Hợm mình khoe mẽ

17/01/2006 11:27 GMT+7

“Phú quý sinh lễ nghĩa”, ông bà ta tổng kết như vậy. Nhưng hai chữ “lễ nghĩa” đang được hiểu theo một hướng khác mà các mẩu chuyện dưới đây là ví dụ. Bạn có nhận xét gì về chuyện này?

Dân chơi sang

Thằng em con bà dì ở quê lên TP.HCM làm ăn. Hơn 5 năm không gặp, một hôm nhận được thiệp mời đầy tháng con nó. Tôi chạy vội đến cửa hàng quần áo trẻ sơ sinh mua bộ áo quần, cái nón, cùng đôi vớ. Đi tay không cũng được vì tôi là anh nhưng nghĩ cũng thấy kỳ. Tới nơi thấy nhà đã đông khách. Căn nhà tôn trong hẻm sâu ở Thị Nghè ngày nào giờ đã là ngôi nhà đúc ba tầng bề thế.

Tôi chưa kịp ngạc nhiên về thằng em làm gì mà giàu nhanh thế thì nó đã nắm tay tôi một mạch vào phòng khách. “Bác đến rồi, đưa cháu bác ẵm chút đi”, nó nói với cô vợ trong bộ váy đầm. Tôi vừa ngồi xuống ghế thì đứa cháu đã nằm gọn trong lòng, mắt nhắm nghiền đang ngủ hồn nhiên. Bây giờ tôi quan sát cháu kỹ hơn. Cổ đeo dây chuyền vàng, hai tay đeo hai lắc vàng, hai chân hai kiềng vàng. Vàng ở đâu nhiều thế? Tôi liếc về cái giường của cháu. Ôi thôi là những hộp nữ trang để quanh chỗ nằm. Phía dưới chân là những thùng sữa hộp ngoại còn nguyên đai, giày dép, áo quần trong hộp toàn là hàng hiệu...

Đó là những thứ nó sắm cho con, nhân dịp cũng muốn khoe với mấy ông bạn cùng chung sở làm. Lẫn trong đó có vài món bạn bè đem đến. Toàn dân chơi sang cả! Chợt nhớ tới bộ áo quần tôi mua giá chỉ vài chục ngàn, đưa ra thì ngượng chết. Nhưng không lẽ cầm về. Lưỡng lự một lúc rồi tôi cũng lôi gói quà ra tặng cháu. “Bác tặng cháu đây. Mong cháu hay ăn chóng lớn nhé”, tôi chúc thằng bé còn đang say giấc nồng. Vợ chồng thằng em cười giả lả. Mặc! Tự nhiên thấy lòng thanh thản vì được sống thật với mình.

Kịch còn hơn... kịch

Tuần rồi, chị tôi đi dự đám cưới về với vẻ mặt không vui. Tôi hỏi có chuyện gì phải không. Chị hớp ngụm nước rồi kể: Con gái của bà bạn buôn bán chung ngoài chợ lấy chồng Việt kiều. Đám cưới bốn năm chục bàn. Khách ngồi chật phòng rồi mà chưa thấy cô dâu chú rể đâu cả. Rồi tiệc cưới cũng cử hành. Trên sân khấu chỉ có người dẫn chương trình với thông báo: “Xin lỗi quý vị, giờ này chú rể ở bên Mỹ bận làm ăn, chưa về kịp”. Mọi người chưng hửng, không hiểu chuyện gì xảy ra. Một lát, cô dâu xuất hiện với cha mẹ ruột. Nhà trai không có ai đại diện. Người dẫn chương trình chúc “cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc” như thói quen. Rồi cắt bánh, khui sâm banh, văn nghệ. Chị tôi ăn mà nghe miệng đắng ngắt. Ngước lên sân khấu thấy vợ chồng bà bạn vui cười hớn hở. Chỉ thấy cô dâu đơn chiếc, tồi tội. Đi tới từng bàn, vợ chồng bà bạn không ngớt giới thiệu về cậu rể quý ra vẻ hãnh diện lắm. Chị tôi chào rồi bỏ về sớm vì chịu không được cái cảnh “kịch hơn kịch” này nữa.

Một đám cưới bạc

Chợt nhớ tuần rồi đi ăn buffet cùng gia đình, tôi được chứng kiến một “đám cưới bạc” trong nhà hàng. Cũng có bỏ phong bì vào thùng tiền, ký lưu niệm. Lễ cưới cũng có cảnh rước đôi “uyên ương” lên sân khấu với một đoàn người hầu theo sau... Cặp vợ chồng này trạc ngoài 60. Bà vợ trong chiếc áo cưới màu trắng thật không phù hợp. Một lát lại thấy thay áo màu hồng. Ông chồng chắc vui quá nên hơi quá chén. Áo quần, cà vạt xộc xệch, cứ vậy ông bước lên sân khấu hát nhái theo một bài hát cũ: “Hai lăm năm gian khổ nhiều rồi. Hai lăm năm đánh mất tự do. Hai lăm năm rước nợ về nhà. Hai lăm năm làm nghĩa vụ xong...”. Hát tới đây có nhiều giọng phụ họa cùng vào điệp khúc: “Xin cho tôi xin một lần này. Một cô bồ để dẫn đi chơi. Xin cho tôi xin một lần thôi...”. Con cháu của hai cụ ngồi dưới lắc đầu.

Một ông khách ăn buffet chứng kiến từ đầu đến cuối “đám cưới bạc” này nhận xét: “Hồi này đám cưới vàng, bạc hơi nhiều. Nhưng thực chất là mời người ta đến để khoe giàu sang thôi!”.

Trách ai?

Thằng bé học lớp năm, đi học về nói với mẹ: “Mẹ ơi, sinh nhật con mẹ nhớ tổ chức ở nhà hàng D. nhé. Hôm nay con ăn sinh nhật của bạn ở đó vui lắm”. Bà mẹ hỏi ở đó có gì. Thằng con: “Này nhé, ngoài ăn uống rồi còn được chơi game, bowling. Thích lắm!”. Hôm sau, bà mẹ tới liên hệ tổ chức sinh nhật cho cậu con thì mới biết giá một phần ăn là 200.000 đồng. Bà mẹ nhẩm phép tính rồi hoảng hồn. Bà không thể thỏa mãn đòi hỏi của con được. “Nhưng mẹ ơi, các bạn con toàn làm sinh nhật ở đó cả đấy!”, cậu con nài nỉ. Bà mẹ chỉ biết ôm con, an ủi cháu mà trong lòng như đang khóc. Chuyện này nên trách cháu hay trách người lớn chúng ta?

Theo Mai Hạnh/báo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.