Nhận diện 3 loại cây trồng biến đổi gien ở VN

15/09/2006 23:30 GMT+7

Một số giống cây trồng biến đổi gien đã được gieo trồng ở nước ta trong khi Nhà nước chưa có quy định quản lý và thông báo công khai.

Hầu hết các mẫu thức ăn chăn nuôi có mặt trên thị trường đều chứa sản phẩm biến đổi gien. Các nhà khoa học có ý kiến rất khác nhau về thực phẩm biến đổi gien.

Phát biểu tại hội thảo về thực phẩm biến đổi gien tổ chức chiều 15.9 tại Hà Nội, PGS.TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, hiện tại, ở nước ta, chuyển nạp gien và cây trồng mới chỉ được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và đạt được một số thành công bước đầu nhưng chưa đưa ra triển khai trong sản xuất. Tuy nhiên, các cây trồng và sản phẩm biến đổi gien đã được nhập vào nước ta bằng con đường chính thức hoặc không chính thức và vẫn chưa được quản lý hay thông báo công khai.

Kết quả một cuộc điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho thấy, hầu hết các mẫu thức ăn chăn nuôi có mặt trên thị trường đều chứa sản phẩm biến đổi gien (ngô và đậu tương chuyển gien) với một tỷ lệ nào đó. Phần lớn thức ăn chăn nuôi được nhập theo con đường chính thức thông qua các công ty liên doanh với nước ngoài. Bộ NNPTNT cũng nhận định, rất có thể một số thực phẩm chế biến từ đậu tương, ngô, cải dầu... trên thị trường cũng có chứa sản phẩm biến đổi gien mà ngoài nhãn mác không hề ghi thông báo "sản phẩm biến đổi gien".

3 cây trồng biến đổi gien đang hiện diện tại VN thông qua các con đường khác nhau được xác định là lúa, ngô và bông. Tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, các nhà khoa học đã xác định được một số mẫu ngô biến đổi gien (mang gien Bt) được trồng xen lẫn với cây ngô bình thường đã tạo ra hiện tượng trội gien. Một số công ty nước ngoài thông qua trung gian đã đưa trực tiếp các giống ngô mới này cho nông dân trồng và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Người dân tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trồng bông biến đổi gien (mang gien Bt) một cách tự phát. Một số công ty tại đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An đã nhập giống lúa biến đổi gien từ biên giới về bán lại cho các hộ nông dân gieo trồng.

GS.TSKH Lê Doãn Diên - Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học và công nghệ lương thực, thực phẩm VN cho biết, trong khi Mỹ, Canada và các nước đang phát triển tại châu Phi, châu Mỹ La-tinh, châu Á ủng hộ việc sử dụng cây trồng biến đổi gien thì châu u lại rất dè dặt về việc cấp giấy phép gieo trồng cây biến đổi gien cũng như lưu hành thực phẩm biến đổi gien trên thị trường.

Ông Trần Đáng khẳng định: Bên cạnh những lợi ích cơ bản của cây chuyển gien như: tăng sản lượng, cung cấp nhiều hơn thực phẩm cho dân số ngày càng tăng; giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận nông nghiệp; tăng giá trị dinh dưỡng hoặc tính thích hợp cho công nghiệp chế biến thực phẩm; tạo ra các sản phẩm có lợi cho sức khỏe..., thực phẩm biến đổi gien lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Các nhà khoa học trên thế giới tỏ ra nghi ngại về khả năng gây dị ứng, làm nhờn kháng sinh, có thể tạo ra độc tố và gây độc cho cơ thể lâu dài... mà thực phẩm biến đổi gien gây ra. Trong khi đó, báo cáo tại hội thảo của GS.TS Lê Đình Lương - Đại học quốc gia Hà Nội lại khẳng định: "Nhiều tổ chức khoa học quốc tế đã nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ AND tái tổ hợp là an toàn".

Q.D

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.