chơi cờ giỏi nhưng cũng chỉ là một người bình thường.

Anh có thể tính trước bao nhiêu nước đi trong đầu?

Khoảng 15 - 20 nước. Nhưng bí quyết này không quan trọng bằng việc tìm ra đâu là nước đi chính xác nhất.

HLV Kasparov của anh có nói: “Sức mạnh của Carlsen không phải là tính toán mà là trực quan tìm ra nước đi chính xác nhất, thậm chí khi ấy mục tiêu của anh ta cũng chưa có gì rõ ràng”. Có phải vậy không?

Khả năng phán đoán của tôi phát triển tự nhiên. Rất khó giải thích điều này. Đôi lúc, bạn phải chọn nước đi cho mình bằng linh cảm.

Kasparov có hay nói với anh về chuyện ngoài chuyên môn không? Quan điểm chính trị chống Putin của ông ấy chẳng hạn?

Ông ta là HLV cờ của tôi. Tôi không liên quan gì đến chính trị.

Đại kiện tướng quốc tế Nigel Short đã nói rằng máy tính giỏi hơn con người, vì đó đã làm mất đi những bí ẩn và sự tinh diệu của cờ vua. Ông ta ví chuyện này như “lấy cưa xích vào rừng phá hết bí ẩn về Amazon”. Anh nghĩ sao về điều đó?

Tôi hiểu quan điểm của Short. Nhưng con người vẫn là con người. Tôi không sợ máy tính làm mất đi trí tưởng tượng của tôi.

Anh thích 1 ván cờ mang tính chiến đấu hay tính nghệ thuật?

Tính chiến đấu. Tôi luôn cố gắng đánh bại người ngồi đối diện và chọn cho mình những nước đi làm anh ta khó chịu, trái hẳn phong cách của anh ta. Tất nhiên, những ván cờ đẹp đều mang tính nghệ thuật nhưng đó không phải là mục tiêu của tôi.

Anh giải thích thế nào về làng cờ ngày càng vắng bóng các bóng hồng mang đẳng cấp và elo cao ngất?

Nữ hoàng Judit Polgar từng lọt vào top 10 thế giới của nam. Nhưng tôi không hiểu tại sao bây giờ không có thêm nhiều nhân vật nữ như vậy.

Cờ vua từng sản sinh những bậc kỳ tài như Paul Morphy và Bobby Fischer. Rồi cả 2 đã qua đời vì bệnh điên. Anh có sợ tài năng đặc biệt của mình sẽ làm anh mất trí không?

Khó nói trước tương lai nhưng không có gì để làm tôi điên loạn. Không phủ nhận những ván đấu dễ ám ảnh con người. Nhưng tôi không bị chúng ám ảnh như đã từng xảy ra với Fischer. Tôi yêu cờ, thích sự cạnh tranh và chiến thắng cả sự ám ảnh của chúng.

Hiếu Dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.