Bí ẩn hoa văn cánh bướm

20/02/2010 18:24 GMT+7

Cách mà hai loài bướm khác nhau tiến hóa để có màu sắc và hoa văn giống hệt nhau đã kích thích tò mò của giới khoa học từ thời Darwin. Giờ đây, các nhà sinh vật học đã tìm ra các “điểm nóng” trong gien của chúng.

Heliconius hay bướm hoa lạc tiên sống ở châu Mỹ, trong khu vực trải dài từ miền nam nước Mỹ đến miền nam Mỹ La-tinh. Dù chúng không giao phối nhưng hai loài H.melpomene và H.erato cùng tiến hóa để bắt chước nhau một cách rất hoàn hảo. Cả hai đều có đốm đỏ vàng trên cánh sau - lời cảnh báo gửi tới các loài chim rằng chúng chứa chất độc và có mùi vị vô cùng khó chịu. Chúng bắt chước màu sắc và hoa văn để củng cố các tín hiệu cảnh báo này.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu về hai loài này từ những năm 60 của thế kỷ 19 như là một trường hợp kinh điển của hoạt động tiến hóa. Nhưng chỉ đến bây giờ, nhờ công nghệ xếp chuỗi hiện đại mới giải mã được di truyền học bên trong nó. Nhóm nghiên cứu bao gồm các chuyên gia Anh và Mỹ do Đại học Cambridge chủ trì đã dày công tìm kiếm các gien quy định hoa văn cánh bướm và tìm đáp án cho câu hỏi: liệu có phải có cùng một gien trên hai loài khác nhau chịu trách nhiệm cho việc bắt chước hay không?

Tiến sĩ Chris Jiggins của khoa Động vật học thuộc Đại học Cambridge, một trong những tác giả nghiên cứu, nhận định: “Sự bắt chước ở đây rất khác thường. Hai loài mà chúng tôi nghiên cứu - H.erato và H.melpomene - có quan hệ khá xa nhau, nhưng bạn không thể phân biệt được trừ khi có chúng trong lòng bàn tay. Sự tương tự thật không thể tin nổi - giống hệt từng chấm trên cơ thể và đúng từng chi tiết trên hoa văn cánh”. Mục đích của việc tiến hóa để có vẻ ngoài giống hệt nhau như vậy là để chống lại các loài chim ăn côn trùng.

Các loài bướm này đã được nghiên cứu từ thời Darwin vì chúng là ví dụ nổi bật cho tính thích nghi của sinh vật. Trong nhiều năm, các nhà khoa học luôn trăn trở với câu hỏi liệu các loài khác nhau có tiến hóa để trông giống nhau, và liệu chúng có chung một cơ chế di truyền hay không.

Vì có hàng ngàn gien trong bộ gien của loài bướm nên hầu hết các khoa học gia đều cho là không thể có các gien liên quan giống nhau. Nhưng thực tế kết quả nghiên cứu này khẳng định là có. Kết quả nghiên cứu cho thấy những khu vực trong bộ di truyền liên quan đến hoa văn cánh là rất nhỏ, gần giống như các “điểm nóng” di truyền. “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ngụ ý rằng dù có hàng ngàn gien trong bộ di truyền nhưng chỉ có một hoặc hai gien hữu ích cho việc thay đổi hoa văn. Dường như tiến hóa chỉ tập trung ở một số vùng khá nhỏ trong bộ di truyền, tức các “điểm nóng”, trong khi phần còn lại không thay đổi nhiều lắm”, Jiggins cho biết.

Giai đoạn tiếp theo của cuộc nghiên cứu sẽ là xem xét những đặc điểm khác như hành vi, do các loài bướm này dành ưu tiên cho một số màu cụ thể và dùng hoa văn cánh để chọn bạn tình.

Khang Huy
(Theo Times of India, Science Daily)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.