'Huyền thoại' bánh tráng Chợ Lầu qua đời: Bếp vẫn đỏ lửa, những chiếc bánh vẫn xuất ngoại

Quế Hà
Quế Hà
21/07/2019 13:06 GMT+7

Bánh tráng Chợ Lầu - Bắc Bình từ lâu là một "thương hiệu" ẩm thực của tỉnh Bình Thuận. Và người phụ nữ "đặc biệt" gắn bó cả đời với làng nghề ấy không ai khác chính là bà Tám Yêm, người vừa qua đời ở tuổi 89.

Bà Tám Yêm, tên thật là Nguyễn Thị Yêm, “huyền thoại” của làng nghề bánh tráng truyền thống Chợ Lầu qua đời lúc 7 giờ sáng ngày 19.7, thọ 89 tuổi. Nói đến bà Tám Yêm, không ai ở làng Chợ Lầu lại không biết về bà.

Đường vào làng bánh tráng truyền thống Chợ Lầu

Quế Hà

Bà sinh ra trong một gia đình làm nông ở làng Xuân Hội, Chợ Lầu (nay là thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, Bình Thuận).
Là cơ sở cách mạng trong thời kì chống Mỹ, bà từng nuôi giấu, cưu mang nhiều cán bộ, chiến sĩ của khu Bắc Bình, Hòa Đa - Phan Lý. Bà Tám Yêm bị địch phát hiện nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng, nên bị bắt và bị bỏ tù ở nhà tù Hòa Đa. Khi bị địch bắt, bà còn bồng theo đứa cháu ruột chưa đầy 2 tuổi mồ côi mẹ vào khám. Năm 1970, ra tù, bà Tám Yêm lại tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến ngày giải phóng.
Thế nhưng, cả cuộc đời bà Tám Yêm lại gắn liền với làng nghề bánh tráng ở Chợ Lầu bây giờ. Những năm đầu sau ngày thống nhất, làng Chợ Lầu còn nghèo xơ xác. Người dân nơi đây chỉ dựa vào nghề nông, trồng lúa nước nhưng lại thiếu nước. Nghề bánh tráng bắt đầu được tái sinh bởi một vài người dân địa phương, trong đó không thể không nhắc đến bà Tám Yêm.
Từ nghề truyền thống của gia đình, bà Tám đã cùng con cháu đắp lò làm bánh tráng. Bánh tráng của bà Tám được làm bằng gạo quê đập Đồng Mới.
Nước tráng bánh chính là nước từ sông Lũy ngay bên hiên nhà. Bà Tám và con cháu phải dậy từ rất sớm, xuống sông gánh nước. Gạo được ngâm từ ngày hôm trước, bỏ vào cối đá xay ra bột. Hằng ngày, con cháu bà phải đến các nhà máy xay lúa gạo để hốt trấu (vỏ lúa) về đốt lò. Gạo xay ra bột rồi được pha một ít hạt mè (vừng), đem lại mùi thơm cho bánh khi tráng chín. Khi ăn bánh tráng sẽ thấy rất bùi và béo.

Bánh tráng mỏng để cuốn măng kho thịt, một sản vật của làng nghề bánh tráng Chợ Lầu. Ảnh: Quế Hà

Trước đây, làng bánh tráng Chợ Lầu chỉ có một vài người biết làm. Nghề làm bánh tráng không giàu, nhưng có thể tạo công ăn việc làm khi nhà nông mất mùa. Từ suy nghĩ này, bà Tám không chỉ kiên trì giữ nghề truyền thống, mà còn truyền nghề cho con cháu trong làng. Giờ đây, bánh tráng Chợ Lầu không chỉ nổi tiếng trong tỉnh, mà còn vào nam ra bắc rồi theo Việt kiều sang tận nước Mỹ.
Bánh tráng mỏng là sản vật không thể thiếu với người dân địa phương trong dịp tết Nguyên đán. Bánh tráng mỏng để cuốn măng kho thịt là món ăn vô cùng hấp dẫn, nhà nào cũng phải có. Còn bánh tráng dày, nướng lửa than, ăn giòn, thơm phức là một món “mồi” không thể thiếu trong những lần tiệc tùng ở làng.

Bánh tráng Chợ Lầu không chỉ nổi tiếng trong tỉnh, mà còn vào nam ra bắc rồi theo Việt kiều sang tận nước Mỹ

Quế Hà

Làng nghề bánh tráng Chợ Lầu nay đã có hàng trăm hộ gia đình làm nghề. Nghề này đã giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người dân. Nghề bánh tráng không chỉ dừng lại ở Chợ Lầu mà còn lan sang những ngôi làng lân cận như Sông Mao, Hồng Thái hay Hòa Đa.
Bà Tám Yêm đã ra đi nhưng làng bánh tráng Chợ Lầu vẫn đỏ lửa tráng bánh. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.