Giải mã hiện tượng thằn lằn mọc lại đuôi

21/08/2014 08:40 GMT+7

(TNO) Từ lâu, con người đã bị cuốn hút bởi khả năng rụng và mọc lại đuôi của loài thằn lằn. Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được gen kích hoạt sự phát triển mô mới của thằn lằn, sau khi nó hy sinh phần đuôi để thoát khỏi động vật ăn thịt.

Các nhà khoa học tin rằng, “công thức di truyền” này có thể dẫn đến việc phục hồi cơ bắp và thần kinh của con người.

Các nhà khoa học từ Đại học Arizona (Mỹ) đã sử dụng công nghệ trình tự gen để nghiên cứu quá trình này của thằn lằn Anole màu xanh lá cây có tên khoa học là Anolis carolinensis.

Daily Mail dẫn lời giáo sư Kenro Kusumi cho biết, về cơ bản thì thằn lằn có thể chia sẻ hộp công cụ về gen như con người. Thằn lằn là loài động vật có quan hệ gần gũi với con người về khả năng tái tạo lại phần phụ của cơ thể.

Các nhà khoa học phát hiện rằng, có ít nhất 326 gen ở các khu vực cụ thể của đuôi tái tạo, bao gồm cả những gen liên quan đến sự phát triển của phôi thai, phản ứng đến các tín hiệu nội tiết tố và chữa lành vết thương.

Một số loài động vật khác bao gồm kỳ nhông, nòng nọc, cá có thể tái sinh phần đuôi và đôi khi là cả các chi của chúng. Tất cả đều sử dụng cái gọi là “con đường Wnt”, cung cấp các tín hiệu phân tử cần thiết để kiểm soát các tế bào gốc ở nhiều mô, bao gồm não, nang lông và các mạch máu. Tuy nhiên, mô hình của thằn lằn độc đáo hơn đối với sự phát triển trên toàn đuôi.

Elizabeth Hutchins, đồng tác giả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Public Library of Science One cho biết, tái sinh không phải là một quá trình ngay lập tức, trong thực tế thằn lằn cần 60 ngày để phục hồi đuôi. Thằn lằn tạo thành một cấu trúc tái sinh phức tạp với các tế bào phát triển thành các mô tại một số địa điểm dọc theo đuôi.

Dailly Mail dẫn lời giáo sư Kusumi cho biết thêm rằng, trong tương lai, bằng cách làm theo các công thức di truyền tái sinh được tìm thấy trong thằn lằn, các nhà khoa học có thể khai thác những gen tương tự trong các tế bào của con người, sau đó giúp mọc lại cơ, sụn mới và ngay cả dây thần kinh tủy sống.

Tạ Xuân Quan

>> Phát hiện loài thằn lằn bay mới
>> Phát hiện loại thằn lằn mới ở Cao Bằng
>> Thằn lằn không chân
>> Thằn lằn Pinocchio
>> Loài thằn lằn tiền sử tên Obama
>> Bí quyết bay của thằn lằn Quetzalcoatlus

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.