Nghiên cứu mới về nan đề "giết một cứu năm"

06/12/2011 17:17 GMT+7

(TNO) Bạn có chấp nhận giết một ai đó nếu làm thế là cách duy nhất để cứu mạng năm người khác? Một nghiên cứu mới của Đại học bang Michigan (Mỹ) gợi ý về cách phản ứng của con người khi đứng trước song đề kinh điển này.

(TNO) Hãy tưởng tượng bạn là người bẻ ghi một toa tàu hàng mất kiểm soát đang lao trên một đường ray có năm công nhân đang sửa chữa. Các công nhân không có thời gian để ra khỏi đường ray trừ khi bạn bẻ ghi để toa tàu hướng sang một đường ray khác. Tuy nhiên, có một công nhân khác đang ở trên đường ray này. Bạn chỉ có vài giây để đưa ra quyết định: để năm công nhân chết hoặc giết người còn lại.

Song đề trên vốn là một câu hỏi hóc búa nổi tiếng của triết học ban đầu được gọi là “nan đề xe goòng”. Một đội ngũ các nhà nghiên cứu thuộc khoa tâm lý học của Đại học bang Michigan đã sử dụng công nghệ hiện thực ảo để tìm hiểu cách con người đáp trả về mặt tâm lý và sinh lý khi đối mặt với vấn đề, theo tờ Time hôm 5.12.


Cần gạt để người tham gia chuyển hướng con tàu - Ảnh: Đại học bang Michigan

Có hai cách tiếp cận triết lý đối lập nhau trước “nan đề xe goòng” là cách tiếp cận vị lợi (giết một người để cứu năm người khác) và cách tiếp cận “không gây hại” (để thượng đế và tự nhiên quyết định song không đưa ra lựa chọn chủ động để giết người).

Trong nhiều năm, các khảo sát chỉ ra rằng đại đa số người, thường chiếm khoảng 90%, đã chọn giết một người và cứu năm người. Song cho đến nay, chưa hề có một nghiên cứu xem xét cách con người phản ứng trong một tình huống giống thật với các nạn nhân giống thật.

Trong nghiên cứu của Đại học bang Michigan do nhà tâm lý học David Navarette đứng đầu, 147 người tham gia đã đưa ra chọn lựa khi đội một thiết bị thực tế ảo trên đầu chiếu ra hình ảnh những người có thể chết. Ngoài ra còn có thêm một yếu tố gây căng thẳng nữa là tiếng la hét của các nạn nhân khi toa tàu đến gần.

147 đối tượng cũng được gắn các điện cực vào da nhằm đo đạc các phản ứng của hệ thần kinh tự chủ. Navarette và nhóm nghiên cứu cũng tìm ra rằng 90% số người sẽ giết một người để cứu năm người.

Trong số 147 người tham gia, có 133 người đã bẻ ghi. Trong số 14 người chọn để năm người chết, có ba người ban đầu bẻ ghi song sau đó đưa nó trở về vị trí cũ. Những người không thể bẻ ghi có cảm xúc gia tăng mạnh mẽ hơn những người còn lại.

“Điều chúng tôi phát hiện là điều răn “Chớ giết người” có thể bị bỏ qua khi cân nhắc điều thiện lớn hơn”, nhà tâm lý học Navarette nói.


Người tham gia đội một thiết bị thực tại ảo - Ảnh: Đại học bang Michigan

Trong một cuộc thí nghiệm khác, đội nghiên cứu của Đại học bang Michigan đã thay đổi để toa tàu đâm vào một người trừ phi nó được đổi hướng để giết năm người. Nói cách khác lần này người tham gia phải chọn lựa hành động thụ động. Một lần nữa, 90% chọn cứu năm người thay vì một người. Nhóm này cũng ít xúc động hơn nhóm 10% chọn cứu một người.

Tóm lại, những người có thể kiểm soát được cảm xúc nhiều khả năng sẽ giết một người để giúp năm người sống sót, theo tờ Time.

Tuy nhiên, các tác giả lưu ý đến những giới hạn trong nghiên cứu của họ. Trước hết, thế giới hiện thực ảo cũng chỉ là ảo: không ai phải chịu hậu quả pháp lý cho việc giết một hình nhân. Thứ hai, các khảo sát cũng chỉ ra rằng khi đối mặt với câu hỏi liệu có dùng tay đẩy một người xuống đường ray để cứu năm người khác, chỉ có khoảng một nửa nói sẽ làm điều này.

Cuối cùng và quan trọng nhất, khi người mà họ sẽ phải giết để cứu năm người khác là con cái, là cha mẹ hoặc anh chị em, chỉ có khoảng 1/3 chọn lựa bảo vệ năm người.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.