Khắc khoải Huồi Pủng

23/10/2017 11:09 GMT+7

Biệt lập với bên ngoài bởi trùng điệp núi rừng và sông, hồ thủy điện, bản Huồi Pủng (xã Hữu Khuông, H.Tương Dương, Nghệ An) như một ốc đảo.

Cuộc sống của người dân nơi thâm sơn, cùng cốc này từ kiếm ăn đến học hành đều hết sức nhọc nhằn.
Nước lên thì nhà lên
Chiếc thuyền nhỏ, dài chông chênh rời bến Thượng Lưu (xã Yên Na, H.Tương Dương), ngược sông Nậm Nơn. Xế chiều, nắng rát mặt. Gió từ hướng mũi thuyền thốc vào, mang theo mùi tanh của cá. Ông Vi Văn Thôn, trạc 50 tuổi, chủ thuyền nói: “Chú thông cảm, thuyền này chủ yếu chở cá”. Sáng sớm, ông Thôn chạy từ bản Chà Coong, chở thuê cá, xuôi về bến thuyền nằm gần thân đập thủy điện Bản Vẽ, chiều lại chở nhu yếu phẩm ngược lên, mất gần 2 giờ chạy thuyền. Con thuyền bé nhỏ chính là “cần câu cơm” cho cả gia đình 4 miệng ăn, sống trôi nổi trên sông.

tin liên quan

Có ai về Cảnh Dương...
Từ hàng trăm năm nay, Cảnh Dương đã nổi tiếng trù phú, một “danh hương văn vật” và là pháo đài kháng chiến anh hùng của Quảng Bình.
Ông Thôn kể năm 2010, 130 hộ dân bản Chà Coong thuộc xã Hữu Dương (H.Tương Dương) cùng hàng ngàn hộ khác sống nơi thâm u này đã về tái định cư ở H.Thanh Chương (Nghệ An), nhường đất cho thủy điện Bản Vẽ. Ông Thôn và 36 hộ khác không chịu rời quê cũ, nên người thì lên núi dựng nhà, kẻ làm bè mảng, dựng nhà nổi trên sông. Thủy điện tích nước, nước lên thì nhà lên.
Cơn mưa rừng ập đến. Gió từ các thung lũng thốc ào ào xuống mặt sông. Chiếc thuyền chao đảo, khó nhọc vượt qua những đợt sóng, rồi cập vào một ngôi nhà tranh nổi trên sông, nhà của hai cha con ông Lương Văn Hoàn. Ông Hoàn ngồi bó gối bên bậu cửa, nhìn xa xăm ra mặt sông đang cuộn sóng. Thấy có thuyền ghé, khuôn mặt buồn khắc khổ của ông như sáng hơn. Ông nói: “Về đây buồn và vẫn khổ, mỗi ngày đánh cá kiếm được chừng trăm ngàn, nhưng còn hơn ở khu tái định cư không có việc gì làm”. “Mấy nhà kia cũng thế à?”, tôi hỏi và chỉ tay về hướng 4 cái nhà nổi khác đang dập dềnh trong mưa. Ông Hoàn gật đầu, nói: “Họ cũng như ta”.
Khắc khoải Huồi Pủng1
Một phụ nữ ở bản Huồi Pủng gùi lá cọ về lợp nhà
Nhọc nhằn con chữ, cái ăn
Thuyền cập bến khi mặt trời đã khuất bên kia rừng. Từ đây, mất gần một giờ đi bộ theo con đường mòn cheo leo nơi sườn núi, tôi mới vào được bản Huồi Pủng của xã Hữu Khuông. Điểm trường mầm non của Huồi Pủng hiện ra dưới chân một con dốc.
Cô Võ Thị Thanh, giáo viên duy nhất ở điểm trường này, bất ngờ và bối rối khi có khách lạ xuất hiện. Từ huyện miền biển Diễn Châu, cô Thanh đã 3 năm lên vùng cao cắm bản và đây là năm thứ 2, cô bám điểm trường Huồi Pủng. Năm học này, có 15 đứa trẻ từ 3 - 5 tuổi theo học. Điện lưới, sóng điện thoại chưa thể tới. Sau 3 năm dạy học, cô đang nhận mức lương hơn 5 triệu đồng mỗi tháng. “Buồn chứ anh, ban ngày có đám trẻ còn vui, khi chúng về, buồn lắm, nhất là mùa đông, ngoài ngủ chẳng biết làm gì”, cô giáo 25 tuổi nói.

tin liên quan

Sống mòn giữa dòng Lam
Từ một xóm làng đông đúc ở bãi đất nổi giữa sông Lam, giờ đây xóm phần lớn chỉ còn người già sau khi dân lần lượt bỏ làng ra đi để thoát cảnh đơn độc, khắc khoải giữa bốn bề sông nước.
Bên ngoài, trời bắt đầu sẩm tối, cô Thanh vào bếp, bắc nồi nước lên, nhen lửa. Cô bảo, ở một mình, cơm cũng khó nuốt nên cứ mì tôm cho tiện. “Khi mới đến, dân bản bảo, ở đây gần nghĩa địa, ma nhiều lắm. Em thấy toàn núi rừng, ban đầu cũng sợ nhưng giờ quen rồi, chẳng sợ nữa”, cô kể.
Càng vào sâu trong bản Huồi Pủng, đường càng khó đi. Tôi đến điểm Trường tiểu học Huồi Pủng vào lúc hai thầy giáo và một cô giáo đang chuẩn bị bữa tối là nồi canh măng. Có khách đột xuất, thầy Nguyễn Hải Dương xuống bản mua thêm con gà. “Anh thông cảm, ở đây ngoài măng rừng, chỉ mỗi món cá khô mang từ xuôi lên”, thầy Dương cười.
Bóng đêm phủ xuống, núi rừng đen sẫm. Vài ánh đèn leo lét hắt ra từ những ngôi nhà sàn của người Khơ Mú nằm cheo leo bên sườn núi. Mưa rả rích. Trưởng bản Lữ Văn Núi (32 tuổi, nhà ở sát bên điểm trường) cho biết dân ở đây nghèo từ bao đời nay vì gần như cô lập hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài.
Khắc khoải Huồi Pủng2
Điểm trường tiểu học
Khắc khoải Huồi Pủng3
Lớp học ở bản Huồi Pủng
Xa vời những mơ ước nhỏ nhoi
Huồi Pủng vốn thuộc xã Hữu Dương. Năm 2009, khi xã này xóa sổ vì phải di dân để thủy điện Bản Vẽ tích nước, Huồi Pủng không bị ngập nước nên dân ở lại và sáp nhập về xã Hữu Khuông. Từ bản ra trụ sở xã mất gần 1 giờ đi bộ và chừng 20 phút đi thuyền. Xuống huyện phải mất thêm gần 2 giờ đi thuyền và gần 1 giờ chạy xe máy. Bản có 62 hộ dân đều là hộ nghèo. Điện thắp sáng, điện thoại, ti vi là giấc mơ xa vời. Ngoài phát rẫy, đốt rừng trồng lúa theo cách truyền thống và chăn nuôi được ít bò, người dân ở đây chẳng biết làm gì thêm.

tin liên quan

Đến Malacca, nhớ Hội An
'Đến Malaysia mà không thăm phố cổ Malacca thì kể như chưa biết gì về xứ sở này!', một anh bạn làm việc nhiều năm ở thủ đô Kuala Lumpur nói với chúng tôi như vậy.

Đêm Huồi Pủng, núi rừng tĩnh mịch. Thầy Dương trở mình. Tiếng nan giường va vào nhau kêu kẽo kẹt. 33 tuổi, 12 năm toàn cắm bản lẻ, thầy Dương đã quen với cuộc sống mù thông tin. Nhưng, đó chưa phải là nỗi buồn nhất. Thầy Dương nói, buồn nhất là người dân không quan tâm đến con chữ. Mùa làm rẫy, nhiều gia đình mang theo con, ở luôn trong đó, các thầy lại mất nhiều ngày lội vào rừng tìm, đưa về trường, vì không đưa về các thầy dạy ai! Người dân ở đây cần cái ăn hơn cái chữ. “Năm rồi, có đứa tốt nghiệp cấp 3, hiếm lắm đấy! Nó định học cao đẳng sư phạm nhưng rồi lỡ mang thai, phải ở nhà”, giọng thầy Dương chùng xuống.
Một cơn gió lùa qua khe hở của những tấm liếp vào phòng, mát rượi. Thầy Dương nói, thầy cô vất vả đã đành, dân nghèo, nhìn học sinh thấy thương. Mùa đông, trên này lạnh lắm nhưng hầu hết chúng vẫn manh áo mỏng. Ăn uống kham khổ, lâu lâu mới có một bữa cơm có thịt. Chợt nhớ, hồi chiều cô Thanh mầm non kể với tôi, bữa ăn trưa của các cháu do cha mẹ mang đến từ sáng là xôi với chuối chín hoặc măng luộc, ít khi có trứng, thịt. Thương các cháu, cô phải nấu thêm nồi canh rau hoặc măng, mì tôm để các cháu dễ nuốt.
8 giờ sáng. Tiếng học bài ê a của đám trẻ trong ngôi trường nằm chênh vênh bên suối như xua bớt không gian khắc khoải nơi thâm sơn này. Trước khi chia tay, tôi hỏi Trưởng bản Núi và thầy Dương, nếu có điều ước cho bản, các anh ước gì? “Ước có đường chạy được xe máy ra trụ sở xã, có điện thắp sáng và sóng điện thoại”, trưởng bản nói. Còn thầy Dương chỉ mong: “Học sinh đứa nào cũng có cơm thịt, áo ấm, tất ấm trong mùa đông tới”. Ngồi trên chiếc thuyền mỏng manh rời khỏi bản, tôi chợt nghĩ, cái ước mơ tưởng như nhỏ nhoi của những con người nơi bản sâu Huồi Pủng nhưng sao xa vời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.