Bạn dính 'lưỡi hái' ung thư - Kỳ 3: Chồng chăm vợ 8 năm chữa lành gan, bàng quang

Khi vợ phát hiện mắc cùng lúc hai bệnh ung thư: gan và bàng quang, chú Trần Hữu Chí xin nghỉ việc để cùng vợ chạy chữa. Vợ đau một, chú đau mười nhưng chú cố kìm nén để làm chỗ dựa vững chắc cho bà xã. Kỳ diệu thay, sau 8 năm chú đã hét lên: "Vợ tôi hết ung thư rồi!"

Ngày phát hiện mình bị một lúc hai căn bệnh ung thư, cả đất trời trước mắt cô Nguyễn Thị Cam Thảo (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) như sụp xuống. Cô đã khóc như mưa trước bệnh viện và nghĩ đến những người thân đã ra đi mãi mãi vì căn bệnh này.
VIDEO: Tám năm kiên cường chống chọi hai căn bệnh ung thư - Thực hiện: Lê Nam - Vũ Phượng
Cô tuyệt vọng nhìn vào tờ giấy kết luận của bệnh viện nhưng rồi người chồng bên cạnh đã vực cô dậy, cùng cô đi qua những đợt hóa trị đau đớn thấu xương.
Và điều kỳ diệu cũng đến, sau 8 năm điều trị, cô Cam Thảo đi xét nghiệm lại và vui mừng khôn xiết vì trong người đã không còn tế bào ung thư nào.
Khoảnh khắc suy sụp... 
Cô Nguyễn Thị Cam Thảo (61 tuổi) vẫn còn nhớ như in ngày nhận kết quả bị ung thư bàng quang và ung thư gan vào 8 năm trước. Khi đó cả đất trời như sụp đổ, những người thân đã ra đi vì ung thư lần lượt hiện lên trước mặt cô Thảo như một minh chứng rõ ràng nhất của căn bệnh quái ác này.

Tôi mổ từ sáng hôm trước thì đến gần sáng hôm sau tôi mới tỉnh lại. Hai chục tiếng đó tôi đi đâu thì tôi không biết. Lần tỉnh dậy đầu tiên, tôi thấy xung quanh mình nhiều giường nhấp nhô trắng trắng, tôi nghĩ mình nằm ngoài nghĩa trang. Khi tỉnh 1 lần nữa nhìn ra ngoài cửa kiếng, tôi nhận ra cánh tay của chồng với con thì tôi biết là mình sống rồi, mình đã vượt qua được, tôi mỉm cười…

Cô Nguyễn Thị Cam Thảo

“Lúc tôi nhận kết quả là chỉ còn 1 tháng nữa đến ngày cưới của con gái. Lúc ấy tôi nghĩ thôi buông xuôi, người ta một bệnh ung thư chữa còn không hết mà mình tới 2 bệnh thì chữa bằng cách nào. Vậy mà lúc chồng tôi đến, anh không nói gì về kết quả khám bệnh, vẫn đưa tôi đi ăn rồi về nhà tính chuyện tổ chức đám cưới cho con. Đêm đó, tôi nghĩ đến chồng, đến con rồi quyết định đi điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM”, cô Cam Thảo nhớ lại.
Sau đợt hóa trị đầu tiên đến ngày cưới của con gái, tóc cô Thảo rụng từng mảng, đau đớn nhưng cô vẫn gắng gượng dìu tay con gái đến trước bàn thờ gia tiên, cười với con rồi khi con vừa bước lên xe về nhà chồng thì cô lên phòng nằm vật ra vì không chịu nổi nỗi đau thể xác đang hành hạ.
Đau đớn là vậy, mà mỗi lần có chồng, con ở nhà là cô Thảo lại cố tỏ ra mình vẫn ổn và có thể tự làm được mọi việc để chồng con yên lòng.
“Có lần chồng ra ngoài, tôi đau đến mức không lết đi nổi, cảm giác lúc nào cũng như có một cuộn thép gai đang giày xéo trong ruột. Thế nhưng nghe tiếng mở cổng biết chồng về, tôi lại đứng lên đi được, đến bàn trang điểm đánh son cho tươi tỉnh và quấn lại cái khăn lên đầu để che đi cái đầu trọc lóc", cô Thảo bồi hồi nhớ lại.
Tin vào sự phát triển của khoa học
Cô Thảo ngồi tâm sự với chúng tôi về những ngày tháng chống chọi với bệnh ung thư mà giọng nhẹ tênh. Cô bảo giờ cô nhìn vòng xoay của cuộc đời nhẹ nhàng lắm. Cô nghĩ đây là cái nghiệp nên cô cứ trả, kiếp này không trả thì kiếp sau cũng sẽ phải trả, rồi đâu cũng vào đó.
Nhiều người nói với cô rằng ai mắc bệnh ung thư gan thì nên kiêng đụng dao kéo phẫu thuật vì sẽ có nhiều rủi ro hơn. Cô thì quả quyết từ trong suy nghĩ, giờ cô có còn gì để mất đâu. Vậy là cô quyết định mổ, khao khát sống trỗi dậy thôi thúc thêm niềm tin trong cô, cô chọn mổ hở. Hình thức mổ này sẽ khiến cô chết lâm sàng, rủi ro cao nhưng về sau thì an toàn hơn.
Cô Thảo cùng ông xã 8 năm ròng rã chiến đấu với hai căn bệnh ung thư của cô Ảnh: Lê Nam
Cô Thảo từng nghĩ rằng mình đang nằm ở nghĩa trang trong những lần nửa mê nửa tỉnh sau cuộc phẫu thuật Ảnh: Lê Nam
Cô Thảo nhớ lại: “Tôi mổ từ sáng hôm trước thì đến gần sáng hôm sau tôi mới tỉnh lại. Hai chục tiếng đó tôi đi đâu thì tôi không biết. Lần tỉnh dậy đầu tiên, tôi thấy xung quanh mình nhiều giường nhấp nhô trắng trắng, tôi nghĩ mình nằm ngoài nghĩa trang. Khi tỉnh 1 lần nữa nhìn ra ngoài cửa kiếng, tôi nhận ra cánh tay của chồng với con thì tôi biết là mình sống rồi, mình đã vượt qua được, tôi mỉm cười…”.
Chồng cô Thảo đã nghỉ làm để đồng hành với cô trong quá trình trị bệnh Ảnh: Lê Nam
Tinh thần là điều quyết định
Từ ngày cô Thảo bắt đầu đợt hóa trị đầu tiên, chồng cô khi đó là một nhà báo cũng nghỉ việc để dành toàn thời gian ở bên chăm sóc và đưa đón cô mỗi lần đến bệnh viện. “Tôi nhớ nhất là lần đang nằm ngủ, cái khăn quấn trên đầu bị tuột ra, tôi lật đật choàng vô lại. Chồng tôi bảo em để vậy cho thoáng, tôi nói em sợ xấu thì chồng xoa đầu rồi nói một câu khiến tôi khóc nức nở nhưng hạnh phúc vô cùng, đó là: với anh em lúc nào cũng là người đẹp nhất!”.
Nhiều lần tới bệnh viện khám bệnh, bác sĩ gọi tên cô nhưng đều là người chồng xuất hiện làm thủ tục khiến bác sĩ bất ngờ, riết rồi bác sĩ cũng quen mặt luôn.
Cô Thảo bất ngờ vì điều kỳ diệu đã đến với mình... Ảnh: Lê Nam
Cô Thảo chia sẻ: “Mỗi lần hóa trị là như xuống địa ngục, đau như chưa từng được đau nhưng có chồng luôn đồng hành khiến tôi tươi vui và bớt đau đớn hơn rất nhiều. Tôi không sợ chết, tôi không sợ đau đớn mà sợ tôi đau đớn làm những người thân tôi đau lòng!”.
Tôi không sợ chết, tôi không sợ đau đớn mà sợ tôi đau đớn làm những người thân tôi đau lòng!
Cô Nguyễn Thị Cam Thảo
Sau hai lần phẫu thuật, đến năm 2010, cô Thảo chuyển qua uống thuốc đông y ở Viện Y dược học dân tộc. Ở đây, mỗi lần đến lấy thuốc, cô Thảo được gặp những người cùng bệnh như mình, nói cười vui vẻ. Rồi họ thành lập câu lạc bộ 4T để mỗi tháng được gặp nhau một lần, cùng sinh hoạt, cùng lạc quan để cùng nhau kéo dài sự sống.
Và điều kỳ diệu cũng đến với cô Thảo, sau 8 năm ròng rã chiến đấu cùng ung thư, kết quả xét nghiệm mới đây cho thấy trong người cô đã không còn sự xuất hiện của tế bào ung thư nào.
Ngày có kết quả, chú Trần Hữu Chí (64 tuổi, chồng cô Thảo) đã vừa cười vừa khóc hét lên giữa sân bệnh viện: “Vợ tôi hết ung thư rồi!”. Có lẽ đó là điều nằm ngoài sức tưởng tượng của cô Thảo và gia đình. Và đó cũng là một cái kết đẹp cho sự mạnh mẽ, kiên cường trong 8 năm của vợ chồng cô.
Chú Chí trải lòng: "Ngày có kết quả khám bệnh của vợ khi biết mắc hai bệnh ung thư một lúc tôi cũng như bao nhiêu người khác, nghĩ tới tương lai mà thấy xa mịt mờ. Rồi tôi quyết định nghỉ việc để ở bên động viên, chăm sóc vợ. Nhiều lần nhìn vợ hóa trị hay bị những cơn đau dày vò tôi cảm thấy bất lực, tìm một chỗ rồi khóc chứ không biết làm gì hơn..."
Hôm nay, khi chia sẻ với chúng tôi về ung thư, cô Thảo đã cười tươi và luôn lạc quan rằng: “Ung thư với ai là điều nghiệt ngã nhưng với tôi đấy là ân huệ. Trước khi tôi bị ung thư chỉ quanh quẩn ở nhà, không biết mình muốn gì, làm sao cho vui lòng người khác, đến khi tôi bệnh mới ngộ ra tôi được rất nhiều người quan tâm. Trong lúc nghiệt ngã nhất của cuộc đời, tôi nhận thấy hạnh phúc của mình là được sẻ chia”.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Ung bướu, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - bác sĩ điều trị cho cô Cam Thảo cho biết nhiều bệnh nhân điều trị ung thư ở bệnh viện tái khám sau 3 - 6 tháng có chỉ số khá ổn định.
BS Tuấn Anh chia sẻ: “Bệnh nhân ung thư có chỉ số bình thường đều có thể tái phát bất kỳ lúc nào, riêng trường hợp của cô Cam Thảo thì sức khỏe cô từ 2009 đến 2015 nhìn chung là tốt. Cô Thảo cần cố gắng duy trì sự ổn định về sức khỏe như vậy”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.