Hòn đảo cho 'người chết' sống

17/01/2016 08:11 GMT+7

Nằm ở phía bắc tỉnh Palawan, Philippines, đảo Culion yên bình lặng lẽ, bao quanh bởi 41 hòn đảo lớn nhỏ khác. Ít ai biết rằng, Culion từng là một trong những trại phong có quy mô lớn nhất thế giới.

Nằm ở phía bắc tỉnh Palawan, Philippines, đảo Culion yên bình lặng lẽ, bao quanh bởi 41 hòn đảo lớn nhỏ khác. Ít ai biết rằng, Culion từng là một trong những trại phong có quy mô lớn nhất thế giới.

Chòi dựng phía sau nhà nghỉ để ngắm san hôChòi dựng phía sau nhà nghỉ để ngắm san hô
Mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu ra Culion lúc 14 giờ chiều và quay trở lại vào 8 giờ sáng ngày hôm sau. Khách du lịch chủ yếu tập trung ở Coron để đi lặn biển nên các chuyến tàu đi lại giữa Coron và Culion hầu hết là người địa phương. Đối với du khách, Culion dường như chỉ là một hòn đảo mờ nhạt trong vô số những hòn đảo lân cận xung quanh Palawan.
Tuy nhiên, Culion lại có một bề dày lịch sử với nhiều biến cố và một hệ sinh thái vô cùng trù phú.
Nhịp sống đảo
Chiếc Bangka (tàu địa phương) chở gần 100 hành khách từ Coron cập bến Culion sau gần 2 giờ trên biển. Trên tàu đa số là dân đảo Culion làm việc ở Coron, chỉ một số rất ít người đi cùng như chúng tôi là mang dáng vẻ khách du lịch. Họ nhìn chúng tôi lạ lẫm.
Cả đảo chỉ có một vài khách sạn, một số thậm chí là nằm trên mặt biển bởi người ta dựng nhà như kiểu nhà sàn bằng gỗ, lấn ra hẳn phía biển. Phía dưới nền nhà là biển và đã được ngăn lại một phần bằng kè đá và bê tông. Tất cả rác và chất thải đều đi thẳng xuống dưới! Tuy nhiên, chỉ cách sau bức kè đá, nước biển lại trong vắt có thể nhìn thấy rõ rong rêu, sao biển và vô số các loại cá.
Cuộc sống trong thị trấn mang vẻ yên bình cố hữu. Nhà cửa được xây dựng men theo những con dốc. Những ngôi nhà cũ kỹ được quét vôi màu mè xanh, hồng, đỏ. Những quán tạp hóa thấp bé lụp xụp bán bánh kẹo, snack, xăng dầu. Những tiệm lạc xoong gồm đủ thứ thượng vàng hạ cám bám đầy bụi. Người già tụm ba tụm năm trước cửa dò xổ số, tán chuyện, thanh niên tập trung ở sân bóng rổ, hò hét vang cả góc phố. Những đứa trẻ chơi trò đuổi bắt chạy loanh quanh trong khi bố mẹ chúng cầm chén cơm vất vả hò theo. Thỉnh thoảng có chiếc tricycle (một loại xe thồ giống tuk tuk) rồ ga chạy qua. Nhịp sống dường như rất chậm, không vội vàng, không hối hả. Và người dân ai cũng sắm sẵn một nụ cười trên môi như một loại đặc sản. Không khí ở đây mang lại cho bạn cảm giác gần gũi, an bình. Khi đi qua một ngôi nhà tường cao màu xanh, phía trên có cửa sổ và một chú bé con đang thò đầu ra cười với tôi, mẹ bé ngồi bên cạnh vẫy tay chào, khung cảnh này làm tôi nhớ đến khu tập thể ngoài bắc những năm 1980, hồi tôi mới chỉ vài tuổi. Tôi cũng thường ngồi chỗ cửa sổ nhìn ra đường và vẫy chào những người hàng xóm. Không ngờ, ở một nơi xa xôi lạ lẫm này lại có cảm giác thân thiết như vậy.
Nhà thờ La Imaculada Concepcion - Ảnh: Hương Tôn
Dân địa phương tụ họp trước nhà
Dấu tích một thời
Chúng tôi đi hết một con dốc thì đến nhà thờ La Imaculada Concepcion, nằm ở trên đỉnh một ngọn đồi, hướng ra biển. Các bức tường của nhà thờ được kiến tạo từ tàn tích của pháo đài cổ Culion Fort. Pháo đài được xây dựng từ năm 1790 nhưng cho đến nay, tất cả những gì còn sót lại có thể thấy được chỉ là hai khẩu súng đại bác nằm ảm đạm bên hông nhà thờ. Từ tháp canh, tôi có thể nhìn thấy một phần của thị trấn và vịnh Culion trong ánh hoàng hôn. Mặc dù ở trên khoảng cách khá cao, khi nhìn xuống, bạn vẫn có thể thấy rõ những mảng rong xanh rì dưới làn nước biển trong vắt.
Gần khu vực nhà thờ vẫn còn nhiều dấu tích một thời của những người mắc bệnh phong. Đó là nhà hát nay được tận dụng là phòng tập thể thao cho thanh niên trên đảo. Đó là tàn tích kiến trúc cổ Old Prescidencia, một trại tù dành cho những bệnh nhân phong nổi loạn. Đó là ngôi nhà Salvador’s House bỏ hooang, một trong những nơi trú ngụ xưa nhất trên đảo Culion, từng trở thành trụ sở cảnh sát trong suốt thời kỳ thiết lập thuộc địa cho người mắc bệnh phong.
Chúng tôi cứ thế tha thẩn khắp thị trấn, đôi khi dừng bước trước những dấu tích lịch sử, ngắm nghía và đọc tấm bảng ghi chú, tưởng tượng nơi này một thời chỉ là cộng đồng biệt lập toàn bệnh nhân phong sinh sống. Những con người không may mắc bệnh hiểm nghèo, bị xã hội ruồng bỏ, bị đưa ra tận đảo xa và không bao giờ còn cơ hội quay trở về nhà. Một nơi không khác gì “nhà tù” giam cầm những con người sống mà như chết.
Ở đảo mới hơn 6 giờ chiều mà tất cả các cửa hàng đều đóng im ỉm, đường sá vắng tanh, mọi người đều quây quần trong nhà với gia đình. Đâu đó vọng ra từ loa những bài hát Âu Mỹ đang rất thịnh hành. Tối đó chủ nhà nghỉ nấu cho chúng tôi một bữa tối khá ngon, mặc
dù cũng không phải món gì lạ lắm. Sau mấy tuần đi khắp Philippines, chúng tôi đã phần nào quen với ẩm thực xứ này, một đất nước có tiếng là đồ ăn dở nhất nhì thế giới bởi chúng không có gì đặc sắc, chủ yếu là thức ăn nhanh, ít rau củ, nhiều đường (bạn có thể kiểm chứng nhận xét này bằng việc nhớ xem và so sánh đã thấy bao nhiêu quán ăn Philippines so với số quán Hoa, Pháp, Ý, Nhật, Hàn, VN thậm chí Mexico, Brazil... trên đường du lịch).
Bù lại màn ăn uống, ở cái đảo vắng người du lịch như Culion, chả cần làm gì, chỉ cần ngồi ở chòi nghỉ trong khách sạn bình dân xây sát bên bờ biển ngắm bình minh thôi cũng thật sự thú vị. Bạn có thể đắm chìm trong những mảng màu liên tục thay đổi, lắng nghe tiếng đàn cá con búng nước lách tách. Chỉ cách một vài gang tay, bạn có thể chiêm ngưỡng cả một thảm sinh vật biển sinh động ngay dưới chân mình. Không biết những cảm giác yên ả thế này, thiên nhiên đẹp trong sáng dường này có phải đã là thứ thuốc diệu kỳ giúp phần nào xoa dịu nỗi đau của những bệnh nhân ở cái trại phong lớn nhất thế giới này không?
Hòn đảo 20 triệu USD
Dưới thời thuộc địa Tây Ban Nha, Culion là một cơ quan hành chính quan trọng thuộc quần đảo Calamian. Khi đó, chuyến tàu từ Manila cập cảng Culion mỗi tháng một lần đã làm cho kinh tế của đảo phát triển nhanh chóng. Nhà thờ lớn được xây dựng và một phần dấu tích của pháo đài San Pedro được tìm thấy trên đảo đã minh chứng chiều sâu lịch sử của Culion. Đến năm 1898, khi Tây Ban Nha nhượng lại Culion cho Mỹ với giá 20 triệu USD, hòn đảo này trở thành nơi cách ly và chăm sóc những người mắc bệnh phong.
Năm 1906, nhóm bệnh phong đầu tiên khoảng 300 người đã cập bến. Cho đến những năm 1930, số bệnh nhân trên đảo đã lên tới 16.000 người, đưa Culion trở thành trại phong lớn nhất thế giới.
Sau bao năm nổi tiếng với tên gọi Hòn đảo cho “người chết” sống, đến năm 2006, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cuối cùng đã công nhận không còn dấu hiệu bệnh phong tồn tại ở Culion nữa. Ngày nay, dù có nhiều bãi biển và thiên nhiên tuyệt đẹp, Culion vẫn còn khuất sau cái bóng quá lớn của ông hàng xóm hào nhoáng Coron và đang ẩn mình chờ được khám phá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.