Khoa học tại World Cup 2014

16/05/2014 03:15 GMT+7

Trung tuần tháng 6 năm nay, quả bóng Brazuca sẽ lăn trên các sân cỏ Brazil đem lại niềm vui cho hàng tỉ người đam mê bóng đá trên toàn thế giới. Bên cạnh tinh thần thể thao, một số yếu tố khoa học cũng song hành cùng ngày hội bóng đá này.

 Ảnh: Physorg Adidas
Ảnh: Physorg Adidas

Xương robot cho người khuyết tật

Tại lễ khai mạc World Cup 2014 sẽ diễn ra tại sân vận động Sao Paulo, có một tiết mục rất thú vị: trình diễn bộ trang phục với xương robot gắn ngoài giúp bệnh nhân liệt có thể dùng ý nghĩ của mình để điều khiển bước đi.

Bộ xương gắn ngoài này được phát triển bởi nhóm các nhà khoa học quốc tế và là một phần trong dự án Walk Again, dưới sự lãnh đạo của tiến sĩ Miguel Nicolelis, nhà thần kinh học người Brazil đang làm việc tại Đại học Duke, North Carolina (Mỹ). Sản phẩm khoa học này là kết quả từ sự hợp tác của hơn 10 trường đại học và các viện kỹ thuật trên thế giới trong 10 năm.

Thông tin từ hãng BBC cho biết từ tháng 11 năm ngoái, tiến sĩ Miguel Nicolelis đã huấn luyện cho 8 bệnh nhân bị liệt sử dụng trang phục exoskeleton (bộ xương kim loại gắn ngoài), điều khiển bằng ý nghĩ. Sau khi trình diễn trên sân cỏ, một bệnh nhân liệt sẽ đứng lên từ xe lăn rồi phát đường bóng đầu tiên cho World Cup 2014. Đó là kế hoạch ban đầu còn chi tiết về buổi trình diễn vẫn còn được giữ kín.

Tạp chí Physorg cho biết bộ xương kim loại gắn ngoài cơ thể bệnh nhân liệt là một dạng robot hoạt động theo nguyên lý thủy lực. Cơ chế có thể phác thảo như sau: ý nghĩ xuất phát từ não bệnh nhân sẽ được truyền đến bộ xương gắn ngoài, tín hiệu phản hồi sẽ gửi về chiếc mũ người dùng đang đội trên đầu rồi chuyển tiếp đến ba lô mang trên vai. Trong chiếc ba lô này là một máy tính sẽ giải mã các tín hiệu và truyền đến chân ra lệnh hoạt động. Pin trong ba lô cho phép máy hoạt động được 2 giờ.

Những điều chưa biết về Brazuca

Quả bóng chính thức phục vụ ngày hội bóng đá toàn cầu này được đặt tên Brazuca (tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là người Brazil), do hãng Adidas sản xuất với nhiều tính năng kỹ thuật mới.

 Những điều chưa biết về Brazuca
Ảnh: Physorg Adidas

Hồi World Cup 2010 tổ chức ở Nam Phi, quả bóng Jabulani bị chê bai nhiều vì tính không ổn định và đường bay khó tiên đoán. Còn bóng Brazuca 2014 có chu vi 69 cm, độ nảy 141 cm, nặng 437 gam, độ ngấm nước chỉ 0,2% do vậy dường như không thay đổi hình dạng, kích cỡ, trọng lượng dưới trời mưa. Nó được tạo thành từ 6 mảnh polyurethane ghép cùng nhau. Đường nối giữa các mảnh ghép được nghiên cứu kỹ về hình học và khí động học để giúp nó hoạt động ổn định trong không khí. Với cấu trúc không quá nhẵn, Brazuca có tốc độ bay khoảng 80 km/giờ trong tình huống đá phạt, phù hợp với những mùa World Cup trước.

Độ sâu giữa các đường nối các mảnh polyurethane là 1,56 mm, gấp 3 lần so với bóng Jabulani (0,48mm). Tổng chiều dài các đường nối của Brazuca là 327 cm so với Jabulani chỉ 203 cm. Đó cũng là những yếu tố giúp Brazuca giảm tác động bất lợi của khí động học, giúp hoạt động hiệu quả hơn so với những quả bóng tiền nhiệm trong các kỳ World Cup trước.

Tạ Xuân Quan

>> Gắn camera lên quả bóng
>> Quả bóng hút bụi
>> Bản quyền World Cup 2014, đắt xắt ra miếng
>> Thị trường ti vi sôi động trước thềm World Cup
>> Cơ hội tận hưởng lễ hội bóng đá World Cup tại Brazil

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.