Thời cơ của bố già

30/09/2009 10:06 GMT+7

(TNTT>) Ít ai ngờ thảm kịch động đất ở Kobe, Nhật Bản năm 1995 lại là cơ hội cho bố già Yoshinori Watanabe củng cố tài chính và tổ chức để đưa tập đoàn Mafia Yamaguchi-Gumi trở thành một thế lực trong thế giới ngầm.

Náu mình trong pháo đài heo hút giữa ngọn đồi trông ra vịnh, bố già Yoshinori Watanabe đang nghiên cứu tấm bản đồ Kobe. Ở đây đã đủ các yếu tố để thủ lãnh Yamaguchi-Gumi lấy lại niềm tin. Các “cánh quân” của ông ta đã được triển khai. Tài lực và tiền mặt cũng đã sẵn sàng. Những cú điện thoại nối với hàng ngũ quan chức Kobe đang liên thông cả ngày lẫn đêm. Tập đoàn mafia Nhật của ông ta bắt đầu hỗ trợ chiến dịch Phượng hoàng của chính phủ: cấp cứu, ổn định và tái thiết Kobe sau thảm kịch.

Động đất trong lòng Yamaguchi-Gumi

Khi những chấn động 7 độ richter bắt đầu tàn phá Kobe thì nhánh Yakuza (từ để gọi mafia Nhật) khu vực này cũng đang trên bờ vực sụp đổ tựa số phận thành phố. Từ năm 1981, sau cái chết của thủ lĩnh Gấu Taoka, nhân vật đứng đầu thế giới ngầm ở Nhật suốt 35 năm, Yamaguchi-Gumi đã mất quyền kiểm soát cảng Kobe. Các nhóm ly khai hình thành trong nội bộ đẻ ra hai cuộc thanh trừng, chịu hàng loạt vụ bắt bớ, kể cả thủ lĩnh kế nhiệm Taoka cũng xộ khám rồi qua đời. Bấn đến nỗi bà quả phụ Taoka phải thân chinh lãnh đạo. Quyền lực chuyển sang Tanaka rồi Nakanishi cũng chẳng khá hơn. Một người bị ám sát, một người tra tay vào còng cảnh sát liên bang Mỹ. Cơn suy thoái của thế giới ngầm càng tệ hại khi giới chủ nhà băng trở mặt cúp nguồn vốn vay. Họ không những chẳng chịu chi tiền bảo kê mà còn đòi cho được các món nợ cũ. Yamaguchi-Gumi tung đòn trả thù như đặt bom ám sát không ăn thua gì vì giới ngân hàng đã đứng lại với nhau sau luật chống Yakuza được biểu quyết năm 1992, nhất định “xù” tiền cống nạp. Lực lượng an ninh “cầm luật” mở các cuộc hành quân càn quét. Không ít Yakuza chịu không thấu phải ra đầu thú. Có người muốn hoàn lương phải bí mật nhờ giải phẫu thẩm mỹ ghép ngón chân thay ngón tay đã từng bị thủ lĩnh chặt đứt theo luật xử nội bộ. Dư chấn nhỏ đã thành chấn động lớn khiến Yakuza vùng cảng sẵn sàng sụp đổ bất cứ lúc nào giữa lúc quyền lực đến tay bố già. May cho Watanabe, ngày 17-1-1995, đất chuyển ở Kobe!

Các "hiệp sĩ" bất đắc dĩ

 Động đất ở Kobe năm 1995

Động đất ở Kobe năm 1995

Gần 6.000 người bỏ mạng. Thành phố tan hoang, ngổn ngang gạch ngói. Những hố rộng toang hoác cắt nát các cao ốc để lại lỏi chỏi những cột bê tông xám xịt. 20.000 thị dân mất nhà chen chúc trong các khu lều bạt tiền chế tạm bợ. Việc dọn dẹp và công cuộc tái thiết thành phố nằm cả trong phương án Phượng hoàng của chính phủ với tổng chi phí 840 tỉ franc. 2 đến 3% số tiền khổng lồ đó, tức khoảng 17 đến 25 tỉ franc là mục tiêu mà mafia ở Kobe nhắm đến. 13.000 thành viên của Yamaguchi-Gumi đã có mặt chờ hiệu lệnh của bố già Yoshinori Watanabe. Phố xá bắt đầu xuất hiện những nhóm người ăn mặc kiểu cách, tóc hơi xoăn, luôn đeo kính râm. Dân Kobe hạ thấp giọng khi nói về họ. Trận động đất đã giúp các “yasan" (ngài Yakuza) của Yamaguchi-Gumi chiếm uy tín trong dân chúng qua khả năng tổ chức. Chỉ vài giờ sau thảm kịch, các bãi đậu xe rộng lớn bao quanh dinh cơ bố già đã biến thành trung tâm cứu tế. Những ngày kế tiếp, trong lúc nhà chức trách đang loay hoay như gà mắc tóc thì các Yakuza vùng cảng này đã thiết lập xong hệ thống gian hàng để phân phối hàng chục ngàn khẩu phần mì và những chồng mùng mền, quần áo đến các nạn nhân. Họ mướn xe buýt đưa viên chức, công nhân tới sở làm, trẻ em đến trường học tạm. Một số tay chân thân tín được bố già cử đi liên hệ các tổ chức nhân đạo trong vai trò “hiệp sĩ” hỗ trợ tiền bạc vật lực cho quỹ từ thiện. Những Yakuza khác tỏa đi thăm hỏi cư dân trong những ngôi nhà bị thiệt hại nặng nhất. Tất cả đều có mục đích. Hoặc để cho vay tiền với lãi nhẹ, hoặc đề nghị mua thẳng mảnh đất ấy bằng tiền mặt. Có người từ chối, nhưng đa phần nhượng bộ vì tiền đâu để họ trang trải cuộc sống lẫn mướn chỗ ở mới. Tòa thị chính Kobe hứa bồi thường. Nhưng biết chờ đến bao giờ? Bồi thường ra sao? Trong khi lúc nào cũng sẵn có người túi đầy giấy bạc chìa tay mỉm cười. Phi vụ đầu tư địa ốc kiểu gia ơn này giá quá hời (từ 30% đến 70% so với giá thị trường trước thảm kịch 17-1). Với bố già Watanabe đó mới chỉ là món tráng miệng...

Mùa bội thu

 
Đầu óc Yoshinori Watanabe còn nhiều nước đi khác. Ông ta cung cấp cho phương án Phượng hoàng của chính quyền vật tư xây dựng, thầu công trình hoặc sang tay để ăn huê hồng và hỗ trợ lực lượng công nhân. Cách Kobe một giờ ô-tô, Watanabe khoanh vùng kiểm soát khu Kamagasaki, nơi tạm trú của hàng chục ngàn con người đang khao khát việc làm. Với các chủ thầu, bố già đặt ra nguyên tắc ai xây dựng trên “lãnh địa” của Yakuza phải chịu một khoản phí. Nếu bất phục các xe tải sẽ bị chặn ở lối vào công trường, trang thiết bị “tự nhiên hư hỏng”, nhân công “bỗng nhiên” bỏ việc. Thế là người ta cứ lẳng lặng nộp tiền mà không dám hé răng. 6 năm sau, khi một Kobe tái sinh dần hình thành, cơn sốt đất đai lại là cú địa chấn mới và bố già Watanabe, với các cơ ngơi thâu tóm, nghiễm nhiên trở thành một đại tài phiệt thế lực.

Bước vào tuổi 64, Watanabe thoái vị nhường quyền lực cho Kenichi Shinoda trong một buổi lễ đẫm nước mắt. Yakuza vẫn là một tổ chức bán hợp pháp ở Nhật nên người ta biết tỏng Watanabe âm thầm điều hành công việc kinh doanh phần nửa công khai hợp pháp ngoài ánh sáng của Yamaguchi-Gumi để từ Nhật vươn vòi bạch tuộc ra châu Á, tỏa đến cả Mỹ lẫn châu u. Lợi nhuận thu được từ các công trình xây dựng Kobe ngày ấy đến nay đã thành siêu khổng lồ. Chúng được bố già mang đầu tư công khai vào các khu liên hợp buôn bán, địa ốc, học viện và cả thể thao. Tiền cũng chảy đi góp vốn ở các công ty hợp pháp thuộc nhiều ngành nghề khác. Watanabe từng rót 255 triệu USD thu gom cổ phiếu của Tokyo Kyuko Electric Railway để bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán Nhật và thế giới. Đó chỉ là miếng bánh lợi nhuận nhỏ có chịu thuế. Tảng bánh vĩ đại hơn là lượng tiền đổ vào các công nghiệp đen của thế giới ngầm, những phi vụ và ngành nghề làm ăn trong bóng tối đem lợi nhanh và nhiều gấp hàng chục lần ngành nghề hợp pháp. Chúng là công nghiệp tình dục, buôn bán phụ nữ, bài bạc. Chân rết của bố già Watanabe đang kín đáo bảo kê hàng chục phố đèn đỏ ở nhiều quốc gia, làm chủ những đường dây buôn người từ Nhật sang u-Mỹ và ngược lại. Thoạt trông vào, kiểu làm ăn giết chóc như những tay anh chị xưa dường như không còn tồn tại ở thế giới do bố già Watanabe chi phối. Nhưng thực ra đó chỉ là ban ngày. Còn khi đêm về, vẫn có những nạn nhân nghe đến tên Yakuza cũng thảng thốt như nghe các dư chấn từ lòng đất Kobe năm nào.

La Nghi
(Theo Figaro Magazine)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.