Hương lá mùi già

28/01/2017 21:02 GMT+7

Đối với tôi, tết bắt đầu là khi những người bán hàng rong chở lá mùi già đi bán trên phố…

Tầm ngoài hai mươi tháng chạp, mẹ tôi đi chợ mua trước các thực phẩm khô cho ngày tết: măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, bánh đa nem… Thời ấy không có hạt rang sẵn nên mẹ còn mua cả hạt hướng dương, hạt bí, hạt dưa về cho hai chị em rang.
Rang hạt phải rang nhỏ lửa trên chảo gang, đảo đều tay đến khi hạt gần chín thì đổ vào một chiếc rổ đã được trải sẵn khăn bông dày gói kín để ủ. Trong khi ủ, hạt sẽ chín thêm và giữ được độ giòn. Cũng có năm mẹ tôi còn xên cả mứt thì độ bận rộn còn tăng lên gấp bội. Mỡ lợn cũng mua trước.

tin liên quan

Ngọt thơm bánh tổ quê nhà
Ở những vùng quê thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cứ mười nhà có giỗ là hết bảy, tám nhà làm bánh tổ. Riêng làng mình, loại bánh này cũng được những dì Tám, cô Tư làm bán thường xuyên như một nghề có thu nhập ổn định.
Mỡ lợn phải mua mỡ phần của con lợn béo có lớp mỡ dày, mỡ càng dày thì tóp mỡ càng ngon. Mỡ mua về, thái và rán thành mỡ để xào, rán, chứ không dùng dầu thực vật như bây giờ. Trời lạnh ngồi thái mỡ, mỡ dính bết vào thớt và tay là một trải nghiệm không mấy thú vị. Hành tím phải muối từ khoảng đầu tháng vì thời tiết lạnh, phải ngâm sớm thì hành mới chua kịp ăn tết.
Nhưng ngại hơn cả là việc rửa lá dong. Trời thì rét, có năm lại còn lất phất mưa phùn, tôi với mấy đứa hàng xóm chia nhau cái vòi nước công cộng, mỗi đứa một cái ghế con, hai cái chậu to, một cái mâm, chiếc khăn mềm để rửa lá dong. Mặc dù cũng buôn chuyện bàn tán râm ran nhưng lúc xong việc cũng là lúc ê ẩm cả lưng, tay đứa nào đứa nấy đỏ rực, căng mọng, tê cứng vì lạnh.
Lúc gói bánh chưng mới là vui nhất, chọn nhà ai ít đồ đạc nhất, cả xóm ai mang đồ sang nhà ấy ngồi gói chung. Chị em tôi cũng ngồi bên cạnh xem bố gói, đứa đưa cái lá, đứa đưa cái lạt, khi thì lại đòi cho con đặt miếng đậu xanh, con thả miếng thịt.
Ngồi cạnh bố, đứa nào cũng nhìn chăm chú để tự gói một cái bánh tí hon cho mình nhưng rồi sau một hồi vầy gạo và đậu thì cái bánh không thành hình thù gì cả, làm bố phải gói lại.
Sau đó, tùy lượng bánh mà hai, ba hay bốn nhà chung nhau một nồi luộc bánh. Bố và mấy chú nhóm bếp củi, mấy mẹ xếp bánh vào nồi còn lũ lít nhít chúng tôi thi nhau chỉ trỏ: Nhà em là bánh buộc hai dây nhé, nhà chị buộc một dây, đấy bánh của em bé tí kia kìa… rồi lăng xăng múc nước đổ vào nồi.
Bố mẹ và các cô chú hàng xóm an tọa nồi bánh lên bếp rồi ai đi làm việc nấy còn lũ trẻ con chúng tôi xúm xít quanh bếp, thỉnh thoảng đẩy cây củi vào sâu một chút, nướng cho miếng giấy can cháy phồng lên tưởng tượng như đang nướng bánh đa; đứa thì về nhà kiếm được củ khoai lang hoặc khoai tây lùi vào bếp để chút có cái chia nhau.
Đến tối, đứa nào cũng dặn bố mẹ: “Khi nào bánh chưng chín thì gọi bọn con dậy vớt” nhưng chẳng bố mẹ nào nỡ đánh thức chúng tôi dậy vì thường bánh chín vào lúc đêm khuya. Sáng hôm sau, lúc cả lũ mắt nhắm mắt mở định ra bếp vớt bánh thì bánh đã được chia về từng nhà rồi chèn nén dưới chiếc thớt to hoặc vật gì thật nặng. Bố mẹ bảo phải nén như thế bánh chưng mới dền mới dẻo.
Mấy ngày sát tết, mẹ đi chợ, mấy bố con ở nhà trang trí nhà cửa. Tầm khoảng sáng hoặc chiều 30 tết, bố con tôi mới rủ nhau đi chơi chợ hoa. Nói là đi chơi cho sang chảnh nhưng thực chất là hòng kiếm xem có cành đào hay cây quất nhỏ xinh mà “ế” nào không để mang về nhà chưng.
Mùi đặc trưng nhất không thể không kể đến của tết miền Bắc là lá mùi già. Cây mùi này miền Bắc gọi mùi ta, miền Nam gọi là ngò hoặc ngò rí, được trồng làm rau gia vị. Rau gia vị thu hoạch khi cây mùi cao khoảng 20 cm.
Còn cây mùi được chọn để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía và khi đun lên, cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt. Bên cạnh đó, hương của lá cây mùi tạo cho ta cảm giác tinh khiết, nhẹ nhàng vô cùng dễ chịu.
Để có được nồi nước thơm tắm cho cả nhà, mẹ dặn tôi dùng hai phần lá mùi mẹ đã mua rửa sạch, không để nát lá rồi cho vào nồi nước đun thành nước tắm. Một phần còn lại để dành đun nước rửa mặt vào sáng hôm sau - sáng ngày đầu tiên của năm mới.
Dường như khi tắm thứ nước lá mùi này, mọi vận đen đủi, muộn phiền lo lắng trong năm cũ được gột bỏ - chỉ còn lại đó một cảm giác sảng khoái, sẵn sàng đón một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc và may mắn hơn. Vì vậy, ngày 30 tết dù bận thế nào mẹ cũng nhắc nhở bố và chị em tôi “tẩy trần” để đón tết.
Bây giờ, gia đình tôi đã chuyển vào phương Nam nắng ấm. Tôi giờ đã làm mẹ nhưng vẫn luôn nhớ về những ngày xưa. Đối với tôi, tết bắt đầu là khi những người bán hàng rong chở lá mùi già đi bán trên phố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.