Khẩn cấp, người Việt chỉ cần gọi một số: Việc lợi cho dân thì cần làm ngay

07/05/2016 09:16 GMT+7

Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc các bài viết Khẩn cấp, người Việt Nam chỉ cần gọi một số và Cuộc gọi khẩn cấp đăng trên Thanh Niên ngày 6.5.

Rất thiết thực !
Hoan nghênh Thanh Niên đã đặt ra vấn đề này để cùng nhà nước tạo thuận lợi cho dân trong các tình huống khẩn cấp. Đây là một việc rất thiết thực, cần làm ngay, làm nhanh. Tuy nhiên theo tôi có 2 vấn đề cần đặt ra: Thứ nhất, phải nâng cao trách nhiệm phục vụ người dân của cơ quan chức năng khi người dân cần hỗ trợ; Thứ hai là phải có biện pháp chế tài nặng những người gọi đến đùa nghịch, chọc phá.
Nguyễn Văn Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Phục vụ rất tốt cho điều tra
Ở nước ngoài, các tình huống khẩn cấp khi người dân gọi kêu cứu, cũng là một thông tin rất quý cho việc điều tra vụ án. Việc lưu lại thời gian gọi, giọng nói của nạn nhân và tình huống xuất hiện qua cuộc điện đàm sẽ góp phần giúp nhà chức trách phán đoán hiện trường. Gom vào một số vừa giúp dân dễ nhớ, đồng thời cũng sẽ thúc đẩy cơ quan chức năng nhanh chóng tiếp cận hiện trường, không bị chậm trễ, là yếu tố vô cùng quan trọng khi xử lý tình huống khẩn cấp.
Hoàng Văn (Q.7, TP.HCM)

Khẩn cấp, người Việt Nam chỉ cần gọi một số

Đối mặt với nguy hiểm, khó có thể bình tĩnh để chọn một trong ba đầu số khẩn cấp cho 3 nhóm yêu cầu khác nhau (113, 114, 115) để gọi “cầu cứu”. Từ lâu nhiều nước đã chọn 1 đầu số khẩn cấp như 911 ở Mỹ hoặc 112 ở châu Âu...

Trách nhiệm bộ phận xử lý rất lớn
Gom về một số khẩn cấp là hoàn toàn đúng, tuy nhiên trách nhiệm và sự kiên nhẫn cũng như sự nhiệt tình của bộ phận xử lý thông tin là rất lớn và đòi hỏi phải kịp thời. Với một tình huống khẩn cấp, nếu chỉ 3 - 5 phút sau lực lượng chức năng có mặt thì sẽ giảm bớt rất nhiều thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân. Ngoài ra, hệ thống định vị phải được trang bị tốt để có thể xác định vị trí một cách nhanh nhất. Những vấn đề này, về mặt kỹ thuật là hoàn toàn có thể.
Ngọc Hoàng (H.Dĩ An, Bình Dương)
Để người dân cùng chung tay
Thuận lợi cho dân cũng là để người dân chung tay với nhà nước xử lý những tình huống khẩn cấp như cấp cứu, chữa cháy, xử lý hiện trường các vụ án... Nhìn nhận như vậy để thấy vấn đề thiết lập một đầu số điện thoại là có lợi cả đôi đường. Mặt khác, theo tôi, cũng cần học tập kinh nghiệm của các quốc gia khác để có hướng xử lý tình huống phù hợp hơn. Cần nhất là xóa bỏ sự chậm trễ trong việc chữa cháy, cấp cứu và đặc biệt là tiếp cận hiện trường các vụ án.
Ngọc Huy (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
       
Tôi tán đồng ý kiến chỉ nên có một số điện thoại khẩn cấp, giúp người dân dễ nhớ, dễ sử dụng. Bên cạnh đó, khâu tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp là quan trọng, đáng chú ý hơn cả. Dù số đẹp mà cả hệ thống ì ạch, gọi mãi không thấy ai đến thì dân chẳng cần.
Trần Văn Lời (TP.Long Xuyên, An Giang)
       
Một số khẩn cấp là quan trọng, nhưng thời gian và chất lượng xử lý thông tin cũng quan trọng không kém. Nên chọn những người giàu lòng nhân ái, giỏi chuyên môn và có tâm trong nghề để làm việc tại các trung tâm tiếp nhận thông tin khẩn cấp. Có như vậy thì người dân mới thực sự được đáp ứng nhanh chóng khi gặp phải tình huống khẩn nguy.
Nguyễn Thanh Tuyên (TX.Dĩ An, Bình Dương)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.