Hồ cạn trơ đáy, hàng vạn hộ dân điêu đứng vì thiếu nước sinh hoạt

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
27/07/2020 09:58 GMT+7

Hệ thống hồ chứa cung cấp nguồn nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại tỉnh Quảng Ninh đang cạn trơ đáy, khiến hàng vạn hộ dân nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Người dân “vật lộn” vì thiếu nước

Gần 1 tháng nay, cuộc sống của gia đình anh Hoàng Trọng (P.Quang Hanh, TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh) bị đảo lộn vì nước sinh hoạt không đủ dùng. “Từ giữa tháng 6, nước sinh hoạt ở nhà tôi chảy không thường xuyên. Tháng vừa rồi, tôi phải mua thêm 1 téc nước. Nếu tình trạng này kéo dài, e rằng sức khỏe người dân như chúng tôi bị ảnh hưởng, cũng như không đủ kinh phí để trang trải”, anh Trọng lo lắng.
Anh Vũ Tuấn Lộc, chủ khách sạn Manalonis (P.Bãi Cháy, TP.Hạ Long, Quảng Ninh), cũng cho biết thời gian vừa qua, lượng khách tới khu du lịch Bãi Cháy tăng đột biến nên các khách sạn cần lượng nước lớn đáp ứng nhu cầu. Thế nhưng, việc cung cấp nước không ổn định, nhiều cơ sở lưu trú phải mua thêm nước bên ngoài về dùng.
“Du khách sau khi đi tắm biển về hầu như ai cũng dùng vòi xịt rửa chân tay để trôi cát, đấy là chưa kể nguồn nước phải cấp cho bể bơi, tắm giặt tại các phòng nghỉ. Khách sạn tôi phải mua thêm 2 xe téc nước dự phòng với dung tích 10 khối mà nhiều hôm lao đao”, anh Lộc nói.
Anh Phạm Ngọc Tú, quản lý sạn Sun Hạ Long, cũng cho hay đơn vị có 1 bể bơi nhỏ chừng 50 m2, chưa kể đến 40 phòng nghỉ. Do nhu cầu lớn nên nguồn nước máy cung cấp không đủ, khách sạn phải mua nước về làm bể chứa dự phòng và mua từ dịch vụ tư nhân.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang xảy ra trên diện rộng tại Quảng Ninh như ở TP.Cẩm Phả, H.Vân Đồn, TP.Uông Bí và TX.Quảng Yên. Chị Trần Quỳnh Anh (thôn 4, xã Hạ Long, H.Vân Đồn) cho biết, nguồn nước cung cấp cho các hộ dân từ giữa tháng 5 trở lại đây không ổn định.
Năm nay, nắng nóng kéo dài nên nhà ai cũng dùng khá nhiều nước mà nguồn cung nhiều hôm không đủ. Gia đình chị Quỳnh Anh cũng phải mua thêm nước từ dịch vụ tư nhân, quá trình sinh hoạt cũng phải dùng tiết kiệm hơn.

Hàng loạt hồ chứa chạm mực nước chết

Theo Công ty CP nước sạch Quảng Ninh, nguyên nhân khiến hàng nghìn hộ dân trên địa bàn đang rơi vào cảnh “khát” nước sinh hoạt thời gian qua là do địa phương này bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hồ chứa nước ngọt đang cạn kiệt, chạm mực nước chết. Không những thế, đến cuối tháng 7, nếu không có mưa thì nhiều hồ thủy lợi của tỉnh sẽ đối diện với nguy cơ dừng việc cấp nước.
Ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Ninh, cho biết đến ngày 10.7, tổng lượng nước trữ ở 25 hồ chứa nước lớn và vừa trên địa bàn là hơn 130 triệu m3, đạt 44% tổng dung tích thiết kế. Lượng nước so với cùng kỳ năm trước giảm hơn 69 triệu m3. Điển hình như hồ thủy lợi Khe Mai, làm nhiệm vụ cấp nước cho hơn 7.000 hộ dân ở H.Đồn, đã bị trơ đáy, đất lòng hồ khô nứt nẻ, có thể dễ dàng đi lại dưới lòng hồ. Dự tính, nếu thời tiết nắng nóng kéo dài 1-2 tuần, không có mưa, hồ Khe Mai sẽ xuống mực nước chết.
Trong khi đó, mực nước hồ Yên Lập hiện chỉ cách mực nước chết 7,6 m (theo thiết kế từ 9,38 triệu m3 nước trở xuống, hồ chạm mực nước chết). Thời điểm đo ngày 30.6, mực nước hồ Yên Lập chỉ còn 17,68 m, tương đương 32,8 triệu m3 nước, bằng 1/4 dung tích thiết kế. So với cùng kỳ năm 2019, lượng nước trong hồ giảm khoảng 54 triệu m3. Điều đáng lo ngại, hồ Yên Lập là nguồn cung cấp chính cho các hộ dân tại TX.Quảng Yên, TP.Uông Bí và TP.Hạ Long.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước sạch Quảng Ninh, cho biết nhà máy nước Đồng Ho cung cấp nước sạch cho các hộ dân ở TP.Hạ Long, TP.Uông Bí, TX.Quảng Yên đã phải “cầu cứu” ngành thủy lợi điều tiết việc cấp nước sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trước tình trạng nắng nóng kéo dài, ngay cả ngành thủy lợi cũng đang phải gắng gượng điều tiết để phục vụ sản xuất cho người dân.
“Nếu ngành thủy lợi tiếp tục xả nước phục vụ nông nghiệp thì chúng tôi phải kéo ống ra giữa lòng hồ để đảm bảo nguồn cung. Như vậy, đơn vị sẽ phải tăng chi phí cho việc đầu tư thiết bị, giá điện, nhân công… Trước mắt, chúng tôi đang làm việc với ngành thủy lợi để hai bên có sự điều tiết phù hợp trong quá trình sản xuất. Việc cấp nước, ngành nước Quảng Ninh vẫn kham được trong vòng 3 tháng tới”, ông Tuấn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.