Gương sáng biên cương: Mái nhà xanh ở Pò Hèn

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
05/08/2021 07:48 GMT+7

Sau những giờ tuần tra miệt mài trên tuyến biên giới Việt - Trung, các chiến sĩ biên phòng ở Quảng Ninh lại trở thành người cha hiền từ của những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nơi miền biên viễn.

Yêu thương

Một ngày giữa tháng 7, chúng tôi đến thăm Đồn biên phòng Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP.Móng Cái, Quảng Ninh). Thời tiết miền biên viễn mùa này nắng bỏng rát. Sau giờ tuần tra phòng dịch Covid-19, các cán bộ chiến sĩ ai cũng ướt đẫm mồ hôi.
Vừa lấy khăn thấm khô khuôn mặt đen sạm, trung tá Tạ Tấn Trường, chính trị viên phó Đồn biên phòng Pò Hèn, lại chuẩn bị để đến kiểm tra bài tập cho em Phùn Thị Mai, học sinh lớp 9 Trường tiểu học - THCS xã Hải Sơn.
Tiếp chuyện chúng tôi, trung tá Trường kể “sơn nữ” Phùn Thị Mai có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Gia đình thuộc diện khó khăn, Mai có 2 anh trai nhưng mới học hết lớp 9 đã phải đi rừng, làm thuê để kiếm sống.
Cô gái 15 tuổi người dân tộc Dao lớn lên trong tuổi thơ đầy bất hạnh. Mẹ mất sớm khi Mai mới 2 tuổi, còn cha của em mất cách đây 4 năm. Những người lính biên phòng bên dòng Ka Long xuất hiện, mở rộng vòng tay cưu mang cô bé đáng thương này. Trước thềm khai giảng năm học mới (5.9.2019), khi ấy đúng dịp Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng triển khai mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” nên Đồn Pò Hèn đã phối hợp cùng chính quyền địa phương nhận Mai làm con gái nuôi của đơn vị.
“Lúc đầu khi chúng tôi cùng thầy giáo đến nhà vận động, cô bé e dè, nhút nhát lắm. Đã thế cô bé lại nói tiếng Kinh chưa thành thạo, nên đơn vị phải cử cán bộ biết nói tiếng Dao đến nhà thuyết phục. Phải mất nhiều ngày Mai mới đồng ý”, trung tá Trường kể.
Cũng theo trung tá Trường, do nguyện vọng của Mai là được nội trú tại trường nên đơn vị đã đăng ký cho em ở nội trú lại trường, thay vì chuyển đến sinh sống cố định tại đồn biên phòng. Từ đó, cứ đều đặn hằng tuần, cán bộ đồn xuống tận nơi để giám sát việc sinh hoạt của Mai, rồi thường xuyên đón em về đơn vị để kiểm tra việc học tập, thăm khám sức khỏe. Để Mai có thêm chút chi phí cho sinh hoạt thiết yếu cá nhân, hằng tháng Đồn còn hỗ trợ thêm cho em 200.000 đồng.
Cách “tổ ấm” của Phùn Thị Mai khoảng 20 cây số, Đồn biên phòng Quảng Đức (xã Quảng Đức, H.Hải Hà) đang nhận nuôi cháu Còn Chíu Quay Đại (ở bản Cấu Lìn, xã Quảng Đức) là học sinh lớp 8, Trường phổ thông dân tộc bán trú - THCS Quảng Đức. Cậu bé người Dao này cũng lớn lên trong tuổi thơ khốn khó, khi gia đình thuộc hộ nghèo, mẹ đi làm xa ở Khu công nghiệp Texhong Hải Hà và hầu như không được nghỉ để về thăm. Chính vì vậy thời gian để quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ Đại không được thường xuyên.
Cha con Phùn Thị Mai cùng nhau ôn lại bài tại khuôn viên Đồn Biên phòng Pò Hèn

Cha con Phùn Thị Mai cùng nhau ôn lại bài tại khuôn viên Đồn Biên phòng Pò Hèn

Biết được hoàn cảnh, Đồn biên phòng Quảng Đức đã quyết định nhận Đại làm con nuôi và hỗ trợ em mỗi tháng 500.000 đồng. Ngoài ra, các cha nuôi còn phối hợp với nhà trường bố trí cho em ở nội trú, để có điều kiện yên tâm học tập.
Sự ân cần chỉ bảo của các cha nuôi đã giúp Đại tiến bộ từng ngày. Em chăm ngoan hơn, luôn coi các chú bộ đội là người thân trong gia đình. Khi có chuyện vui hay buồn đều chờ để tâm sự, có bài học khó cũng nhờ cha nuôi giảng giải.

Chắp cánh

Đến các đồn biên phòng dọc biên giới Việt - Trung, chúng tôi được nghe nhiều chuyện cảm động, thấy được sự vất vả nhưng đong đầy tình thương yêu của những người cha nuôi đặc biệt.
Nói về dự định của con gái nuôi trong thời gian tới, trung tá Trường tâm sự: “Sang năm Mai tốt nghiệp THCS. Trường cấp 3 lại xa mà còn chưa biết cháu có chịu theo học không nữa. Nhưng chúng tôi đã có kinh nghiệm rồi, nhất định sẽ khuyên bảo cháu dần dần. Chí ít phải cho cháu theo học chương trình phổ thông dân tộc nội trú và có thể vào đại học sau này”.
“Bước đường đời phía trước của Mai còn rất dài, còn vất vả nhưng phía sau cháu còn có những người lính chúng tôi chắp cánh. Mai có tiến bộ, có cuộc đời mới tốt đẹp hơn thì sau này những đứa trẻ ở bản biên giới sẽ nhìn vào mà noi theo, chịu đến trường học lấy điều hay”, trung tá Trường trải lòng.
Trong câu chuyện của Còn Chíu Quay Đại cũng vậy, thấy em học tiến bộ lại chăm ngoan trông thấy, đơn vị đang định hướng cho chàng trai này nối nghiệp những người cha nuôi, bước vào quân ngũ.
Đại úy Phùn Văn Dũng, chính trị viên phó Đồn biên phòng Quảng Đức, chia sẻ vì Đại là con trai nên ban đầu cũng bướng bỉnh lắm. Dạy dỗ con nuôi của đơn vị nhiều khi không thể đòn roi như con đẻ ở nhà. Nhất là khi khả năng nói tiếng Kinh của Đại còn hạn chế, các ông bố luôn phải ân cần, nhẹ nhàng khuyên bảo. “Điều chúng tôi lo lắng nhất là Đại đang tuổi trưởng thành. Cuộc sống bên ngoài nhiều chuyện phức tạp, nếu không cẩn thận sẽ làm ảnh hưởng đến con. Mới đây đơn vị mua cho Đại chiếc xe đạp để con thuận tiện về thăm nhà, nhưng luôn dặn dò con phải đi lại cẩn thận, đi đến nơi về đến chốn”, đại úy Dũng kể.
Dưới mái nhà chung của các đồn biên phòng, không chỉ câu chuyện của Đại và Mai, mà nhiều em nhỏ khác có hoàn cảnh bất hạnh đều được đón nhận những tình cảm yêu thương và được dạy dỗ học tập, rèn luyện nhân cách, với mong muốn cho các em có thể trở thành người công dân có ích cho xã hội khi trưởng thành.
Để uốn nắn, dạy bảo con nuôi, mỗi người lính biên phòng đều vất vả gian nan không kém gì việc tuần tra biên giới. Bởi, phần lớn các em là người dân tộc, ít va chạm với người lạ và nói tiếng Kinh chưa thành thạo. Hơn thế nữa, các ông bố nuôi ai cũng đau đáu nghĩ suy và mong một tương lai tươi sáng cho đám trẻ, dù biết rằng phía trước còn muôn vàn khó khăn.

Trách nhiệm

Dọc biên giới Việt - Trung hơn 200 km trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phần lớn là đồng bào các dân tộc sinh sống. Hằng ngày họ còn là “tai mắt” của người lính biên phòng khi không quản ngại khó khăn, vất vả, cùng chung tay, góp sức bảo vệ biên cương, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Thế nhưng phần lớn đời sống của người dân vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn, nên một số học sinh dù hiếu học nhưng lại không được học tập đầy đủ, phải bỏ ngang để đi kiếm sống như 2 anh trai của Phùn Thị Mai.
Trách nhiệm với biên cương, từ năm 2016 đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp các địa phương rà soát, nhận đỡ đầu, nhận nuôi các em có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là hướng tới vùng dân tộc thiểu số, các gia đình thuộc diện chính sách, người có uy tín, người tích cực tham gia bảo vệ biên giới...
Cùng với chương trình “Nâng bước em tới trường”, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tiếp tục xây dựng và triển khai mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”. Mục đích của mô hình này là ngoài hỗ trợ kinh phí, còn nhận nuôi các em mồ côi, con liệt sĩ, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Phùn Thị Mai được bố nuôi Tạ Tấn Trường giảng bài về lịch sử truyền thống Bộ đội biên phòng VN Ảnh: Lã Hiếu Nghĩa

Phùn Thị Mai được bố nuôi Tạ Tấn Trường giảng bài về lịch sử truyền thống Bộ đội biên phòng Việt Nam

Ảnh: Lã Hiếu Nghĩa

Việc đỡ đầu được thực hiện cho tới khi các em 18 tuổi, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/tháng/em. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã giao chỉ tiêu cụ thể cho mỗi phòng, ban, đồn, trạm, mỗi đơn vị nhận đỡ đầu ít nhất 2 trường hợp. Với cách làm này, đến nay đã có 89 em được hỗ trợ theo chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”.
Không chỉ hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc, những người lính biên phòng còn làm tròn trách nhiệm “người cha” của những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hình ảnh người lính mang quân hàm xanh trên tuyến biên giới ngày càng gần gũi, thân thương với người dân vùng biên.
Bên trong những “mái nhà xanh” ấy, đã có biết bao câu chuyện cảm động, đong đầy yêu thương được những thành viên trong gia đình cùng nhau viết lên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.