Gương sáng biên cương: Vành đai thép phòng chống Covid-19

Khánh Hoan
Khánh Hoan
13/05/2021 11:16 GMT+7

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 xâm nhập đường biên những ngày này trở nên nóng bỏng. Ở vùng biên cương, cán bộ, chiến sĩ biên phòng vẫn đang ngày đêm căng sức thực thi nhiệm vụ ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng trên mặt trận phòng chống dịch bệnh.

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Lào, nhiều người Việt đang làm ăn ở nước này tìm về quê để tránh dịch bằng cách vượt biên trái phép. Để ngăn chặn dịch lây lan từ con đường này, Bộ đội biên phòng Nghệ An đang thiết lập “vành đai thép” bằng sức người để kiểm soát biên giới, những lối mòn trong rừng sâu.

Phong tỏa các lối mòn

Nắng rát da thịt, con đường lên núi dốc dựng đứng. Thượng tá Hoàng Văn Huy, Chính trị viên Đồn biên phòng Thông Thụ (đóng tại xã Thông Thụ, H.Quế Phong, Nghệ An) chỉ lên đỉnh núi cao sừng sững trước mặt, nói chốt số 4 ở trên đó. Chốt này được lập từ khi có dịch Covid-19 để kiểm soát, ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép bằng lối mòn trong rừng từ cột mốc 364 - 366. Sau hơn 1 giờ đồng hồ leo núi, thượng tá Huy và tôi tiếp cận được chốt. Đó là một căn nhà nhỏ thưng bằng ván gỗ và căn nhà lắp ghép bằng tôn, thép vừa mới được dựng lên. “Để dựng được căn nhà này, anh em phải vác từng thanh thép, tấm ván từ dưới chân núi lên”, thượng tá Huy nói.
Được điều động lên đây chốt chặn đường biên chống dịch Covid-19, thiếu tá Nguyễn Duy Thành đã có nhiều tháng bám trụ chốt. Chốt được lập từ tháng 3.2020, ban đầu chỉ là những tấm bạt quây lại làm chỗ trú ngụ cho 5 con người. Sau nhiều giờ lội rừng tuần tra, kiểm soát chặn người nhập cảnh trái phép, chỗ ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ đều ở trong cái lều bạt đó. Nước uống ban đầu phải đi xách từng can để nấu nướng, sinh hoạt. Sau khi tìm được nguồn nước cách đó gần 2 km, những người lính biên phòng này đã dùng đường ống để dẫn nước về chốt. Đến tháng 10.2020, khi xác định diễn biến dịch Covid-19 sẽ tiếp tục kéo dài, căn nhà gỗ rộng khoảng 12 m2 được dựng lên làm chỗ trú ngụ cho 5 người lính. “Ngoài sức lực của anh em, Đoàn xã Thông Thụ đã huy động thanh niên tình nguyện hỗ trợ vác từng tấm ván lên núi để dựng nhà”, thiếu tá Thành kể.
Chốt số 4 đóng ngay trên lối mòn chạy vắt vẻo trên núi cao. Từ chốt này đến cột mốc 365 phải mất hơn 2 giờ đi bộ, đến cột mốc 366 phải mất gần nửa ngày. Rừng rậm, sên, vắt và muỗi vằn dày đặc. Thế nhưng nhiệm vụ của những người lính cắm chốt phải liên tục tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn người nhập cư trái phép. Hơn một năm qua, cả ngày lẫn đêm, những người lính này đều phải liên tục lội rừng tuần tra, đặc biệt từ đầu tháng 4 đến nay, khi dịch bùng phát ở Lào. 5 người thì 2 người canh chốt và lo hậu cần, 3 người đi sâu vào rừng để canh giữ lối mòn. Họ cứ thay nhau luân phiên để tuần tra, canh gác. Có 7 người nhập cảnh trái phép qua lối mòn ở khu rừng này đã bị phát hiện và đưa đi cách ly để phòng chống dịch. Từ ngày 3.5, Quân khu 4 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An tăng cường thêm 16 người cho Đồn biên phòng Thông Thụ. Chốt số 4 được tăng cường thêm 4 người, “chia lửa” cho 5 người lính đã bám trụ ở đây hơn 1 năm qua.
Đã hơn 2 tháng, thiếu tá Thành chưa được về thăm nhà. Thượng úy Nguyễn Văn Kiện cũng đã từ lâu chưa được nghỉ phép. Bố vợ anh Kiện ở H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị nhồi máu cơ tim, phải nhập viện cấp cứu và đang điều trị tại bệnh viện nhưng anh vẫn chưa về thăm được. “Bây giờ tình hình dịch đang diễn biến phức tạp ở Lào, nhiều người Việt sẽ về tránh dịch nên anh em xác định phải bám trụ lâu dài, không dám nghĩ đến việc nghỉ phép”, thiếu tá Thành nói.
Từ núi Noọng Giềng nhìn sang bên kia QL48 cũng là dãy núi sừng sững. Ngay gần trên đỉnh ngọn núi đó là chốt số 3. Đường lên chốt này trời nắng có thể chạy được xe máy, nhưng phải tay lái cừ khôi mới vượt được dốc. Chốt số 3 có nhiệm vụ kiểm soát lối mòn từ đường biên luồn sâu, vắt vẻo trong rừng ở mạn bắc QL48. “Những người Việt sang Lào làm ăn muốn về quê thường chọn lối mòn này để nhập cảnh trái phép. Nếu không ngăn chặn thì nguy cơ mang theo dịch Covid-19 về vô cùng nguy hiểm”, thượng tá Huy nói.
Gương sáng biên cương: Vành đai thép phòng chống Covid-191

Kiểm soát thượng nguồn sông Chu để chặn người vượt biên trái phép

ẢNH: K.HOAN

Căng mình chống dịch

Nghệ An có 468 km đường biên. Đồn biên phòng Thông Thụ kiểm soát gần 34 km. Từ khi xuất hiện dịch Covid-19, cửa khẩu Thông Thụ phải đóng lại. Thượng tá Huy cũng cho biết, hiện có khoảng gần 500 công nhân người Việt đang làm việc tại 2 công trình thủy điện ở H.Sầm Tớ (tỉnh Hủa Phăn, Lào), chưa kể rất nhiều người dân ở Nghệ An đang làm ăn ở tỉnh này. Do H.Sầm Tớ cách cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Nghệ An) và cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) rất xa, nên người dân về quê thường không muốn đi theo đường chính ngạch mà bất chấp quy định, chọn cách vượt biên bằng đường mòn cho nhanh. Hiện nay, Lào đang siết chặt quản lý người nhập cảnh, công việc làm ăn ở Lào đang trở nên khó khăn, lại thêm dịch Covid-19 nên lượng người Việt trở về quê rất nhiều.
“Chúng tôi xác định nguy cơ mang theo dịch của người về quê là rất cao nên chỉ đạo anh em phải bám sát, liên tục tuần tra 24/7, không để lọt người nhập cảnh trái phép”, thượng tá Huy nói. Từ khi lập 4 chốt để chặn người vượt biên, Đồn biên phòng Thông Thụ đã phát hiện 31 vụ xuất nhập cảnh trái phép, khởi tố 1 bị can đưa người xuất cảnh trái phép. Cũng nhờ các chốt chặn này, tình trạng vận chuyển ma túy qua các đường tiểu ngạch cũng đã được chặn lại.
Từ QL48, băng qua khoảng 2 km đường đất vắt vẻo trong rừng là chốt số 2. Chốt này nằm bên mé bờ sông Chu, có nhiệm vụ kiểm soát, chặn người vượt biên bằng đường sông. Đại úy Phạm Đức Tính, chốt trưởng chốt số 2, cho biết tháng 3.2020, chốt này được lập. Ban đầu, anh em căng bạt ở gần mép sông Chu để trú ngụ. Đến gần cuối năm 2020, xác định “chiến dịch” chống Covid-9 còn dài nên chỉ huy đồn đã cho dựng căn nhà gỗ nhỏ ở trên cao, gần bên sông, làm chỗ ở cho anh em. Mới đây, thêm một căn nhà tôn, khung thép được dựng lên. “Con sông này chảy từ Lào về, nhiều người lợi dụng nó để vượt biên trái phép nên chúng tôi phải liên tục thay nhau túc trực ở dưới sông để ngăn chặn”, đại úy Tính nói.
Tuy nhiên, một số người sau khi đi đường sông vào Việt Nam lại men theo đường mòn trên núi để nhập cảnh trái phép. Để phát hiện, lính biên phòng dựa vào tai mắt của người dân, vận động người dân cung cấp thông tin khi thấy người lạ xuất hiện. Đại úy Tính cho biết, nhờ ý thức người dân rất tốt nên hễ phát hiện có người lạ, bà con đều thông báo ngay cho biên phòng.
Cuối giờ chiều, mây đen kéo đến ùn ùn. Mưa xối xả. Con đường từ chốt số 4 xuống chân núi ướt rượt, trơn như đổ mỡ. Một tốp chiến sĩ vừa được lệnh tăng cường cho chốt số 4 đang vác gạo, nhu yếu phẩm hì hục leo lên núi. “Mùa này, chiều tối thường rất hay có mưa. Mưa mặc mưa, ban đêm, anh em các chốt vẫn tuần tra, canh gác. Chỉ mong sao đừng có lốc tố, chứ lốc mà quét qua chốt thì căn nhà trú ngụ của anh em khó mà trụ nổi”, thượng tá Huy nói.
Ngày 3.5, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An điều động 66 chiến sĩ tăng cường cho lực lượng biên phòng để tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới. Hiện nay, Bộ đội biên phòng Nghệ An đã lập hàng chục chốt để ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép trên các lối mòn ở gần đường biên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.