Giật mình bị nhà mạng qua mặt: Móc túi trắng trợn!

07/10/2016 08:06 GMT+7

Đó là ý kiến rất nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Giật mình bị nhà mạng qua mặt đăng trên Thanh Niên ngày 6.10.

Kiểu làm ăn gì lạ vậy ?
Hàng chục triệu thuê bao điện thoại di động đang phải đau đầu và hết sức bất bình với nạn móc túi trắng trợn của các nhà mạng, khi tự ý “nhảy” vào điện thoại của thuê bao, rồi tự trừ tiền của họ. Tôi cho rằng đây là kiểu làm ăn kỳ lạ nhất không tồn tại nơi đâu trên thế giới này. Mỗi năm tự nhiên móc túi của thuê bao hàng chục ngàn tỉ đồng như vậy nhưng không hiểu tại sao lại không bị xử lý?
Ngọc Thiên
(TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Cùng nhau khởi kiện
Theo tôi, để chấm dứt tình trạng móc túi kiểu này của các nhà mạng, chúng ta phải cùng nhau khởi kiện. Một khi đồng loạt lên tiếng, là để bảo vệ mình, đồng thời không để các nhà mạng tùy tiện như vậy, thì sẽ không còn cảnh các nhà mạng cài đặt sẵn các dịch vụ vào sim điện thoại, hoặc ngày nào các loại tin dịch vụ cũng cứ nhảy vào gài bẫy khách hàng.
Mặt khác, đề nghị cơ quan quản lý phải chấn chỉnh và xử phạt thật nặng (nếu cần thì điều tra số tiền các nhà mạng “ăn” của khách hàng là bao nhiêu, thủ thuật như thế nào) để xử lý, có thể cả xử lý hình sự. Không thể để hoài như vậy được!
Xuân Ân
(H.Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu)
Lỗi do nhà mạng
Đa số các dịch vụ đều do nhà mạng kết hợp với các đầu số rồi tự động cài đặt cho các thuê bao (ngoại trừ dịch vụ đăng ký cuộc gọi nhỡ, 3G, nhạc chờ là nhiều người chủ động đăng ký). Thông thường các đầu số sẽ gửi tin nhắn đến thuê bao điện thoại, chỉ cần người dùng đọc tin nhắn là dịch vụ đó được kích hoạt và phải trả tiền mỗi ngày. Các nhà mạng vịn vào lý do là khách hàng đã đọc tin nhắn và chấp nhận thì phải trả tiền. Tuy nhiên, ai cho phép nhà mạng gửi tin nhắn rác đó cho thuê bao? Đây rõ ràng là lỗi của nhà mạng.
Nguyễn Quốc Thanh
(Q.Bình Tân, TP.HCM)
Còn nhiều thuê bao bị móc túi
Những người hiểu biết về công nghệ, có đọc những bài báo như thế này thì sẽ kiểm tra, hủy dịch vụ bị tự động cài đặt. Còn bà con ở các vùng quê, người cao tuổi thì sao? Họ chẳng thể tự kiểm tra xem điện thoại mình có bị trừ tiền bởi những dịch vụ từ trên trời rơi xuống không, hết tiền gọi điện thoại thì mua thẻ cào nạp vào. Cứ thế, họ mãi mãi bị móc túi mà không hề hay biết.
Trần Vinh
(TP.Đồng Hới, Quảng Bình)
Cưỡng đoạt tài sản
Không chỉ một nhà mạng móc túi khách hàng mà có đến 3 nhà mạng lớn ở VN cùng làm việc đó. Theo tôi, hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Nhà mạng tự động gửi tin nhắn hoặc đường link bằng tin nhắn đến thuê bao. Chỉ cần thuê bao bấm vào tin nhắn, đường link là dịch vụ tự kích hoạt và thu tiền mà thuê bao không hay biết. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý hành vi vi phạm pháp luật của các nhà mạng.
Bùi Nguyễn Hoàng Lâm
(Nhơn Đức, H.Nhà Bè, TP.HCM)
Võ Thị Mận
Để kiểm tra thường xuyên thuê bao của mình trả phí bao nhiêu cho cuộc gọi nào, tin nhắn nào, dịch vụ gì... thì tốt nhất chủ các thuê bao nên đăng ký thành viên trên trang web của mạng điện thoại mình sử dụng. Mỗi tuần vào kiểm tra một lần các thông tin trên. Có như thế thì “túi tiền” của mình không dễ gì bị ai lấy mất.
Võ Thị Mận
 
(Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Đặng Hữu Cường
Hàng loạt công ty khai thác dịch vụ gia tăng trên ĐTDĐ. Bấy nhiêu thôi đủ thấy kinh doanh dịch vụ gia tăng là lĩnh vực béo bở, mang lại lợi nhuận quá cao. Nếu nhà mạng không chủ động tiếp tay cho các doanh nghiệp khai thác dịch vụ gia tăng, kiên quyết bảo vệ thuê bao của mình thì các thuê bao đâu phải chịu thiệt như vậy. Con số 20.000 tỉ đồng/năm mà các nhà mạng thu về từ túi của khách hàng cho thấy kiểu làm ăn không đàng hoàng, cần phải được chấn chỉnh ngay.
Đặng Hữu Cường
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.