Trò chuyện với bà Hồ Thị Niềm - mẹ của Phạm Văn Quyến

20/12/2003 19:37 GMT+7

Cách thành phố Vinh 12 cây số, nhà cầu thủ Phạm Văn Quyến ở xã Hưng Tiến. Trong những ngày Quyến "chiến đấu" trên sân cỏ ở Hà Nội, thì trước màn hình ti vi, bà Hồ Thị Niềm dõi theo từng trận đấu của đội tuyển Olympic VN. Bà thuộc nằm lòng từng đường bóng của Quyến và đồng đội của con trai mình. Nếu cách đây 1 năm, bà đau thắt lòng trước dư luận Quyến có bệnh "ngôi sao" thì hôm nay bà là người mẹ hạnh phúc khi thư từ bạn đọc khắp nơi gửi về chia sẻ với bà, có thư tâm tình của những người phụ nữ một mình nuôi con, thư của các cậu con trai có tuổi thơ cơ cực như Quyến và rất nhiều thư của các fan hâm mộ nữ mong muốn được biết địa chỉ để viếng thăm bà...

Gương mặt sạm nắng, khắc khổ, khi vui cũng như khi buồn, bà đều có thể dễ dàng khóc, nhưng bà không phải là một phụ nữ yếu đuối. Trầm tính, ít nói, dễ xúc cảm nhưng quyết đoán, tính cách này giúp bà vừa làm người mẹ vừa làm người cha của con. Đây cũng chính là tính cách mà Quyến có được từ mẹ. Phần lớn thư của bạn đọc quan tâm đến những gì bà đã dạy dỗ Quyến.

Thực tế, bà đã không có nhiều thời gian để răn dạy con trai mình. Tuổi thơ cơ cực, con gửi cho ngoại và các cậu mợ, khăn gói theo những công trình làm đường. Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nghèo túng, cơ cực khiến bà triền miên vắng nhà. Nhưng niềm vui giúp bà vượt qua năm tháng là cậu con trai bé bỏng, ngóng mẹ trở về. Đó chính là những chiếc áo còn đậm hơi con mà bà gối đầu hằng đêm.

Mỗi lần mẹ về thăm con, quà cho con chỉ là những quả bóng nhựa. Nhà có đầy bóng nhựa. Quyến chơi với bóng, làm bạn với bóng. Thương con thiếu tình cảm của cha, lại thường vắng mẹ, việc cực đến mấy bà cũng không từ nan. Thời trẻ, bà năng làm lụng, mơ ước dành dụm tiền xây một chái nhà nhỏ để mẹ con hủ hỉ lúc tuổi già. Nhưng mơ ước đó vẫn là quá lớn. Mãi đến khi tuổi già ập đến, sức khỏe không cho phép bà làm một người thợ làm đường, bà đành nghỉ ở nhà. Nhưng rồi lại đến lượt Quyến đi, mẹ ở nhà ngóng đợi con. Chỉ khác là giờ đây Quyến đã trưởng thành, bà là người được chăm sóc, yêu thương.

Nói về Quyến, bao giờ bà cũng ướt nước mắt. Thương con đơn độc từ nhỏ, quý con có ý chí và tự hào về tài năng của con trai. Đó là món quà quý giá nhất mà cuộc sống đã tặng cho bà. Nhà cách Câu lạc bộ Sông Lam 12 cây số, mỗi cuối tuần Quyến lại về thăm mẹ. Cả khi thành cầu thủ xuất sắc, nổi tiếng, về nhà Quyến vẫn là một đứa con trai thơm thảo. Không cần mẹ phải nói nhiều, chỉ cần một cái liếc mắt, Quyến hiểu ngay mẹ phật ý điều gì. Và ngược lại, bà mẹ cũng hiểu được tâm tư của con mình. Dù cuộc đời Quyến có thăng trầm, tình cảm và sự hy sinh của bà dành cho đứa con duy nhất của mình cả đời vẫn thế.

- Chị Niềm ơi, trước đây chị bất hạnh trong cuộc sống như vậy, nhưng hiện tại chị là người mẹ sung sướng và hạnh phúc nhất nhờ sự hiếu thảo của con trai. Vậy có giây phút nào đó, chị suy nghĩ sẽ bỏ qua phần lỗi lầm của bố Quyến, để ông ấy được chia sẻ phần nào hạnh phúc của chị và cháu trong thành công hôm nay? (Hoanhquanlovely@yahoo.com)

- Tôi đã một lần tha thứ cho lỗi lầm của ông ấy khi đồng ý cho Quyến nhận ông ấy là bố. Nhưng lỗi lầm của người cha đối với con ở ông ấy thì tôi không có quyền tha thứ. Vả lại, mọi chuyện đều đã qua, tôi không muốn nhắc lại.

- Bác ơi, cháu được biết bác đã trải qua những năm tháng cực nhọc để nuôi dạy Văn Quyến, về tinh thần lẫn vật chất. Vậy động lực nào đã giúp bác vượt qua mọi khó khăn để Quyến có được ngày hôm nay? A, xin bác bật mí cho cháu chút xíu về anh Quyến: anh Quyến lạnh lùng trên sân cỏ có giống cậu nhóc 19 tuổi ở nhà không ạ? (Thanh Phương, Cần Thơ)

- Tôi luôn thương con vì sự thiếu thốn tình cảm, tôi muốn làm tất cả để bù đắp cho con: vắng nhưng không thiếu, nghèo nhưng không khổ. Quyến không phải là người lạnh lùng, trên sân bóng tôi nghĩ là Quyến chỉ tập trung cho trận đấu nên không thể biểu lộ tình cảm thôi. Ở nhà, tôi không có gì phàn nàn về Quyến cả.

- Cháu là một người mẹ trẻ, cô có thể chia sẻ với cháu và những bà mẹ thiếu may mắn như cô những kinh nghiệm để con cái thành đạt? (Ngọc Nhung, Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP HCM)

- Tôi chỉ mong nuôi Quyến được học hành đến nơi đến chốn chứ không dám mơ ước con mình sẽ trở thành một cầu thủ tài năng, dù người Nghệ An nào cũng yêu bóng đá. Khi thấy con mê bóng đá, tôi cho con đi tập bóng và khích lệ con bằng cách tôi cũng mê bóng đá theo. Con đường thành công của Quyến hôm nay là do Quyến tự nỗ lực. Gia đình không có nhiều tiền và cũng không có đủ điều kiện để Quyến dựa dẫm hay ỷ lại, tôi chỉ cho con trái tim của người mẹ luôn ở bên con. Tôi sẵn sàng dang tay khi con thất bại, cũng như luôn tin rằng con mình không phải là người xấu. Tôi luôn tin vào con trai mình.

- Cháu muốn biết quan niệm và mong ước của bác về hạnh phúc gia đình nhỏ sau này của anh Quyến? Theo bác thì như thế nào là một nàng dâu tốt? (Phương Thảo, Hà Nội)

- Ước mong lớn nhất của tôi về hạnh phúc của con là con đừng đơn lẻ như mẹ. Như nhiều người mẹ, tôi cũng mong con trai mình tìm được cô gái chân tình, có thể cảm thông và hiểu được tình cảm của mẹ con tôi.

- Là một người mẹ, bác cảm nhận được những thay đổi gì ở anh Quyến, khi anh ấy đã là một ngôi sao? (Hoàng Yến, C12/30 ấp 3, xã Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh)

- Với nhiều người Quyến là một "ngôi sao", nhưng với tôi và với họ hàng trong gia đình, Quyến vẫn là Quyến, là con của mẹ, là cháu của cậu và là anh của các em họ trong nhà. Điều khác lớn nhất là Quyến đã trưởng thành hơn, biết yêu thương, quan tâm và chăm lo cho mọi người thay vì lúc nhỏ mọi người đều yêu thương, chăm sóc Quyến.

- Thưa cô, anh Quyến bây giờ không chỉ là niềm tự hào của riêng gia đình cô mà là của cả dân tộc, của triệu triệu người Việt Nam, có thể khẳng định rằng anh Quyến hiện là tiền đạo số 1 của Việt Nam. Khoảng cách này với bệnh siêu sao chỉ là "một bước ngã". Bệnh ngôi sao không chỉ làm thui chột tài năng mà có khi còn hủy hoại cả sự nghiệp của cầu thủ. Cháu cũng như hàng triệu người Việt Nam không muốn mất anh Quyến trong trường hợp như vậy. Theo cô, với tư cách là người mẹ, ngoài việc anh có ý thức tự rèn luyện bản thân thì cô làm gì để động viên anh ấy rèn luyện? (Phan Lệ Quyên, Đại học Queensland, Úc)

- Ngay từ khi Quyến chào đời, tôi đã chuẩn bị cho mình một cuộc đời làm mẹ. Tôi cho con tất cả những gì tôi có. Tôi muốn con mình sau này là người thế nào thì tôi đã sống như thế đó. Tôi đã là tấm gương cho con, sống giản dị, chăm chỉ và không ngại gian khổ.

- Thưa cô, cháu là một fan hâm mộ của anh Quyến, nhưng không chỉ là một đồng hương Nghệ An, cháu còn có hoàn cảnh giống như anh Quyến. Từ nhỏ, cháu sống với mẹ. Mẹ cháu tảo tần nuôi cháu nên người, nên cháu xin được chia sẻ những nhọc nhằn của cô. Cô biết không, khi nghe tin cháu đậu Đại học, mẹ cháu mừng lắm, không chỉ mừng vì con thành đạt mà còn vì nhiều lẽ nữa. Cô có thể cho cháu biết cảm xúc của cô khi chứng kiến sự thành đạt của anh Quyến, để cháu hiểu được mẹ cháu nhiều hơn? (N.T.T, Lớp 1B, Khoa GDCT-Đại học Sư phạm, TP Hồ Chí Minh)

- Cô cảm ơn cháu rất nhiều vì đã có tấm lòng như thế với cô và với mẹ cháu. Có lẽ mẹ cháu và cô cũng như tất cả những người mẹ trên đời, không có hạnh phúc nào lớn hơn khi con cái hiểu được tấm lòng của mẹ. Cả đời cô và mẹ cháu sống cho con và vì con. Sự thành đạt của con cái là ước mong của cha mẹ, nhưng cả khi con cái thất bại mà biết sống có tình có nghĩa, biết vươn lên là mẹ vẫn thấy hạnh phúc.

Qua Báo Thanh Niên, xin cảm ơn tình cảm của mọi người đã dành cho mẹ con tôi.

Hoàng Thắng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.