Hóa thạch cổ nhất của sinh vật có hệ tuần hoàn

14/04/2014 03:15 GMT+7

Đầu tháng 4 này, các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch của loài sinh vật giống con tôm, sống cách đây 520 triệu năm. Hóa thạch chứa mẫu bảo tồn của hệ tuần hoàn sinh vật này gồm tim và mạch máu, đại diện cho hệ thống tim mạch lâu đời nhất.

 Hóa thạch cổ nhất của sinh vật có hệ tuần hoàn

Có tên khoa học Fuxianhuia protensa, đây là động vật chân đốt nguyên thủy, một nhóm với các động vật không xương sống với phần xương bên ngoài bao gồm động vật giáp xác như cua, tôm… cùng các loài sống trên đất liền như côn trùng.

Hóa thạch đáng chú ý này được khai quật tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nó có niên đại vào kỷ Cambrian, đó là thời điểm quan trọng trong lịch sử sự sống trên trái đất khi các nhóm động vật lớn đầu tiên xuất hiện hơn nửa tỉ năm trước.

Nhà cổ sinh vật học Xiaoya Ma đang làm việc cho Bảo tàng Lịch sử tự nhiên, thành viên nhóm nghiên cứu viết trên tạp chí Nature Communications: “Đây là trường hợp cực kỳ quý hiếm và khác thường khi một cơ quan tinh tế như hệ tuần hoàn có thể được bảo quản trong hóa thạch lâu đời”. Các phần mềm của cơ thể động vật có xu hướng phân rã sau khi chết nên hầu hết hóa thạch thường chỉ bảo quản được phần cứng như xương, răng và lớp vỏ. Tuy nhiên, một số trường hợp rất đặc biệt thì mô mềm cũng có thể được bảo quản trong các hóa thạch, Xiaoya Ma cho biết.

Theo hãng tin Reuters, hóa thạch của Fuxianhuia protensa cho thấy một trái tim hình ống ở giữa cơ thể với một hệ thống phức tạp các mạch máu dẫn đến đôi mắt, não, râu và chân của sinh vật này. Các nhà nghiên cứu cho biết hóa thạch này làm sáng tỏ sự tiến hóa của tổ chức cơ thể động vật và cho thấy thậm chí một số sinh vật đầu tiên vẫn còn lưu giữ được dấu vết cấu trúc cho các hậu duệ sau này. Reuters dẫn lời nhà thần kinh học Nicholas Strausfeld từ Đại học Arizona cho biết 520 triệu năm trước đã có một hệ thống tuần hoàn phát triển phức tạp đáng kể, đặc biệt là việc phân bố hệ thống mạch lên não.

Fuxianhuia protensa dài khoảng 11,4 cm, được bao phủ bởi một bộ xương ngoài, sở hữu rất nhiều đôi chân, phần đầu có lớp vỏ che chắn gần giống như đầu tôm, cặp râu và cuống mắt có thể dịch chuyển xung quanh để quan sát các hướng khác nhau.

Tạ Xuân Quan
Ảnh: Reuters

>> Hóa thạch cổ nhất của côn trùng hình que
>> Kháng sinh từ phân hóa thạch
>> Phát hiện hóa thạch khủng long đầu tiên tại Malaysia
>> Phát hiện hóa thạch của loài bò sát biển cổ đại
>> Hóa thạch ghi nhận chuyển tiếp từ vây cá thành chân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.