Du lịch không gian trong tầm tay

19/07/2009 10:13 GMT+7

Tròn 40 năm sau ngày phi thuyền Apollo 11 đáp xuống Mặt trăng (16-7-1969), việc du hành vào vũ trụ vẫn chỉ là một giấc mơ xa vời đối với phần lớn người dân Trái đất. Tuy nhiên, với quá trình “tư nhân hóa không gian”, các chuyến bay thương mại lên quỹ đạo đang dần trở thành hiện thực.


Mô hình phi thuyền SpaceShipTwo của Hãng Virgin Galactic - Ảnh: Virgingalactic.com 

Hiện tại, các cơ hội du lịch không gian vẫn rất hạn chế và cực kỳ đắt đỏ. Giá mỗi chuyến bay lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) bằng tàu Soyuz của Nga lên tới 20-28 triệu USD. Đến nay, mới chỉ có sáu du khách giàu có đặt chân lên ISS và ngắm nhìn Trái đất từ vũ trụ. Tuy nhiên, hàng loạt công ty tư nhân tại Mỹ đang chạy đua phát triển hạ tầng cùng thiết bị để chính thức hình thành ngành công nghiệp du lịch vũ trụ, bước đầu là với các chuyến bay dưới quỹ đạo - đủ cao để chạm tới rìa không gian, còn mục tiêu tham vọng hơn là xây dựng các trạm vũ trụ cho người ở.

Bồng bềnh không trọng lượng

Một số công ty như Virgin Galactic, XCOR Aerospace, Armadillo Aerospace, Rocketplane Limited... đã chuẩn bị bán vé các chuyến bay dưới quỹ đạo ở độ cao 100-160km từ mặt đất, kéo dài khoảng 2 giờ 30 phút. Giá mỗi chuyến bay - bao gồm cả phí huấn luyện trước khi bay - “chỉ” là 200.000 USD, rẻ hơn nhiều so với cuộc du hành lên ISS. Theo Stephen Attenborough, giám đốc thương mại của Virgin Galactic, tính đến tháng 7-2009, đã có khoảng 3.000 người đóng phần lớn số tiền này để được có mặt trên những chuyến bay đầu tiên. Ngoài ra, có tới 80.000 người khác đã đăng ký tham gia.

Phi thuyền SpaceShipTwo của Virgin Galactic đặt ở bang New Mexico chở được sáu hành khách. Nó sẽ được một máy bay chở lên độ cao 15km trước khi tự bay lên độ cao dưới quỹ đạo. Ở đó, các du khách sẽ được nếm trải cảm giác bồng bềnh không trọng lượng trong vòng 3-6 phút và ngắm nhìn Trái đất qua các cửa sổ lớn của tàu không gian này. Virgin Galactic đang cho máy bay chuyên chở bay thử nghiệm, còn SpaceShipTwo sẽ bay thử nghiệm khoảng 20-30 lần bắt đầu từ cuối năm nay, và các chuyến du hành không gian của Virgin Galactic sẽ chính thức bắt đầu trong vòng 18 tháng đến hai năm tới.

Du lịch không phải là mục tiêu duy nhất. Attenborough cho biết Virgin Galactic có thể chỉnh sửa để SpaceShipTwo đưa các vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo, hi vọng có thể bán dịch vụ cho các cơ quan muốn thực hiện các thí nghiệm khoa học ở độ cao không trọng lượng. “Có một phi thuyền như SpaceShipTwo đưa các nhà khoa học lên không gian với chi phí khá thấp quả là một thay đổi lớn lao đối với khoa học” - ông Attenborough khẳng định.

Trong khi đó, XCOR Aerospace cũng đang phát triển loại phi thuyền Lynx có kích cỡ chỉ bằng một máy bay nhỏ có thể đưa một phi công và một hành khách lên rìa không gian để du lịch hoặc nghiên cứu khoa học. Mỗi chuyến của phi thuyền Lynx dài một giờ, cộng với phí huấn luyện giá tour khoảng 95.000 USD. XCOR Aerospace sẽ cho Lynx bay thử vào cuối năm 2010.

Các ngôi nhà không gian

Còn Hãng Bigelow Aerospace tại bang Nevada đang phát triển các môđun - nhà vũ trụ có vỏ ngoài làm bằng sợi co dãn. Chúng được nén lại khi chuyên chở và khi lên quỹ đạo sẽ phồng ra thành những trạm vũ trụ thu nhỏ thật sự. Vỏ của các ngôi nhà vũ trụ này có độ dày khoảng 30cm và chứa chất liệu kevlar như ở loại áo gilê chống đạn nhằm bảo vệ rác không gian không thể xuyên thủng.


Mô hình nhà không gian Sundance của Hãng Bigelow Aerospace - Ảnh: Wikipedia 

Đối tượng khách hàng mà Bigelow nhắm đến là các nhà khoa học và phi hành gia từ các nước chưa từng sử dụng ISS, hoặc các nước mới đi những bước đầu tiên trong cuộc chinh phục vũ trụ. “Nghiên cứu trên các ngôi nhà vũ trụ của Bigelow với chi phí thấp có thể giúp các nhà sản xuất tạo ra chất liệu mới cho những sản phẩm như siêu máy tính hay các ngôi nhà cao tầng” - ông Mike Gold, giám đốc văn phòng Washington của Bigelow, quảng cáo.

Bigelow đã đưa hai mẫu môđun Genesis I và II không có người ở lên quỹ đạo vào năm 2006 và 2007 bằng tên lửa Dnepr-1 của Ukraine và đã hoàn thành mẫu thứ ba Galaxy vào năm 2008 nhưng không phóng lên quỹ đạo. Dự kiến năm 2011, Bigelow sẽ đưa lên không gian mẫu môđun Sundancer bằng tên lửa Falcon 9 của Hãng Space X (Mỹ). Một mẫu nhà không gian khác là BA 330 sẽ được phóng lên vào năm 2012-2014. Các môđun mới của Bigelow được thiết kế và trang bị đủ cho tám người cư trú. Các hãng không gian tư nhân trong ngành không gian này cũng đang tìm cách thuyết phục NASA thuê phi thuyền của họ để đưa phi hành gia NASA lên các quỹ đạo thấp thay vì sử dụng phi thuyền của chính NASA. Hiện NASA đang thuê hai công ty chở hàng hóa lên ISS, trong đó có hãng Space X.

Với tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay, nhiều người nghi ngờ dịch vụ du lịch tốn kém này sẽ khó thu hút được khách hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành lại tỏ ra lạc quan, như lời ông John Gedmark, giám đốc Tổ chức Bay vũ trụ thương mại (CSF), cho biết: “Ngành của chúng tôi vẫn liên tục tuyển nhân sự trong khi các ngành khác đang sa thải hàng loạt. Giới đầu tư bỏ tiền vào các công ty này đang rất quyết tâm”.

 
Bước chân đầu tiên trên Mặt trăng - Ảnh: Sélection
“Bước chân nhỏ bé của con người, nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại”

Đó là lời phát biểu của phi hành gia Mỹ Neil A. Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên bề mặt Mặt trăng bốn ngày sau khi phi thuyền Apollo 11 được phóng lên vào ngày 16-7-1969. Theo cuốn sách Rocket men (Người tên lửa) xuất bản tháng 6-2009 của Craig Nelson, trước chuyến bay nhiều tháng phi hành đoàn được nhiều bạn bè, đồng nghiệp và người nước ngoài hỏi là người đầu tiên bước xuống Mặt trăng sẽ nói câu gì trước tiên.

Nhiều người ở Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA) cũng góp nhiều ý kiến, bàn luận sôi nổi là nên nói câu gì. Cuối cùng, Julian Scheer, người phụ trách quan hệ công chúng, chấm dứt cuộc tranh luận khi nói: “Các anh có nghĩ là hoàng hậu Isabel đã buộc Christopher Columbus nói câu gì khi khám phá ra châu Mỹ không?”.

Tuy nhiên, Armstrong quan tâm đến câu hỏi ấy. Ông suy nghĩ rất lâu và đã tự chọn một câu nói, nhại theo tên một trò chơi trẻ em “Baby Steps, Giant Steps” (Bước chân trẻ, bước người khổng lồ). Câu nói của Neil Amstrong đã gây ngạc nhiên và thích thú cho cả thế giới. Con trai của Armstrong là Rick, lúc ấy 12 tuổi, sửng sốt: “Nói chung, khi người ta hỏi bố điều gì, bố cũng chẳng trả lời nữa kia mà”.

 Theo Hiếu Trung / Báo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.