Mủ trôm trị táo bón

13/11/2009 09:35 GMT+7

(TNTT>) Mủ trôm (nhựa từ cây trôm) gần đây được bán nhiều tại các siêu thị dưới dạng nguyên liệu làm nước giải khát. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, mủ trôm là thuốc, không thể sử dụng bừa bãi. Mủ trôm hút nước mạnh, có tính trương nở cao, nếu không ngâm đủ nước, khi vào bụng sẽ gây tắc ruột dễ dẫn tới tử vong.

Cây trôm tên khoa học là sterculiia foetida. Lá làm thức ăn cho gia súc. Gỗ có vị thuốc phòng chống sâu đục thân, mối mọt. Mủ trôm vị ngọt, tính mát, có nhiều vi lượng, hàm lượng khoáng chất cao như: ma-giê 102mg, ka-li 360mg, kẽm 45-50mg/lít chữa trị các bệnh về tiêu hóa rất hiệu quả, đặc biệt là chứng táo bón.

- Trị táo bón, kiết lỵ, xơ gan, mụn nhọt nhờ mủ trôm có hợp chất polysaccaride phân tử cao, đem thủy phân chiết xuất được đường D-galactose, L. Rhamnose, acid D-galacturomic, đồng thời còn tìm thấy một số chất chuyển hóa khác như: acetylate, trimethylamin. Lấy 100gr mủ trôm ngâm trong 0,5 lít nước đun sôi, thêm 10gr đường cát làm thức uống. Sử dụng ngày 2 lần, liên tục 7 ngày.

- Đại tràng luôn táo bón (đối với người cao tuổi), đi ngoài khó, đau hậu môn, tiểu gắt: Sử dụng 150gr mủ trôm, 10gr đường phèn, ăn 3 lần/ngày. Mủ trôm có tác dụng làm trương nở, gây kích thích nhu động ruột sẽ giúp đẩy phân ra nhanh (nhuận tràng). Ngoài ra, mủ trôm cũng giúp điều hòa đường huyết, ổn định huyết áp, mát gan, giải độc tố, giảm mỡ trong gan.

- Ngoài ra, mủ trôm có thể làm keo dính theo cách sau: 50gr mủ hòa tan với 50ml nước lạnh, sau 15 phút sẽ trở nên đặc dính, dùng dán đế giày, cây gỗ, tranh dán. Làm keo công nghệ y dược, viên nang thuốc tây y.

Lưu ý, nên chọn mua mủ trôm có nguồn gốc, thương hiệu rõ ràng, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng (thời gian ngâm bao lâu thì đạt hiệu quả). Phụ nữ thai nghén, đang cho con bú, người bị u bướu đường ruột đang trị tây dược không nên dùng.

Lương y Dương Tấn Hưng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.