Hà Nội quyết giữ biển hiệu 'đồng phục'

Bất chấp những quan điểm trái chiều về hệ thống biển hiệu trên tuyến phố Lê Trọng Tấn, bà Lê Mai Trang, Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân (Hà Nội), khẳng định quận sẽ vẫn giữ 2 màu xanh đỏ như hiện nay của các biển hiệu.

“Không đồng bộ sẽ rất xấu”
Lãnh đạo Q.Thanh Xuân cho hay hiện nay người dân quan niệm biển hiệu phải nhiều màu sắc, hợp mệnh, đưa lên hình ảnh các mặt hàng. Chính vì thế một số người dân phản ứng, nhưng đa số đồng thuận với quyết định của quận.
“Quận đã báo cáo về hệ thống biển hiệu và được thành phố thống nhất. Nếu không đồng bộ mỗi người một mẫu một kiểu rất xấu. Quận sẽ giữ 2 màu xanh và đỏ đã được thành phố duyệt như hiện nay. Riêng những thương hiệu đã được nhà nước bảo hộ độc quyền như tên các ngân hàng, nhãn hàng… quận cho phép làm biển hiệu theo đúng logo đã được bảo hộ”, bà Trang nói.
Bà Trang cũng khẳng định, các biển hiệu trên tuyến phố phải theo kích cỡ theo đúng luật Quảng cáo, chiều cao tối đa 2 m, ghi tên cửa hàng, địa chỉ; không đưa hình ảnh như hình bánh mì, máy lọc nước… lên biển hiệu. Kinh phí cho việc thay đổi biển hiệu cũ và mới do vốn xã hội hóa doanh nghiệp hỗ trợ (1,7 tỉ đồng).

Quận đã báo cáo về hệ thống biển hiệu và được thành phố thống nhất. Nếu không đồng bộ mỗi người một mẫu một kiểu rất xấu

Bà Lê Mai Trang, Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân

Là đơn vị được thành phố giao cho ý kiến về biển hiệu, Sở VH-TT Hà Nội cũng có ý kiến tương đồng về điều này. Theo Giám đốc Sở Tô Văn Động, các doanh nghiệp đã có bảo hộ độc quyền thương hiệu cần thông báo sản phẩm với Sở.
“Nghĩa là họ cho Sở biết thiết kế biển hiệu mà họ muốn làm. Sau thủ tục đó, họ có thể treo biển có nhận diện thương hiệu của mình. Như vậy, các nhãn hàng có nhận diện thương hiệu không phải xanh - đỏ sẽ có cách để giữ định vị. Tuy nhiên, về kích cỡ biển, cách thức treo vẫn giữ nguyên tính đồng bộ trên toàn tuyến phố. Việc báo cáo nhận diện biển hiệu như vậy không phải nộp lệ phí”, ông Động nói.
“Quản lý quảng cáo không tốt”
Mặc dù cửa đã mở cho các thương hiệu đăng ký nhận diện, song cánh cửa đó vẫn khép hờ với các doanh nghiệp khác. Chẳng hạn, những hàng bún đậu, hàng phở… trên phố sẽ thiệt thòi vì chịu cảnh xanh đỏ giống nhau.
“Họ hoàn toàn có quyền có bộ nhận diện của cửa hàng mình mà không cần phải đăng ký với nhà nước. Nếu nói là hạn chế tự do kinh doanh thì quá nặng. Nhưng rõ ràng, môi trường kinh doanh, môi trường quảng cáo trong trường hợp này có bị ảnh hưởng”, TS Nguyễn Minh Hằng, Khoa Luật kinh tế Trường ĐH Luật Hà Nội, đánh giá.
Việc quy định hành chính như vậy cho các biển quảng cáo là quá chặt và không hiểu biết. Nó thể hiện khả năng quản lý quảng cáo không tốt
Ông Nguyễn Thế Sơn, nhà nghiên cứu mỹ thuật
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Thế Sơn: “Việc quy định hành chính như vậy cho các biển quảng cáo là quá chặt và không hiểu biết. Nó thể hiện khả năng quản lý quảng cáo không tốt”.
Hiện tại môi trường quảng cáo ở Hà Nội quá lộn xộn, thiếu quy hoạch. Các biển quảng cáo chưa có những điểm, những diện tích dành riêng cho nó. Các kích cỡ, kiểu dáng quảng cáo cũng không hiện đại.
“Chúng ta vẫn thường sử dụng các biển quảng cáo ngang lớn chạy kín tòa nhà mà không có những biển dọc dành cho nơi diện tích nhỏ. Ở Hồng Kông, người ta đã làm vậy lâu rồi. Cách đặt biển ở Lê Trọng Tấn là ngang nhà, cũng rất khó quan sát khi đang đi xe. Nếu đặt biển dọc thì sẽ dễ hơn nhiều”, ông nói.
Về quy hoạch quảng cáo ở Hà Nội, ông Tô Văn Động cho biết hiện mới đang soạn thảo. Bản dự thảo này sẽ còn phải trình lên UBND thành phố, khi được phê duyệt mới tính chuyện đưa vào thực tế.
Còn nhớ, những câu hỏi về không gian cho biển hiệu, biển quảng cáo của Hà Nội mới đây đã được dấy lên sau việc các nghệ sĩ có tên trên băng rôn một chương trình âm nhạc bị đóng dấu lên mặt.
“Chúng tôi muốn được đóng tiền treo băng rôn chứ. Nếu mỗi chương trình chúng tôi được đóng 100.000 đồng để treo một chiếc băng rôn, thì trung bình mỗi năm Hà Nội có thể thu được hơn một tỉ đồng. Nhưng không ai cho cả. Họ rạch và cắt băng rôn, chúng tôi mất công đi in lại. Lãng phí vì không có cơ chế. Trong khi các nhà hát đang khó khăn, đang chết vì thiếu khán giả”, bà Hoài Oanh, Giám đốc doanh nghiệp Đông Đô Show, nói.

Sẽ nhân rộng ?
Ngoài khẳng định quyết giữ biển hiệu “đồng phục”, bà Lê Mai Trang cho biết quận cũng đã tính tới việc nhân rộng mô hình tuyến phố kiểu mẫu ra một số tuyến đường khác, nhưng sẽ làm sau khi rút kinh nghiệm quản lý từ tuyến đường Lê Trọng Tấn hiện tại.
Tương tự, ông Tô Văn Động cho rằng việc xây dựng tuyến phố điểm là việc Hà Nội nên làm và sau đó nhân rộng. Với phố Lê Trọng Tấn, cơ bản là đáp ứng mục tiêu đề ra. “Cũng có một số chi tiết sẽ tiếp tục lắng nghe chỉnh sửa, trong đó có cái biển hiệu. Chứ không phải cái gì cũng chuẩn cả đâu. Hiện phố Lê Trọng Tấn biển hiệu đang làm đúng quy định pháp luật”, ông nói.
Trong khi đó, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), cho rằng trước khi nhân rộng cần phải giải quyết thấu đáo toàn bộ các vấn đề về bảng hiệu mà dư luận đã nêu ra trên tuyến phố thí điểm.
Về tuyến thí điểm này, theo ông Thành, cách làm còn thể hiện tư duy quá đơn giản, sơ sài. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sơn nói thẳng rằng không nên nhân rộng cách làm này. “Nó không hiệu quả về quảng cáo, cũng chẳng hiệu quả về thẩm mỹ. Nếu nhân lên kiểu này thì rất nguy”, ông Sơn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.