Khổ vì vợ quá chiều... chồng

20/03/2016 09:33 GMT+7

Nhiều người đàn bà nghĩ rằng, bình đẳng nghĩa là so đo tị nạnh với chồng từng ly từng tí hoặc chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng réo chồng cho bằng được.

Nhiều người đàn bà nghĩ rằng, bình đẳng nghĩa là so đo tị nạnh với chồng từng ly từng tí hoặc chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng réo chồng cho bằng được. 

Minh họa: Văn NguyễnMinh họa: Văn Nguyễn
Thế nhưng, ngoài mẫu đàn bà cầu toàn bằng cách tự ôm đồm vào thân việc lớn việc nhỏ, buông bớt ra chỉ sợ không vừa ý thì còn có dạng phụ nữ tự làm khổ mình, coi chồng là chúa tể, vợ đương nhiên là ô sin không công.
Ai lại để cho đàn ông rớ tay vào mấy việc đàn bà như này, kỳ chết, khó coi lắm. Đàn ông phải lo việc lớn, chứ không thể cứ đâm đầu vào bếp lặt rau rửa chén lau nhà. Đàn ông mà đi chợ, so đo trả giá, thấy… hèn hèn sao ấy! Chị Nga kết luận như vậy. Và chị thực hành đúng bài bản, không để chồng phải động tay vào việc nhà.
Cơm bưng nước rót. Chồng chị quen được vợ “đội lên đầu”, ăn trên ngồi trốc, nên ban đầu có chút ái ngại, sau cũng lấy làm thường. Đi làm về mà cơm nước chưa xong, anh nhăn nhó khó chịu, rồi vừa coi ti vi vừa đợi vợ tất bật nấu, dọn, kéo ghế.
Từ một người đàn ông bình thường, khá tiến bộ, biết làm các việc cá nhân, anh thích thú hưởng thụ việc đi tắm được vợ lấy khăn, công tác có vợ soạn vali dùm, bữa sáng có nước chanh nóng pha mật ong cho chồng. Thậm chí, đi đâu bên ngoài, chị cũng giành mang vác đồ đạc, với lý do, để đàn ông tay xách nách mang, người ta cười cho vào mặt!
Gia đình anh chị có hai con, đủ trai gái. Chị Nga dạy con theo đúng bản sao của hai vợ chồng, nghĩa là con gái phải thế này thế nọ, từ tề gia nội trợ tới hy sinh, nhún nhường, phục vụ. Còn đứa con trai: miễn cho nó các thứ lặt vặt ấy, nó là phái mạnh cơ mà! “May” thay, cô bé con gái chị Nga biết phân bì và phản kháng. Thấy con cứng đầu, chị cũng không quá o ép, chỉ thi thoảng than rằng, sợ sau này nó lấy chồng, lại chẳng ra sao, bị người ta… trả về thì mang nhục!
Con trai chị Nga đương nhiên là thích thú với sự nuông chiều thoải mái của mẹ. Quần áo cứ tung tóe vung vãi ra đó, có mẹ lượm lại, giặt ủi, phơi phóng. Nhà thêm một người đàn ông có quyền rung đùi ngồi chờ bữa. Mọi thứ đã có mẹ bao cấp. Cứ nhìn ba mà xem, mình sống theo khuôn mẫu đó là ổn, chứ có gì đâu mà phải lăn tăn, nhỉ!
Mọi thứ lẽ ra sẽ mãi diễn ra như thế, cho đến một đợt chị Nga bị bệnh, yếu ớt phải nằm nghỉ dưỡng. Một tay cô con gái nhỏ không thể cáng đáng hết mọi thứ trong nhà. Guồng quay gia đình đảo lộn lên cả. Chồng chị phát điên với việc cơ quan, việc nhà, lại phải chăm vợ ốm.
Con trai quen được phục vụ nên lóng ngóng, chậm chạp, chẳng biết thu xếp bất cứ thứ gì, dù là chỉ cho chính mình. Chị Nga nằm một chỗ mà nào có yên, phải chỉ đạo cái này hướng dẫn cái kia, mà nhà cửa cứ rối tung cả lên, hệt như trong một bộ phim bi hài…
Khi chị Nga khỏe lại, cũng là lúc mọi người có dịp nhìn lại, nhận ra sự lợi hại của vợ của mẹ, những khó nhọc vất vả không tên mà lâu nay chị Nga âm thầm gánh lấy. Nhưng riêng chị lại cay đắng với ý nghĩ, mình thật là… vô phước, chồng con vô tâm chẳng phụ được gì. Chị thầm nhủ, mình sau này phải lo giữ sức khỏe, chứ đau bệnh xuống, đúng là khổ cho cả nhà, không thể để chồng và con phải mó tay vào việc nhà như thế, coi không được chút nào!
Tâm sự với bạn, chị Nga nhận được cái lắc đầu khó hiểu, kèm theo một câu thẳng thừng rằng: với kiểu suy nghĩ ấy, chết mệt chết khổ cũng là do mình, chẳng ai thông cảm hay chia sẻ nổi đâu, Nga à!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.