Khi các nàng không chịu... làm dâu!

11/11/2005 17:31 GMT+7

Kết hôn xong ra ở riêng, không sống chung với gia đình đang là một xu hướng lựa chọn của nhiều cặp vợ chồng ngày nay.

Ở riêng để không phải "làm con ai"

Trước khi làm đám cưới, Thảo ra điều kiện với Tuấn "không ở chung với bố mẹ chồng". Tuấn là con một nên không dễ gì thuyết phục bố mẹ cho ở riêng được, nhưng Thảo nhất quyết: Nếu không ở riêng thì không có đám cưới. Thảo biện minh rằng "Em không muốn phải là con ai cả vì không biết cách làm dâu. Em không phải là người đảm đang, không biết ứng xử với người già vì ở nhà em đã được cưng chiều. Nếu ở chung với bố mẹ chồng thì sẽ xảy ra cãi vã xung đột".

Thảo cam đoan với Tuấn rằng: Ra ở riêng mối quan hệ giữa cô và bố mẹ chồng sẽ tốt hơn bởi ít ra hai bên không ai xét nét được ai. Biết Thảo sẽ không "xuống nước" nên Tuấn đành hứa với cô sẽ ra ở riêng sau lễ thành hôn. Cưới được con dâu về, bố mẹ Tuấn khấp khởi mừng thầm vì từ nay nhà có thêm người, hai ông bà già đỡ cô quạnh.

Nhưng niềm vui mừng ấy của ông bà nhanh chóng vụt tắt, sau tuần trăng mật về, vợ chồng Tuấn đến thưa chuyện xin ra ở riêng "để vợ chồng con tự lập vì không muốn phụ thuộc bố mẹ". Mọi lời can ngăn của hai ông bà già, không thể thuyết phục được quyết tâm ra ở riêng của đôi vợ chồng trẻ. Họ hàng hai bên cũng xúm vào khuyên nhủ Thảo và bảo Tuấn không được nhu nhược phải kiên quyết với vợ. 

Song kết quả sau cùng là Thảo vẫn kéo được chồng ra ở riêng trong căn hộ mà trước kia hai người đã mua chung. Chỉ tội nghiệp cho bố mẹ Tuấn, mong có con dâu để đông cửa, vui nhà nhưng khi có rồi thì coi như mất luôn cả cậu con trai duy nhất.

Trước kia, Thảo thỏa thuận với chồng cuối tuần sẽ về thăm bố mẹ chồng một lần, sẽ thường xuyên thăm hỏi sức khỏe bố mẹ và không bao giờ quên việc chu cấp phụng dưỡng. Nhưng từ ngày ra ở riêng, Thảo phần vì bận với công việc ở cơ quan, ngày nghỉ lo chuyện mua sắm, dọn dẹp nhà cửa lại thêm có ác cảm với bố mẹ chồng sau chuyện xin đi ở riêng bị phản đối nên chẳng mấy khi cô về với bố mẹ chồng mà khi về cũng chỉ hỏi vài câu qua loa, lấy lệ.

Mối quan hệ giữa cô và bố mẹ chồng ngày một xấu đi. Bố mẹ Tuấn cứ gặp con trai là khóc than, tủi phận khiến cho anh trở nên cáu bẳn với vợ. Đổ cho bố mẹ chồng tội "xúi bẩy con trai về hắt hủi vợ" nên Thảo tìm cách giữ tiền khư khư, luôn tìm cách gây sự với chồng mỗi khi anh về nhà lấy tiền biếu bố mẹ. 

Giận vợ nhiều lần Tuấn bỏ về nhà ở với bố mẹ, Thảo cũng làm căng bỏ đi du lịch. Bố mẹ Tuấn lo cho hạnh phúc của cậu con trai nên cố gắng hàn gắn, xuống nước với cô con dâu đỏng đảnh. Khi Thảo mang thai, mẹ Tuấn đến chăm sóc và động viên cô về ở với ông bà để có người phụ giúp lúc sinh đẻ. Lúc này, Thảo vẫn không chịu "lép vế", cô vẫn gây căng thẳng, vẫn giữ thái độ không muốn gần gũi với bố mẹ chồng. Đến khi Tuấn không chịu được cái lý lẽ vô lễ của vợ "tôi đi làm vợ, chứ không đi làm con cho ai cả" thì cũng là lúc anh quyết định chờ vợ sinh con xong sẽ tính chuyện ly thân...

Ở chung nhà nhưng ăn riêng mâm

Cưới nhau xong, Thúy nằng nặc đòi chồng xin bố mẹ ra ở riêng để "hai vợ chồng được tự do, có nhiều khoảng thời gian dành cho nhau và không muốn có những va chạm, xích mích với bố mẹ chồng" nhưng Vị - chồng Thúy không chịu vì nếu ở riêng thì không có nhà ở. Sống chung với gia đình chồng, Thúy luôn có những dè chừng, xét nét mọi lời nói, hành vi của bố mẹ chồng. Nghe bố mẹ Vị nói gì, Thúy cũng suy diễn những điều không hay và tìm cách gây áp lực với chồng.

Cứ vào bữa cơm là Thúy tỏ thái độ giận dỗi Vị khiến bữa cơm gia đình luôn ngột ngạt. Thấy con dâu không "biết thân, biết phận", bố mẹ Vị quyết định cho hai vợ chồng ăn riêng. Lúc này, Thúy bàn với chồng đi thuê nhà ở nhưng Vị kiên quyết "tôi không phải là thằng lấy vợ về rồi đi theo vợ, bỏ bố mẹ ở nhà một mình". Thúy phải chấp nhận cảnh sống "một nhà, hai mâm" với bố mẹ chồng. 

Nhà có một bếp, một chỗ dọn mâm cơm nên hàng ngày, bố mẹ chồng Thúy nấu nướng, ăn cơm trước. Có nhiều hôm Thúy phải chờ hàng giờ đồng hồ mới có bếp nấu ăn vì mẹ chồng làm lụng chậm chạp. Thúy định chọn giải pháp ra ngoài ăn nhưng Vị một mực "là vợ có mỗi bữa cơm để thể hiện vai trò làm vợ, có mỗi việc đó không xong thì tôi lấy vợ về làm gì". Trút lên đầu chồng cái tội "chỉ biết có mỗi bố mẹ, coi vợ không ra gì", Thúy trả đũa bằng cách cô luôn cố ý giành bếp nấu ăn với mẹ chồng, mua nhiều thức ăn ngon, thường xuyên đổ thức ăn đi, không bao giờ chịu mang biếu đồ ăn cho bố mẹ chồng và không nhường bố mẹ Vị ăn cơm trước nữa. Thúy cảm thấy hả hê khi vào bữa ăn, dọn hai mâm cơm ra, mâm của bố mẹ chồng toàn thức ăn đạm bạc, còn bên này, vợ chồng Thúy toàn món ăn ngon, hấp dẫn. Cô càng thấy thỏa mãn mỗi lần Vị mang biếu thức ăn bị bố mẹ trả lại.

Ngày nào, giữa Thúy và mẹ chồng cũng có những trận cãi vã về chuyện nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Nhiều lúc Thúy cố tình làm bừa bộn nhà cửa để "trêu ngươi" mẹ chồng. Vị thì ngày một trở nên cục cằn với vợ hơn, mỗi bận vợ cãi vã với mẹ, anh lại "nổi khùng" ra ngoài uống rượu, đi đánh bạc. Anh cũng muốn "trả đũa" vợ vì "cô đối xử không tốt với bố mẹ tôi thì đừng mong tôi là con rể tốt". Chẳng mấy khi Vị đến thăm hỏi bố mẹ vợ.

Cuộc sống vợ chồng của Thúy liên tục xảy ra những xung đột. Bố mẹ chồng cô thì ngày một dửng dưng với con dâu, lúc cô mang thai cũng chẳng đoái hoài gì. Sống chung một nhà nhưng Thúy và bố mẹ chồng coi nhau như những người xa lạ. Bản thân Thúy nhiều lúc cũng thấy ân hận về cách hành xử của mình với bố mẹ chồng, cô định tìm cách xin lỗi nhưng lúc này hai ông bà già đã chất chứa quá nhiều ác cảm, định kiến với con dâu. Đã quá muộn để Thúy thiết lập một cuộc sống hòa hợp với gia đình chồng...

Giải quyết mâu thuẫn thế hệ

Vấn đề đặt ra ở đây là để giải quyết mâu thuẫn giữa các thế hệ hãy bắt đầu từ việc xóa đi những định kiến, những nhìn nhận sai lầm của mọi thành viên trong gia đình về nhau. Để từ đó xóa đi khoảng cách về sự khác biệt trong quan điểm, lối sống. Đó là điều cần thiết để tạo một cuộc sống êm ấm, hòa hợp khi gia đình có nhiều thế hệ sống chung một mái nhà...

Theo Phụ Nữ Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.